Thứ Ba, 4 tháng 12, 2018

Mẹ Tôi




MẸ TÔI

Mẹ tôi là một phụ nữ bình thường.

Vâng, trong trí nhớ của tôi, mẹ trước hết là một người mẹ, người vợ trong gia đình. Giống như các gia đình truyền thống thời trước, trong nhà, ba tôi đi làm và lo kinh tế cho cả nhà còn mẹ tôi đảm vai nội trợ, cũng xách giỏ đi chợ, cũng nấu ăn, chăm sóc gia đình như một phụ nữ bình thường.

Tôi nay đã đủ lớn để không quá thiên kiến hay tôn sùng về mẹ. Tôi hiểu mẹ mình cũng là một người với những hỷ, nộ, ái, ố đời thường, cũng dễ khóc, dễ cười… Người ta nói “đàn bà xây tổ ấm”, tôi tin vào điều này vì tôi nhớ không khí gia đình tôi chịu tác động khá lớn từ mẹ. Khi vui, mẹ đọc thơ, hát vang cả nhà, khi buồn, mẹ cứ lặng lẽ rơi nước mắt. Mẹ hầu như không cầm đến roi và cũng không la mắng chúng tôi nhiều, nhưng chúng tôi hay đùa là mẹ có “vũ khí tối thượng”: chỉ cần mẹ khóc là tất cả xếp ve. Mẹ tôi cũng có lúc có những suy nghĩ cực đoan... Nhưng tôi nhìn điều đó với một cặp mắt yêu thương của đứa con, và hơn nữa, với sự chia sẻ và đồng cảm. Tôi nhìn thấy ở mẹ một người phụ nữ cứng cỏi nhưng cảm tính, mạnh mẽ mà rất tình cảm, thậm chí, hơi quá nhạy cảm.

Thường thì mẹ thẳng thắn, yêu ghét rõ ràng và khá công bằng, nhưng nhiều lần tôi nhận ra mẹ có chút thiên vị trong câu nói “anh K. (X., Y., Z….) dễ thương lắm, nó bằng tuổi anh Q. con đó (người anh đã mất của tôi)”.  Sau này, khi nhìn những đứa nhỏ sinh cùng năm với đứa con đã mất của mình với những suy nghĩ bâng quơ, tôi chợt nhận nhận ra mình hiểu và cảm thông sự “thiên vị” của mẹ biết dường nào…

Khi còn nhỏ, chúng tôi nài nỉ xin nuôi chó và dù đã được sự “ủng hộ” của ba, mẹ tôi vẫn từ chối. Chúng tôi cứ “ấm ức” cho rằng “mẹ chẳng biết thương thú vật gì hết” vì mẹ cứ viện cớ “nhà mình chật, không có chỗ, nuôi dơ lắm…”, cho đến khi mẹ kể lại câu chuyện con chó Vàng mẹ đã nuôi ở Nha Trang mà khi chuyển vào Saigon không mang theo được để rồi nó cứ nằm trên xích đu cũ chiếc xích đu mẹ và chị tôi hay ngồi , bỏ ăn mà chết. Mẹ vừa kể vừa nghẹn giọng và nói “mẹ thề không nuôi con chó nào nữa”… Và vậy là tôi hiểu, đằng sau sự cương quyết, lạnh lùng kia là cả một tình cảm yếu đuối đến nao lòng. Mẹ “yếu đuối” (hay “tình cảm”?) đến mức không thích đi ăn ngoài quán vì sợ những lúc đang ăn mà có cụ già hay em bé bước vào xin ăn, bà sẽ không thể “nuốt xuống”. Mỗi khi ba và chúng tôi “mè nheo” đòi đi ăn ngoài, mẹ chỉ tỏ ra “lý trí” bằng cách tuyên bố “ăn ở ngoài vừa mắc, vừa không hợp vệ sinh, ở nhà mình nấu cũng ngon mà”. Tôi thì hay nghĩ thầm “có ngon gì đâu”. Nhưng rồi… chẳng biết từ lúc nào, tôi cũng dần cảm thấy vị đắng của những bát mì, tô phở ngoài quán như mẹ mình [1].

Do hoàn cảnh gia đình, mẹ tôi không được học lên cao, nhưng bà rất ham học, rất thích đọc sách. Bà hay ngâm nga những câu thơ, hay nhắc chuyện lịch sử và tỏ rõ chính kiến trong mọi việc, tỏ rõ thái độ yêu, ghét, đúng, sai. Khi lớn lên, tôi hiểu rằng không thể lúc nào cũng trắng đen, sai đúng rõ ràng, nhưng tôi vẫn yêu sự chân thành, thẳng thắn ấy của mẹ. Nó làm nên con người của bà! 
 
