Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

Tết Trung Thu Đặc Biệt


Chào các bạn,

Không biết có duyên nợ gì mà số báo Tuổi Hoa đầu tiên mình mua về đọc lại là số 208, số đặc biệt Trung Thu! Các bạn thử nghĩ xem, số báo đầu tiên mà lại là số đặc biệt thì có ý nghĩa nhiều lắm chứ, phải không nào!

Năm đó mình 13 tuổi, đã bắt đầu thích đọc Tuổi Hoa, nhưng là các loại hoa xanh đỏ tím vàng (quên, không có vàng, hi hi!) thôi chứ báo thì chưa. Con nít mà, đứa nào cũng mê truyện hơn báo (nhất là những truyện phiêu lưu mạo hiểm ly kỳ hấp dẫn!) vì truyện đọc một lèo là hết còn báo thì lắt nhắt lắm. Mà cũng lạ, chỗ mình ở không có ai mua truyện Tuổi Hoa về bán, chỉ có báo thôi. Cũng may là có bố mình “ra tay” giúp đỡ nếu không thì… Không đọc thì thôi, chứ đã đọc rồi thì cứ gọi là mê tít, khỏi cần ăn cũng no! Lúc nào rảnh là lại lôi Tuổi Hoa ra đọc, hết đọc lại ngắm nghía hình bìa “tuyệt tác” của Vi Vi. Đến lúc mê Vi Vi quá rồi (quên, mê hình bìa của Vi Vi!) thì mỗi tháng hai ba cuốn có thấm vào đâu. Thế là bắt đầu nghĩ đến chuyện “tấn công” qua báo.

Báo không ở đâu xa, báo bán ngay đầu chợ, mà nhà mình thì cách chợ có vài chục mét thôi. Ngày nào đi học cũng đi ngang sạp báo, thấy tờ Tuổi Hoa với hình bìa xinh đẹp nằm “khiêu khích” trên giá chịu làm sao thấu! Nhưng mà có một trở ngại: chủ sạp báo là ông Hai Mập (gọi như vậy vì ổng… mập!). Ông này chúa ghét con nít, làm như con nít là kẻ thù của ông không bằng! Làm mình cũng hơi ngán! Nhưng tình yêu Tuổi Hoa đã giúp mình thêm can đảm. Hôm đầu tiên mình ghé sạp, ổng nạt liền: Muốn gì? Mình hết hồn nhưng kịp trấn tĩnh, ấp úng: Dạ… muốn mua báo. Báo gì? Dạ… Tuổi Hoa. Ổng nhìn mình như nhìn một sinh vật lạ rồi hầm hầm rút tờ Tuổi Hoa ra, nói cộc lốc: Sáu chục. Hú hồn! Cuối cùng thì mình cũng đã mua được tờ Tuổi Hoa một cách êm đẹp! Chắc các bạn cũng thắc mắc là ổng khó chịu như vậy ai mà thèm mua! Thật ra thì với người lớn ổng cũng khá lịch sự, ổng chỉ ghét con nít thôi. Con gái ổng dễ thương hơn nhiều, thấy mình ra là cười tươi như hoa mới nở, ăn nói ngọt ngào như rót mật vào tai, chỉ tiếc là chị này lâu lâu mới ra trông hàng một lần thay cho ông bố khó tính.

Tờ báo đầu tiên được mình chiếu cố tận tình. Nhưng đọc hết rồi không biết làm gì vì phải chờ đến nửa tháng mới ra số mới. Thế là lại lôi ra đọc lại, không sót một chữ, riết rồi gần như thuộc lòng luôn. Không ngờ báo cũng hay ra phết! Thế mà từ trước tới giờ mình cứ tưởng… Truyện thì có Ánh trăng sáng ngà của chị Kim Hài, Tuổi dại của Linh Giang, Đàn hạc của anh Nguyễn Thái Hải. Thơ thì có Cũng là mùa thu của chị Nguyệt Mai, Rộn ràng của La Ty… Sưu tầm thì có Chinh phục chị Hằng, Biển cả, kho tàng vô giá. Có cả một truyện tranh nhiều kỳ và truyện dài Khi ông cậu quý bị đắm tàu của bác Minh Quân, đã đăng được một kỳ. Mình nhớ lúc đó mình đã tiếc hùi hụi vì đã không mua sớm hơn để được đọc đầy đủ truyện này. Rồi các mục giải trí như Dzíc dzắc, Cười bò bò cười nữa, cũng thật là hấp dẫn. Các  bài vở trên số báo này đã được mình ưu tiên đăng lại khá nhiều, một phần chắc cũng vì mình có cảm tình đặc biệt với nó.

