Quà tặng của chị Nguyệt Mai |
Tặng TC & các bạn TH
Nhận được thư nghe bạn tâm tình:
Hôm
rằm có văn nghệ mừng Vu Lan do các em thiếu nhi của viện trình diễn.
Nơi mình phía xóm bên trong vẫn còn đơn sơ lắm, nhưng các em nhờ theo
sinh hoạt đoàn thể mỗi tuần nên tạm nề nếp. Mình cũng rất mừng, ít nhất
tuổi thơ các em có một chút gì để nhớ, như bọn mình nhớ Tuổi Hoa vậy!
Bạn
nhắc lại đến một thời Tuổi Hoa làm mình cũng rưng rưng... Cái thời xanh
đó, như bạn vẫn thường ví, bọn mình là những cây bút học trò rất ham
"tối tác" rồi "sáng tác" những khi có thời gian rảnh, mà mỗi lần có bài
được đăng báo là mừng vô kể và vui như... tết.
Thuở
ấy bọn học trò của mình rất hiền, tâm hồn ngây thơ trong trắng và Tuổi
Hoa như một khu vườn màu mỡ cho bọn mình vui chơi và tập tành trồng hoa,
như có lần chị Cam Li đã viết... Mình nhớ lần đầu tiên cầm cuốn Tuổi
Hoa là vào năm 1967. Lúc đó, trong lớp mình có một cô bạn từ trường khác
ở xa đến học... Như là có duyên với nhau, bạn và mình rất thân, như đã
quen nhau từ rất lâu. Bạn là một cây ghiền Tuổi Hoa. Tiền Mẹ cho ăn quà,
bạn để dành dần dần và cứ mỗi tháng hai lần, ngày 1 và ngày 15, đến giờ
ra chơi, bạn lại rủ mình đi đến sạp báo gần trường để mua. Mua rồi hai
đứa hít hà mùi giấy mực còn thơm và tìm dao rọc báo. Rồi chụm đầu đọc
với nhau trong những giờ ra chơi. Vui không tả!!! Bọn mình thuở đó rất
thần tượng hai chị Hương Kim Long và Tỉ Tỉ, ... Những bài văn của hai
chị hay chi lạ,... Và cũng rất thích mục Tuổi Hoa Lai Rai của thầy Hoàng
Đăng Cấp:
Lai rai cùng với Tuổi Hoa
Trước là vui học, sau là học vui.
với những bài viết về khoa học, văn chương, lịch sử, tình tự dân tộc...
Đến
gần Tết năm đó, trường ra giai phẩm Xuân Mậu Thân. Cô bạn mua một cuốn
và gửi qua bưu điện đến tòa soạn để tặng thầy Cấp. Thật bất ngờ, khi
nhận được, thầy cho biết đó là ngôi trường thầy đã học bậc tiểu học. Và
sau đó, thầy gửi giấy mời dự tất niên tại tòa soạn Tuổi Hoa cho bạn mình
kèm thêm một giấy mời nữa cho một người thân. Bạn đã đến nhà xin phép
Mẹ cho mình đi chung. Mình còn nhớ mãi hôm đó, bạn mượn chiếc xe
Mobillette của người chị để chở mình. Khi đến tòa soạn theo địa chỉ ghi
trong thư mời - 38 đường Kỳ Đồng - Sài Gòn, hai đứa mới biết đó là nhà
thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Vào phía bên trong sân hỏi, mình không nhớ là đã
gặp ai, nhưng biết bạn đưa giấy mời cho người ấy xem thì được bảo là
đứng đợi một chút, thầy Cấp sẽ ra đón. Nhưng chỉ đợi một lúc rất ngắn,
bọn mình đã thấy thầy Cấp tươi cười bước tới, dắt vô trong tòa soạn.
Cũng đã khá đầy đủ các "nhân vật" quan trọng mà mình vẫn thường thấy tên
trên báo như bác Trường Sơn, anh Quyên Di, chị Thúy Vũ, anh Trinh Chí,
anh ViVi,.. Anh Quyên Di là người điều khiển chương trình hôm đó. Mình
nhớ anh đã tập cho hát "Clementine", một bài dân ca của Mỹ dịch lời
Việt:
Nơi hang sâu đầy trên non cao này
Mỏ vàng kia có dân di cư
Và trong đám đó có một gia đình
Đẻ gái xinh là Clementine...
ĐK: Ôi em yêu kiều, ôi em yêu kiều
Người yêu dấu hỡi Clementine
Nàng đã khuất núi, em đã qua đời
Buồn gớm ghê rồi Clementine...
Chị
Cam Li NTMT và bạn của chị là chị Tịnh Tâm đàn và hát nhạc búp bê do
hai chị sáng tác cùng bài Kiểm Điểm - thơ Thục Hạnh - một người thơ của
Tuổi Hoa - do chị Cam Li phổ nhạc...
Đêm đó bọn mình vui lắm vì được sinh hoạt, hát hò chung với những cây bút "thần tượng"...
Sau
Tết Mậu Thân, Tuổi Hoa đã mất anh Vũ Chinh. Và cuộc chiến tiếp diễn ở
khắp mọi miền đất nước... Về phía những cây bút của Tuổi Hoa, anh Trần
Miên Trường / Đỗ Tư Long và anh Trang Vy Trần Thượng Thái cũng đã vĩnh
viễn ra đi...
Thoáng
chốc, bọn mình nay đã tứ tán ở khắp mọi nơi trên thế giới và Tuổi không
còn Hoa nữa. Nhưng mỗi khi nghe ai nhắc đến hai chữ Tuổi Hoa, thì cơ hồ
muôn ngàn nốt nhạc dịu dàng êm ái đang rung lên trong tim. Và bỗng chốc
tâm hồn trẻ lại. Để trở về tháng ngày xa xưa ấy, ngồi bên chiếc bàn con
trong tòa soạn ngày nào... Lại như thấy cả một khoảng trời xanh biêng
biếc, áo dài trắng thơ ngây chen lẫn chùm hoa phượng đỏ thắm như môi cô
em học trò, cùng tiếng ve râm ran gọi mời... Ngày thơ nhẹ nhàng bước qua
từng con tim bồi hồi rộn rã tuy mái tóc nay không còn xanh...
Trần Thị Nguyệt Mai