Bên cạnh vai trò người mẹ, người nội trợ của gia đình, mẹ tôi còn còn có nhiều “vai” khác mà đến bây giờ tôi mới thấy là “khác lạ”

Ngoài việc đi chợ, nấu ăn, chăm sóc con cái, mẹ tôi còn ngồi bên máy chữ gõ lóc cóc rất nhanh mà lúc ấy mẹ gọi là “làm việc”. Khác với hình dung về việc sáng tác, (người ta thường nghĩ người sáng tác là phải ngồi ở phòng riêng, đắm mình trong tưởng tượng để sáng tạo với một không gian thơ mộng, tĩnh lặng…) mẹ tôi ngồi đánh máy ở nhà, trong một không khí không có gì là “lãng mạn” bởi sự mè nheo, lộn xộn của lũ nhỏ, thỉnh thoảng lại phải chạy xuống canh nồi cơm, xoong cá… Đến bây giờ, khi đã hiểu công việc ấy cần sự tập trung như thế nào, tôi mới thấy ngạc nhiên tại sao mẹ tôi có thể làm cùng lúc bằng ấy công việc. Mẹ còn tham gia hội Phụ nữ chí nguyện ở Hồng Thập Tự (bây giờ gọi là Chữ Thập đỏ) để cùng các bác đi thăm hỏi, phát quà cho bệnh nhân, người khó khăn…; tham gia hội Bảo trợ học sinh nghèo (để giảm bớt việc những đứa trẻ nghèo phải bỏ học như bà ngày xưa?). 

 Thật ra, khi còn nhỏ, tôi không thấy mẹ tôi quá vất vả, lam lũ. Tôi chỉ thấy mẹ tôi đi lại như con thoi, làm hết việc này đến việc khác mà không ca thán kêu ca. (Đến bây giờ, khi phải vừa làm việc vừa làm mẹ… tôi mới thấy điều đó quả không đơn giản!) Khi ấy, tôi còn thấy mẹ sướng quá vì mẹ giao được hết (có vẻ là vậy) việc nhà cho con cái. Ngay cả khi trong nhà có người giúp việc, các anh chị em tôi và hai anh chị con bác từ Nha Trang vào đi học, đều phải chia nhau làm việc nhà. Mỗi tối,  các chị lên “thực đơn” ngày hôm sau cho cả nhà, các con, dù trai hay gái, đều có nhiệm vụ: đứa phụ nấu ăn,  đứa thì giặt đồ, phơi đồ… đứa nhỏ như tôi cũng được giao lau bụi, dọn giường… Ngày ấy tôi chỉ thấy mẹ mình nhàn hạ quá, khỏe quá, tôi không hiểu rằng làm được việc đó là cả một lòng quyết tâm và cách dạy con “văn minh” của mẹ (vì thật ra, tự làm có khi còn nhanh và sạch hơn giao việc cho tụi nhóc con). Cũng nhờ vậy, sau này, khi không có người giúp việc, mọi việc trong nhà vẫn “chạy” trơn tru, chúng tôi khi trưởng thành, không phải những người khéo léo, đảm đang nhưng đều có thể quán xuyến việc nhà một cách gọn gàng.

Đến bây giờ, tôi hiểu ra đó là cả một “nghệ thuật” khi có thể giáo dục, dạy con, giao việc cho con, nhưng vẫn kiểm soát được tất cả để có thể làm được việc “xã hội”, bao gồm cả việc viết lách, làm công tác xã hội một cách ổn thỏa…

Mẹ tôi không coi đó là một “nghệ thuật” mà hay dùng từ thiên chức Mẹ hay nhắc đến từ “thiên chức” và thường cho rằng bà đã được cuộc đời trao cho “thiên chức cầm bút” và “thiên chức làm mẹ”. 

Thiên chức làm mẹ đã tạo cho mẹ tôi “cơ duyên” để trải nghiệm và viết tác phẩm “Những ngày cạn sữa”[2], tác phẩm đã đem đến cho mẹ tôi giải thưởng, mà hơn hết, là sự tự tin để đón nhận thiên chức cầm bút. Mẹ tôi gọi là “thiên chức” vì bà rất trân trọng nó. Tôi không bao giờ thắc mắc trong hai thiên chức đó bà quan tâm gì hơn. Tôi nhận ra rằng bà đã kết hợp hai thiên chức này để trở thành một nhà văn nữ viết cho thiếu nhi, không phải chỉ để các em giải trí mà còn là giải trí lành mạnh, và hơn thế nữa, qua đó giáo dục các em như một người mẹ.