Từ khi “đèo bòng” thêm món báo, ngân quỹ của mình càng eo hẹp hơn. Các bạn đừng tưởng là bố mình mua cho mình nhé, toàn là tiền quà sáng của mình cả đấy. Nhà mình nghèo lại đông cho nên kiếm cái ăn đã khó, làm sao mà lo nổi món ăn tinh thần, nên đứa nào “lỡ dại” mê cái món đó rồi thì tự bỏ tiền ra mà mua! Để có tiền mua mỗi tháng hai số báo và hai tới ba cuốn sách, mình đành áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Tới khi “ôm” thêm tờ Thiếu Nhi nữa thì mình gần như bỏ thói quen ăn sáng luôn. (Nói thì các bạn không tin, thói quen ấy mình vẫn giữ cho đến tận bây giờ!) Khổ nỗi chợ quê mình nổi tiếng là có nhiều món ăn ngon: nào là cháo giò, bánh canh, chè đậu, bún thịt nướng, bánh hỏi… đều thật hấp dẫn, trước nay ăn quen rồi, nay phải nhịn thèm kể thật là đau khổ! Đành phải hạn chế ra chợ cho đỡ thèm chứ biết làm sao!

Bây giờ nghĩ lại mình thấy mình đã làm đúng, không có gì phải hối tiếc về quyết định của mình. Thật vậy đó các bạn, các bạn nghĩ coi, quà bánh ăn vèo một cái là hết, còn sách báo nếu gìn giữ kỹ thì có khi còn lưu lại được cho cả đời sau, hay quá đi chứ! Số báo Tuổi Hoa 208 mình vẫn còn giữ dù nó không còn mới lắm trước sự tàn phá của thời gian. (Sau này mình có mua được một tờ rất mới – chính là tờ mình đã post trong bài Ánh trăng sáng ngà, bạn nào muốn có thể xem lại) Nhưng đối với mình, tờ báo đầu tiên vẫn là quý giá nhất, khiến cho mình mỗi lần nhớ đến là lại thấy thật bồi hồi. Hôm nay nhân dịp Trung Thu, mình mời các bạn xem hình ảnh tờ báo thật nhiều kỷ niệm của mình, kỷ niệm của một thời hồn nhiên trong sáng, một thời không thể nào quên!

Năm đó mình mười ba tuổi, cái tuổi không còn mê cộ đèn, mê Tết Trung Thu (Thường thì hết tiểu học là hết mê Trung Thu rồi). Nhưng năm đó, mình đã "ăn" một cái tết Trung Thu thật đặc biệt: Trung Thu với Tuổi Hoa!

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

Gõ Bài, Một Niềm Đam Mê


Quý mến tặng Đèn Biển
**

Xuất hiện đầu tiên trên trang “Tủ Sách Tuổi Hoa” http://tuoihoa.hatnang.com , cái tên “Đèn Biển” không phải ở vị trí tác giả, mà là người “sưu tầm và đánh máy”. Suốt những năm tháng trang web này hiện diện, cái tên Đèn Biển đã trở thành một tình thân.