Tác phẩm của mẹ, ngoại trừ các tác phẩm biên dịch hay phóng tác, đều lấy chất liệu từ cuộc sống thật của bà. “Giã từ bóng tối”, “Máu đào nước lã”, “Vượt đêm dài”, “Về thăm thầy cũ”… tưởng chừng như là hư cấu nhưng đều là những câu chuyện có thật. Có lẽ vì vậy, truyện của mẹ tôi không ly kỳ, hấp dẫn, ướt át, nhưng tôi đọc với sự thích thú vì tìm thấy được “người thật việc thật” trong đó. Đặc biệt là những tác phẩm kể chuyện gia đình. Gia đình nào cũng có những kỷ niệm vui buồn và bây giờ nhìn lại, tôi cảm ơn mẹ đã lưu lại cho chúng tôi những kỷ niệm đẹp mà dù được trực tiếp sống, tôi cũng không cảm nhận hết. Chính nhờ “con mắt nhà văn” mà chuyện bình thường cũng thành thú vị; và giờ đây, khi đọc lại, tôi càng thấm thía rằng mình đã có một cuộc sống tốt đẹp biết bao trong bầu không khí yêu thương đó. 

Các con tôi rất thích thú khi đọc tác phẩm của bà ngoại, đặc biệt là các tác phẩm có kể chuyện gia đình tôi. Chúng nó đọc với sự tò mò, thích thú, khúc khích cười khi phát hiện ra “A, mẹ là con Bé, mẹ mách lẻo! …”. Tôi tự nghĩ mình đã may mắn khi có người “vẽ chân dung” gia đình mình, và đó là “di sản” lớn của mẹ để lại cho chúng tôi. Những câu chuyện gia đình, đối với chúng tôi là vô giá, còn với các độc giả khác chắc không chỉ “mua vui cũng được một vài trống canh” vì tôi nhận ra rằng có rất nhiều bài học giáo dục trong ấy. Mẹ tôi không rao giảng đạo đức, không triết lý sâu xa vì, như bà thường tự nhận: bà ít học nhưng tôi nghiệm ra rằng mỗi tác phẩm, mỗi câu chuyện của bà đều có thông điệp giáo dục về tình người một cách chân thật, giản dị nhưng rất sống động.

Trong thực tế, có lẽ cũng giống với khá nhiều văn nghệ sĩ, mẹ tôi không “sống” (theo nghĩa có được thu nhập) bằng nghề viết văn, nhưng ở một ý nghĩa khác, mẹ đã “sống” với nghề của mình hết lòng, đau đáu với nhiệm vụ giáo dục, đặc biệt là giáo dục thiếu nhi, cho đến những ngày cuối của cuộc đời. Tôi thường nghe mẹ ngâm nga câu “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, bà thường hay nhắc đến việc “không được bẻ cong ngòi bút”, bà hay nhắc đến từ “tử tế” mỗi khi dặn dò chúng tôi. Chao ơi, càng sống, tôi càng hiểu rằng để có được hai chữ “tử tế” ấy quả thật không hề dễ dàng, nhưng tôi cũng ý thức rằng phải biết giữ mình trong hai chữ ấy, dù có lẽ chúng tôi cũng phạm không ít sai lầm, không được như mẹ mong muốn…

Và như vậy, mẹ không thể “nuôi” chúng tôi bằng thiên chức cầm bút, nhưng bà đã thực hiện thiên chức làm mẹ bằng cách “dưỡng” chúng tôi trong một bầu không khí gia đình của một nhà văn - nhà giáo dục. Hai thiên chức ấy như “2 trong 1” đã làm nên cuộc đời mẹ tôi, một cuộc đời không quá ngắn cũng không quá dài, nhưng tôi tin rằng đó là cuộc đời có ý nghĩa.

Mẹ tôi thường nói “60 chưa gọi là già, đậy nắp quan tài mới nói được đời người đúng sai con ơi”[3]. Quan tài mẹ đã đóng lại gần 10 năm, nhưng tôi có cảm giác mình vẫn chưa hiểu hết về cuộc đời mẹ. Tôi không quan tâm lẽ đúng sai, bởi vì điều đó rất tương đối. Tôi chỉ thấy rằng, cứ thỉnh thoảng tôi lại “thấm” thêm một điều gì đó từ những câu nói, từ cách sống của mẹ mình, tôi thỉnh thoảng lại nhận ra mình có một câu nói, có một suy nghĩ và một kiểu dạy con như mẹ mình ngày xưa…

Tôi hay nghĩ câu chuyện về hạt giống: những điều tốt đẹp chúng ta đã làm trong cuộc đời sẽ như những hạt giống được gieo trồng, chúng sẽ nằm đó, nảy mầm và phát triển... Vâng, mẹ tôi đã gieo các hạt giống. Những hạt giống ấy đang trong con cháu của bà và ở đâu đó trong lòng độc giả qua các tác phẩm tâm huyết của bà để tiếp tục phát triển. Và như vậy, tôi luôn cảm thấy có mẹ trong cuộc đời.

Vâng, mẹ tôi là một phụ nữ bình thường, nhưng trong mắt tôi, người phụ nữ ấy không tầm thường.