Cam Li đã ít nhất một lần trân trọng cám ơn Đèn Biển trong web của mình:

"… Đến năm 2012, bạn Đèn Biển đã bỏ công đánh máy lại “Cô bạn chưa kịp thân” năm nào và nhắc tôi luôn cả bút hiệu Vương Trường Giang của tác giả. Chân thành cám ơn bạn Đèn Biển. Bạn vì tấm lòng yêu mến Tuổi Hoa mà đã nhiệt tình sưu tầm, mua lại sách báo cũ và đánh máy cho không biết bao nhiêu tác giả (và một vài bài cho Cam Li vì Cam Li đã tự đánh máy gần hết các bài viết của mình). Thú thật là tôi đã không thể giữ trọn vẹn tất cả các bộ Bán nguyệt san Tuổi Hoa để có cái hân hạnh tìm về những bài viết cũ."

… và luôn luôn cám ơn Đèn Biển khi được Đèn Biển đánh máy và ưu tiên gửi cho web Cam Li những bài của Trần Miên Trường, Trang Vy, Vũ Chinh, Thúy, Hạnh Trân, Vương Trường Giang v.v… trong thời gian Tủ Sách Tuổi Hoa bị “khựng”.

Sao bạn lại có thể miệt mài không biết mệt khi cất công sưu tầm, mua lại sách báo cũ và đánh máy bài của không biết bao nhiêu tác giả, chưa kể bạn đã nâng niu gìn giữ những cuốn báo, những cuốn sách truyện cũ mà bạn đã cất giữ từ trước, để rồi ngày hôm nay, Tủ Sách Tuổi Hoa đã ngập tràn nét chữ của bạn? Cùng với cô chủ web Thục Đoan của “Tủ Sách Tuổi Hoa” (http://tuoihoa.hatnang.com và nay thêm https://sites.google.com/site/tusachtuoihoa/), Đèn Biển đã góp công gầy dựng một rừng sách báo “ảo” cho độc giả mọi lứa tuổi. Độc giả mình bây giờ không còn phải “nhịn tiền quà sáng để mua báo đọc” như ngày xưa nữa, vì món ăn này hoàn toàn miễn phí. Những bữa tiệc tình thương!

Chỉ có thể có một câu trả lời: là vì bạn có một niềm đam mê mà không phải ai cũng có. Gõ bài, vâng, gõ bài. Nhưng không phải gõ bất cứ cái gì. Bạn “gõ” vì bạn nặng lòng với sách báo thiếu thi, sách báo học trò. Bạn yêu mến những bài viết đã từng một thời tô thêm nét trong sáng cho nền văn học nước nhà, rồi qua bao năm ly tán, bạn muốn giúp chúng ta tìm lại, như trả những bông hoa về lại khu vườn xưa. Bạn cũng nâng niu những hình bìa, scan chúng và đưa lên để mãi mãi những nét vẽ vẫn còn đó.

Cám ơn Đèn Biển. Cám ơn niềm đam mê của bạn. Cám ơn cái bút hiệu của bạn như ánh sáng của niềm hy vọng mới. Và chúc mừng bạn, ngày nay bạn cũng đang vun đắp khu vườn của riêng bạn: “Tuổi Hoa Và Hơn Thế Nữa”  http://tuoihoandmore.blogspot.com/

“Khách hàng” của bạn cũng không phải nhịn tiền quà sáng.



Tháng Tám, 2013
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Nguồn : http://www.camlinguyenthimythanh.com

 

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

Chuyến Tàu Hạnh Phúc


Chào các bạn,

Năm 2008, mình bắt liên lạc được với trang web Tủ sách Tuổi Hoa online. Sau vài lần trao đổi giao duyên, mình đồng ý sẽ gởi truyện theo lời đề nghị của “bà chủ tiệm” có cái tên rất đẹp là Thục Đoan, không hề biết là mình sắp bắt đầu một chuyến “hành trình” kéo dài đến tám năm trời, với nhiều bất ngờ lý thú!  

Nhưng đó là chuyện mãi sau này, còn lúc khởi đầu thì không hề lãng mạn tí nào! Do đánh máy không quen, mình phải gõ từng chữ một không khác gì “gà mổ thóc”, hậu quả là mắt mờ, lưng mỏi mà có khi cả tuần lễ mới gõ được một chương! May mà lúc đó mình đánh máy mấy cuốn truyện phiêu lưu mạo hiểm rất hấp dẫn của bác Trường Sơn, cho nên mới có đủ can đảm mà tiếp tục.