LÊ MINH VĨNH   



[1] Tôi từng thấy những trẻ nghèo vào tiệm
   Đứng đợi chờ thực khách vứt mẩu xương
   Thấy nhiều người chê mỹ vị, cao lương
 Và cũng thấy trẻ đánh nhau vì chút cặn…
Ôi! Những bát phở tô mì sao bỗng dưng hóa đắng?
Mất cả vị mùi, mất đói, mất cả ngon…
(trích bài thơ “Lá thư đô thị” , Minh Quân, 1964)

[2] Mẹ tôi rất ủng hộ việc cho con bú sữa mẹ. Trước đây, khi sinh các anh chị tôi, bà đều nuôi hoàn toàn bằng sữa mình. Nhưng khi sanh đứa con út, bà bị mất sữa. Và trong những ngày đó, mẹ tôi khổ sở, lo lắng rất nhiều. Những trăn trở được mẹ tôi thể hiện trong tác phẩm “Những ngày cạn sữa”. Tác phẩm được giải nhất Giải thưởng văn chương do trung tâm Văn bút Việt Nam trao tặng năm 1965.

[3] Cái quan luận định” (khi đậy nắp quan tài rồi thì mới luận hay hoặc dở).

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2018

Lá Thư Kỷ Niệm


Nhân Quang Võ nhắc tới tác giả Minh Quân, tôi xin chia sẻ một kỷ niệm một bút tích của Chị tôi may mắn còn giữ, được tìm thấy cùng chỗ với mấy bản film tách màu Bìa Tuổi Hoa số Giáng Sinh 229. Thời điểm này chiến sự đang sôi động, tôi dù là lính văn phòng ở Trường Sinh Ngữ Quân Đội, nhưng vẫn phải vào ứng trực ở đơn vị luôn, chỉ ghé tòa soạn nhận bài vở, thư từ mỗi chiều sau giờ tan sở. Thấy lá thư tôi vội gọi điện cho chị, ngỏ ý nhân tiện muốn được làm quen với BS Đỗ Hồng Ngọc, đang rất nổi trong giới học sinh, sinh viên bấy giờ. Bản thân tôi cũng rất ái mộ cái giọng văn hài hước, nhẹ nhàng mà rất chuyên sâu của ông thầy thuốc trẻ này Chị vui vẻ đồng ý ngay, còn thêm : " Hay lắm. Ngọc nó dễ thương lắm em " và hẹn sáng Chủ Nhật chị ghé tòa soạn rồi đi luôn. Tiếc rằng tối thứ 7 đó chúng tôi nhận được lệnh cấm trại 100%, và cuộc hẹn phải bỏ ngõ...

HÀ TĨNH          
(Nguyễn Hữu Thuần) 


Thứ Tư, 22 tháng 8, 2018

Bức Ảnh Trong Mơ


Chào các bạn,

Xin báo các bạn một tin vui: mình vừa được bạn Minh Vĩnh (tên gọi thân mật ở nhà và... trong truyện là Bé), con gái út của bác Minh Quân scan tặng hai bức ảnh hiếm hoi chụp chung cả nhà (chỉ thiếu bác trai) đồng thời cho phép mình được post lên mạng cũng như là cho vào album Một Thời Tuổi Hoa để làm kỷ niệm. Thế là ước mơ bấy lâu của mình đã được thỏa nguyện! Nói về bác Minh Quân, không thể nào không nhắc đến những truyện gia đình đầy vui nhộn và lôi cuốn của bác. Hồi nhỏ mình đọc báo khá muộn, chỉ được khoảng hai năm nhưng đã vô cùng thích thú với các truyện ngắn nói về gia đình bác trên báo Thiếu Nhi như: Phát Giác Bất Ngờ, Dỗ Mẹ Giấc Trưa, Em Tôi Gây Quỹ, Không Lệ Thuộc Xăng... Bên Tuổi Hoa thì có Cơn Lốc Dữ, Duy Trì Cổ Tục Ngày Xuân... Sau này khi mình may mắn tìm thêm được báo cũ, thì số lượng truyện nói trên đã được bổ sung thêm một cách đáng kể: Chuyện Con Cò, Chuyện Nhà Tôi, Chuyện Thời Trang, Phái Nam Giản Dị... (Thiếu Nhi). Loạn Giữa Trưa, Gà Qué Nhà Tôi, Nghỉ Hè Trên Núi... (Tuổi Hoa). Nhiều đến mức khó mà kể ra được hết cùng một lúc. Đặc biệt là truyện dài Tên Tài Xế Suzuki Lý Tưởng mà mình đã có dịp giới thiệu cùng các bạn cách đây ít lâu. Yêu lắm và luôn ước mơ được thấy, dù chỉ một lần, cái gia đình "ồn ào" mà hạnh phúc của bác, nhưng chỉ có thể tưởng tượng ra các "nhân vật" trong đó qua phần minh họa của anh Vi Vi. Mà anh Vi Vi thì không biết vô tình hay hữu ý, chưa bao giờ vẽ đủ cả nhà trong một hình minh họa! À, cũng có một lần, trong truyện Duy Trì Cổ Tục Ngày Xuân, anh minh họa đủ mặt bố mẹ và năm đứa con, hiềm nỗi hình mờ quá thành ra có cũng như không! Niềm ước mong tưởng đã chôn vùi theo năm tháng, bỗng vụt lóe sáng trở lại khi mình gặp được Bé trong các dịp lễ tưởng niệm và lễ giỗ bác Trường Sơn. Hai lần gặp đầu do thời gian quá eo hẹp, mình chỉ kịp làm quen thăm hỏi mấy câu. Phải đến lần gặp thứ ba thì cơ hội mới đến. Đó là hôm lễ giỗ bác Trường Sơn lần thứ ba, mình gặp Bé cùng ông xã trong khuôn viên nhà thờ Kỳ Đồng trước giờ hành lễ. Sau vài câu thăm hỏi xã giao, mình nhanh chóng khoe mình vừa mới đăng lại truyện Mái Tóc của bác Minh Quân, khoe luôn cuốn Máu Đào Nước Lã có chữ ký bác mà mình mới vừa tìm được trước đó chỉ có vài tiếng! Bé lắng nghe với vẻ thích thú và câu chuyện cứ thế xoay quanh chủ đề gia đình. Đến lúc mình cao hứng kể vanh vách tuổi của bác và các chị em trong gia đình thì Bé bày tỏ sự "nể nang" ra mặt, nói: em thiệt phục anh! (thật ra mình không đến mức "tài giỏi" vậy đâu, chỉ là nhờ đánh máy lại mà nhớ thôi, nhưng nếu "thật thà khai báo" hết ra thì "bụt nhà ta" đâu còn "thiêng" nữa phải không các bạn, hi hi!) Thấy "thời cơ" đã chín muồi, mình ngỏ ý xin Bé một tấm ảnh gia đình, nói rằng đó là ước mơ "cháy bỏng" suốt hơn bốn mươi năm qua. Bé sốt sắng gật đầu, còn cho mình cả email và số điện thoại để liên lạc. Ít ngày sau, mình nhận được hai bức ảnh thật đẹp chụp bác Minh Quân và cả năm chị em. Bất ngờ hơn nữa là có cả hình bìa cuốn Tên Tài Xế... mới toanh Bé hứa gởi lần gặp đầu tiên, mà mình không dám nhắc lại, cứ ngỡ là Bé đã quên mất! Nhìn ảnh, bao nhiêu ký ức chợt ùa về: Đây đúng là bác Minh Quân, thương con nhưng cũng rất nghiêm khắc sẵn sàng dùng "vũ lực" khi cần ; đây chị Thu, "tên tài xế Suzuki lý tưởng", hay cằn nhằn nhưng luôn giúp đỡ em út ; anh Vũ đẹp trai giống mẹ (?) yêu thiên nhiên và có óc khôi hài ; Hà "hùng dũng như con trai" thấy chuyện bất bình là không chịu được ; Minh giàu tình cảm, dễ xúc động, được ba cưng nhất nhà ; Bé giống hệt "bà cụ non" nhưng thông minh, lanh lợi... ; (còn thiếu "ông bố" nể vợ nhưng chuyên "vẽ đường cho hươu chạy"!). Đúng là bức ảnh trong mơ! Chỉ hơi tiếc là ảnh chụp lúc mấy chị em còn khá nhỏ so với các "nhân vật" trong truyện, nhưng mà được vậy là may mắn lắm rồi, còn đòi hỏi chi hơn! (chỉ cần chịu khó "tưởng tượng" thêm một chút là OK ngay!).  Nhân mùa Vu Lan, mình xin gởi đến các bạn một trong hai bức ảnh quý giá này (Bé nói thích bức này hơn và mình hoàn toàn đồng ý), cũng là để tưởng nhớ một người mẹ hết lòng lo cho con cái, và... hơn thế nữa, một nhà văn hết lòng vì tuổi thơ! Mời các bạn xem:


Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2018

Một Thời Hoa Mộng


Chào các bạn,

Hôm lễ giỗ bác Trường Sơn lần thứ ba, mình nhận được một món quà bất ngờ, đặc biệt từ cô Tú, vợ chú Hoàng Đăng Cấp, và cháu nội Khôi Nguyên: 30 tấm ảnh kỷ niệm quý giá mà gia đình chú còn lưu giữ được của một thời Tuổi Hoa đáng nhớ! (mà cô nói vui là nhờ chú Quang Võ giữ giùm!) Cầm xấp ảnh trên tay mà mình bồi hồi xúc động, mãi mới nói được lời cảm ơn và xin hứa sẽ giữ gìn món quà thật cẩn thận chừng nào mà mình vẫn còn sống, còn thở được! Dù không nói ra nhưng mình biết, ý của gia đình chú là mong muốn mình sẽ sử dụng món quà trên một cách hiệu quả nhất. Vậy nên mình quyết định khi nào có dịp, sẽ chọn ra những tấm thích hợp post lên mọi người xem cho biết, nhân tiện đưa vào album Một Thời Tuổi Hoa để lưu giữ lâu dài. Có một số tấm đã có trong album, một số có tính "riêng tư" đưa lên không tiện, số còn lại không nhiều. Trước mắt, mình chọn ra một vài tấm "ấn tượng", đưa lên "bảng hiệu" Hồi Ức Tuổi Hoa cho đẹp và cho đỡ phần... trống trải! Mấy hôm nay mình cố ý đăng lại một số bài của chú Hoàng Đăng Cấp, chính là để "dọn đường" cho phần giới thiệu này. Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn cả nhà và mời các bạn xem:


Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2018

Quyển Lưu Bút... Ngày Xưa


NGÀY XƯA...?  Vì quyển Lưu Bút này như một câu chuyện cổ tích thần tiên về tuổi thơ, TUỔI HOA hồn nhiên của một cô bé học trò thuở "Mơ Làm Thi Sĩ ".

NGÀY XƯA...? Cách đây gần năm mươi năm, cô bé học trò TUỔI TRĂNG TRÒN, cứ "Mỗi năm đến Hè lòng man mác buồn..." lại đem cuốn Lưu Bút trịnh trọng mời Thầy, Cô viết cho ít dòng lưu niệm. Thân ái chuyền cho bạn bè ghi chép, thu thập những tấm hình kỷ niệm. Gia tài vô giá này có cả những nhà văn, nhà giáo... của bán nguyệt san Tuổi Hoa những người đã khai sáng, ươm mầm cho những tâm hồn thiếu nhi Việt Nam.

Sau biến cố 30-4-75 tôi đã mất mát nhiều thứ. Một trong những nỗi mất mát lớn lao là những bộ sách Tuổi Hoa bìa da, chữ mạ vàng mà Cha chủ nhiệm đã ưu ái đóng cho tôi bị tịch thu và tiêu hủy. Tuổi thơ êm đềm của tôi đã bị xóa sạch trong ngọn lửa "bài trừ văn hoá đồi trụy". May mắn tôi còn giữ lại được quyển Lưu Bút này cả kho tàng kỷ niệm  của Thầy, Cô, bạn bè và đặc biệt là của Gia Đình Tuổi Hoa.

Theo giòng đời nổi trôi, quyển Lưu Bút đã theo tôi trong những ngày khó khăn, đau khổ lẫn hạnh phúc, và cuối cùng lưu lạc nơi xứ người. Lăn lóc mãi quyển Lưu Bút nay đã mất bìa, long gáy, rời rạc từng tờ. Những trang giấy học trò đã ngả màu, vàng ố, xộc xệch trông thật đáng thương.

Nhiều lần tôi có ý định làm mới lại quyển Lưu Bút, nhưng rồi lại nghĩ kỷ niệm mà "tân trang" thì không còn là KỶ NIỆM. Quyển Lưu Bút sẽ "già" đi theo tôi, mục rã thành cát bụi và quấn quýt bên tôi vào chặng cuối của cuộc đời.

Người sáng lập ra báo Tuổi Hoa Nhà văn Nguyễn Trường Sơn và những nhà văn, nhà giáo phụ trách đã và sẽ lần lượt rời bỏ chúng ta ra đi. Quyển Lưu Bút với những hình ảnh, bút tích... của các anh chị vẫn còn đó, trong tim tất cả chúng ta những người đã gắn bó với Tuổi Hoa và đã có một thời để nhớ.

Mai sau khi trở về với cát bụi, nếu may mắn gặp lại bác Trường Sơn nơi một cõi vĩnh hằng bình an nào đó, tôi vẫn chỉ muốn nói với bác:

 - THƯA BÁC, CON CẢM ƠN BÁC TUỔI HỌC TRÒ CỦA CHÚNG CON CÓ BÁC, CÓ TUỔI HOA.