Cũng may là mọi việc rồi cũng êm xuôi, thấm thoát mà số lượng truyện mình đánh máy đã lên đến mấy chục cuốn! “Thừa thắng xông lên”, mình đề nghị “bao thầu” luôn cả phần báo. Dĩ nhiên, đề nghị của mình được chấp nhận. Công việc của mình từ đó cũng bận rộn hơn, nhưng mà mình rất vui vì được tự tay đánh máy, nhân tiện đọc lại những trang viết của những người mình hằng hâm mộ. Cũng nhờ công việc “hay ho” này mà mình có cơ hội làm quen với chị Cam Li, rồi sau đó là chị Nguyệt Mai, hai cộng tác viên nhiệt tình nhất của trang web (mở đầu cho những mối giao tình đầy hứng khởi giữa mình với các nhân vật Tuổi Hoa đáng nhớ sau này). Giữa lúc mọi chuyện đang “xuôi chèo mát mái” thì “đùng” một cái, bà chủ tiệm TH online bỗng dưng biến mất không một lời từ biệt, cũng không để lại bất kỳ dấu vết nào!

Biến cố bất ngờ này làm mình hụt hẫng khá lâu, may sao trong lúc đang “bơ vơ”, mình được tin chị Cam Li đã có một trang web riêng khá tươm tất, kế đó, chị Nguyệt Mai cũng ra được một blog riêng. Mình nhắn tin thăm hỏi, chúc mừng. Chị Nguyệt Mai đề nghị mình đánh máy giúp một số tác phẩm trên các báo cũ. Đúng là “buồn ngủ gặp chiếu manh”, đang khát được ly nước mát! Mình đồng ý cái rụp và ngay lập tức bắt tay vào việc để bù lại thời gian bị gián đoạn. Lúc này, “tay nghề” của mình cũng đã bắt đầu cứng cáp rồi nên công việc trở nên hết sức thuận lợi. Chị Nguyệt Mai lúc này lại khá bận rộn, không có nhiều thời gian để lo bài vở nên rất hoan nghênh các bài đánh máy của mình. Mình cũng thỉnh thoảng gởi bài cho chị Cam Li khi chị có yêu cầu. Tuy nhiên, trang của hai chị là trang cá nhân, chỉ có thể đăng bài TH với số lượng giới hạn. Mình thấy chỉ có một trang riêng mới mong chuyên chở được hết bài vở TH đồng thời chuyển tải được “ý đồ” của mình!

Rồi cái ngày đẹp trời đó cũng đến. Đó là ngày 12-12-2012, một ngày đặc biệt, “ngàn năm có một”, cũng là sinh nhật của mình! Trước đó, mình đã phải đau đầu để tìm cho ra cái tên “bảng hiệu” và cái “xì-lô-gân” sao cho thật ưng ý. Rất may là cuối cùng mình cũng tìm được một cái tên vừa nói lên được toàn bộ nội dung mà lại có tính “quốc tế”: Tuổi Hoa and more! Nhưng sách có câu: “vạn sự khởi đầu nan”, lúc bắt tay vào việc mình mới nhận ra cái khó. Cũng đúng thôi vì trước đây mình chỉ có đánh máy và… đánh máy, còn bây giờ thì phải ôm đồm đủ thứ mà lại chỉ có một mình. Mình phải mầy mò từng chút một, lúc nào bí quá thì… tra “gu-gồ”! Được một thời gian thì bỡ ngỡ cũng dần qua, mọi thứ bắt đầu trở nên ăn khớp, nhịp nhàng, công việc “làm ăn” của mình bắt đầu thuận lợi (chắc một phần cũng nhờ khai trương đúng ngày lành tháng tốt!) Đoàn tàu mang tên Tuổi Hoa and more đã vào đúng guồng quay, bắt đầu băng băng tiến về phía trước!