Trần Thị Hậu.  
    28/7/2018      

Trang đầu quyển Lưu Bút Ngày Xưa

Ảnh và lưu bút của chị Cam Li Nguyễn thị Mỹ Thanh

Lưu bút của anh Trinh Chí

Lưu bút của anh Vi Vi

Ảnh và minh họa của anh Vi Vi

Lưu bút của anh Quyên Di

Vài gương mặt Tuổi Hoa

Ảnh của chị Trần thị Nguyệt Mai

Lưu bút của chú Hoàng Đăng Cấp


Thứ Ba, 24 tháng 7, 2018

Nhớ Anh Hoài Mỹ


Chào các bạn,

Sắp đến ngày dự lễ giỗ bác Trường Sơn thì mình nhận được một tin buồn: anh Hoài Mỹ, bạn thân của anh Quyên Di, tác giả của Đèn Khuya, Triền Dốc, Linh Hồn Tượng Đá, Dưới Mái Gia Đình… không còn nữa! Mình có may mắn được làm quen với anh trong một trường hợp khá đặc biệt. Số là cách đây gần hai năm, trong lúc “tán gẫu” với mình, Trung Võ, con trai anh Vi Vi có “vui miệng” nhắc đến anh (anh là Bõ đỡ đầu của Trung Võ). Bất ngờ làm sao, chỉ vài hôm sau đó, mình nhận được lời mời kết bạn của anh. Trước giờ mình có biết anh có “account” trên facebook, nhưng họa hoằn lắm mới thấy anh lên post bài. Bây giờ anh lại chủ động “kết bạn” với mình làm mình rất vui và cảm động! Tất nhiên là mình nhận lời ngay. Nhưng chỉ đến khi mình đăng lại truyện Hành Tinh Mắt Ma của anh trên báo Ngàn Thông và giới thiệu lại một loạt các tác phẩm  khác của anh thì anh mới thực sự “tái xuất giang hồ”. Anh “comment” liên tục để cảm ơn, và ngỏ ý muốn tìm lại 2 “đứa con thất lạc” (chữ dùng của anh) là Đèn Khuya và Triền Dốc. Giọng anh thật vui đúng như mình đã hình dung ra anh từ nhỏ sau khi đọc cuốn Dưới Mái Gia Đình. Đáng tiếc là mình chỉ tìm được cuốn Triền Dốc nên không thể đáp ứng trọn vẹn lòng mong mỏi của anh. Nhưng chắc “trời còn thương kẻ hiền lương” nên chỉ hai tháng sau, một người bạn của mình trên facebook đã tìm được cuốn Đèn Khuya và post lên mạng. Mình lập tức xin phép được đăng lại (ngày 5-4-2018) và dán lên “tường” nhà anh, đinh ninh thế nào anh cũng sẽ rất vui và hồi âm tức khắc. Nhưng chờ mãi không thấy anh trả lời, mình linh cảm có chuyện không hay nhưng vẫn cố an ủi là chắc anh bận du lịch đâu đó thôi. Mãi đến nay, nhờ một thân hữu của anh đưa tin mình mới biết là anh đã nhập viện từ tháng 2 vì căn bệnh ngặt nghèo, không kịp đọc lại đứa con tinh thần mà anh rất yêu mến! Anh Hoài Mỹ ơi! Anh về bên ấy bình yên nhé, em xin post lại đường link truyện dài Đèn Khuya dưới đây, nhờ ngọn gió tâm linh gởi đến anh, để khi nào buồn anh mở ra đọc cho đỡ buồn! Chiều nay là lễ giỗ bác Trường Sơn, những người có mặt sẽ cầu nguyện cho anh!

https://tuoihoandmore.blogspot.com/2018/04/en-khuya.html

(Xin phép Trung Võ được post lại tấm hình có mặt anh để minh họa)


Từ trái sang phải,
Hàng trước: Cô Hồng Hạnh bế con trai Tún (Trung Vo), Quyên Di.
Hàng sau: Bùi Thị Nga (em gái Quyên Di, mẹ đỡ đầu của Tu) bế Tu là chị của Tún, linh mục Chân Tín (chủ nhiệm báo Tuổi Hoa), nhà văn Hoài Mỹ (bố đỡ đầu của Tún), nhà văn Thái Bắc (báo Ngàn Thông). (Chú thích của anh Quyên Di)


Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2018

Gặp Chú Hoàng Đăng Cấp


Chào các bạn,

Sau khi nhận được bài viết Hồi Ức Tuổi Hoa của anh Đình, trong đó có nhắc đến chú Hoàng Đăng Cấp, mình quyết định viết một bài về chú. Thật ra mình đã có ý định này trước đó rồi, khi được anh Quyên Di cho xem ảnh của anh chụp chung với chú tại nhà riêng của chú hôm lễ tưởng niệm bác Trường Sơn. Nhưng định thì định vậy chứ mình cũng chưa biết viết gì vì mình đâu có gặp chú lần nào mà có kỷ niệm! Lần này thì khác, mình nảy ra một ý hay: mình không có kỷ niệm về chú nhưng kỷ niệm về cuốn Mật Lệnh U Đỏ thì nhiều, có thể viết thành một bài ngăn ngắn được. Thế là bài Mật Lệnh U Đỏ và Chú Hoàng Đăng Cấp ra đời và được mình cho đăng trước bài của anh Đình hai ngày, vì mình linh cảm là bài của anh sẽ rất thu hút, không cần đăng trước. Cả hai bài đều được mình gởi cho chị Cam Li và chị Nguyệt Mai, hai chị rất thích và đều đăng lại. Chị Cam Li thì lấy hai bài làm phần cuối cho chuyên mục Ký Ức Tuổi Hoa, còn chị Nguyệt Mai thì khen bài viết của mình đọc cảm động! Mình cũng rất muốn được gặp chú Hoàng Đăng Cấp một lần nhưng chưa có dịp. Rồi cái duyên đến: anh Đình về nước chơi, muốn gặp mình cho biết và cho mình biết là anh sẽ ghé thăm chú. Mình không bỏ lỡ cơ hội xin anh cho được tháp tùng. Chuyến đi ấy khá buồn vì chú yếu lắm, không còn ngồi được như hồi năm ngoái. Mình đành lỗi hẹn, không thể viết bài "tường thuật" theo lời dặn dò của hai chị Cam Li và Nguyệt Mai! Hôm lễ giỗ bác Trường Sơn lần thứ hai, mình có cơ hội được ghé thăm chú một lần nữa với Đam San, con trai anh Hà Tĩnh. Lần này chú còn yếu hơn lần trước, nhưng khi cô Tú vợ chú giới thiệu mình là "fan" của tác giả Mật Lệnh U Đỏ và hỏi biết ai là tác giả của Mật Lệnh U Đỏ không, thì chú đưa bàn tay cong queo chỉ vào ngực! Bàn tay ấy mình đã cố tình nắm thật chặt và nắm những hai lần, đối với mình đó là điều hạnh phúc vì mình biết mình đã được nắm bàn tay của một người tử tế! 

Chú Hoàng Đăng Cấp và họa sĩ Đình

Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

Tìm lại được truyện đăng báo Tết 36 năm trước!




Hôm qua (29/1) thật tình cờ và sung sướng khi KV tôi vào trang Tuoihoa.hatnang.com đọc được ở đó một truyện ngắn thiếu nhi của mình in trên tạp chí Tuổi Hoa Tết Ất Mão ra ngày 25 tháng 1 năm 1975. Đó là truyện "Cô nhỏ Trúc Quan Âm" mà không biết có phải là truyện ngắn thiếu nhi cuối cùng của KV tôi in trước 1975 ở Sài Gòn hay không?
 
Nhẩm tính mới đó mà đã 36 năm qua. Năm Con Mèo ngày xưa ấy KV tôi vẫn chỉ viết truyện thiếu nhi cho các tờ Tuổi Hoa Thiếu Nhi Thằng Bờm viết truyện dài in sách ở NXB Tuổi Hoa với bút danh cũng là tên thật Nguyễn Thái Hải. Bây giờ hình dung lại mình ngày ấy: Hai mươi lăm tuổi có 8 cuốn truyện thiếu nhi được in (cuốn đầu tiên vào năm 1970) và vài chục truyện ngắn in rải rác. Hồi ấy quả thực trong đầu chẳng có chút "lý thuyết chuyên môn" nào về truyện ngắn truyện dài... chỉ biết viết ra những gì mình nghĩ mình tưởng tượng được bằng những câu chữ cố gắng sao cho người đọc có thể... hiểu đúng như mình nghĩ. Và có một chút "cầu danh" nữa chứ! Hồi ấy cũng chẳng có chuyện làm đơn xin vào hội nhà văn này nọ. Cứ viết rồi có truyện in dài dài trên báo có sách ra đều đều... như Nguyễn Thái Hải trẻ măng là được mọi người gọi là "nhà văn" rồi chẳng ai thắc mắc chẳng ai ganh tị gì! 

Rất cảm ơn bạn Đèn Biển mà NTH chưa có hân hạnh quen biết đã sưu tầm đánh máy đưa truyện "Cô nhỏ Trúc Quan Âm" của tôi lên tuoihoa.hatnang.com; giúp tôi tìm được một trong mấy chục cái truyện ngắn in báo hồi đó (mà tôi đang rất muốn đi tìm lại chúng đầy đủ). Cảm ơn tuoihoa.hatnang.com mà chủ nhân là cô Thục Đoan đã có công sưu tầm và phổ biến truyện Tuổi Hoa xưa trong đó có những truyện dài của NTH.

Mời bạn bè ngày nay của Khôi Vũ đọc truyện trên báo Tết Con Mèo 36 năm xưa của Nguyễn Thái Hải nhân những ngày Tết Con Mèo năm nay.  


 
NGUYỄN THÁI HẢI   
 
https://tuoihoandmore.blogspot.com/2014/01/co-nho-truc-quan-am.html