Kể từ đây, cuộc hành trình bắt đầu có thêm nhiều hương vị! Nhờ có trang blog, mình nhận được sự phản hồi rất tích cực từ những độc giả, nhất là được gặp gỡ, làm quen với rất nhiều anh chị trong gia đình Tuổi Hoa. Ngoài hai chị Cam Li và Nguyệt Mai mình đã quen từ trước (hai chị rất nhiệt tình “quảng cáo” miễn phí cho blog), mình bắt đầu quen biết thêm các anh Khương Hồng, Nguyễn Thái Hải, Ngọc Thùy Giang, Trần Ngọc Hưởng… Sau này, nhờ có facebook, mình được kết nối thêm với rất nhiều các anh chị khác như:  anh Vi Vi, Hà Tĩnh, Quyên Di, chị Kim Hài, Thùy An, Nhã Đảo, Tôn Nữ Thu Dung, chị Trần thị Hậu, anh họa sĩ Đình… Bên Thiếu Nhi thì có chị Đỗ Phương Khanh, Huỳnh Chúc (Không chỉ được quen biết các anh chị, mình còn được hân hạnh làm quen với cả những thế hệ “tương lai” như con gái bác Minh Quân, con trai và cháu nội anh Vi Vi…). Chính những mối giao tình này đã tạo tiền đề tốt đẹp cho hai chuyến đi “lịch sử” đến 38 Kỳ Đồng mà mình đã có dịp kể hầu các bạn, hai chuyến đi không thể nào quên!

Ban đầu, ý định của phần lớn các anh chị là tìm lại “những đứa con tinh thần” thất lạc. Biết vậy nên mình đã cố hết sức. Có điều, do xa cách đã lâu nên các “ông bố bà mẹ” chỉ còn lưu giữ được những ký ức hết sức mơ hồ, có người thậm chí còn không nhớ một tí gì về những đứa con đã “rứt ruột” sinh ra nữa! Người nào may mắn thì nhớ được cái tên, khá hơn một chút thì nhớ được vài đặc điểm, nhưng mà cũng nhầm lẫn lung tung làm mình nhiều lúc toát mồ hôi hột, không biết đằng nào mà lần! Có khi “đơn đặt hàng” nhiều quá, mình gần như phải xới tung “kho báu” của mình lên, phải thức thâu đêm để tìm kiếm, nhiều lúc mệt quá chỉ muốn tung hê hết lên cho nó khỏe! Nhưng rồi nghĩ đến niềm vui của các anh chị khi nhận lại “người thân”, mình lại có đủ hăng hái tiếp tục. Kết quả đạt được cũng hết sức khả quan: hầu hết những đứa con lưu lạc cuối cùng đã trở về đoàn tụ với gia đình “như chưa hề có cuộc chia ly”!

Khỏi nói cũng biết là mình nhận được những lời cám ơn nồng nhiệt như thế nào. Không chỉ cám ơn, mình còn nhận được rất nhiều “quà cáp”. Chị Mai tặng mình hơn 100 tờ Tuổi Hoa, anh Hải tặng mình một chồng sách đồ sộ, anh Hưởng tặng mình đến mấy tập thơ mà tập nào cũng hay, anh Giang còn làm cả thơ để tặng mình,  chị Kim Hài thì coi mình là “nhân tố không thể thiếu của Tuổi Hoa” (chắc chị nhầm, đáng lẽ nói ngược lại thì đúng hơn, hi hi!), anh Hồng còn tặng mình cả một… chai rượu thuốc, bảo là do chính công ty anh sản xuất từ công thức pha chế của anh, anh Đình gởi “độc quyền” cho mình bài viết Hồi ức Tuổi Hoa… Tình cảm của mọi người làm mình thật là cảm động!

Tất cả mọi người gần như đều mặc nhiên coi mình như là người trong gia đình Tuổi Hoa dù mình chỉ là người sinh sau đẻ muộn. Điều đó làm mình cảm thấy thật hạnh phúc. Càng hạnh phúc hơn khi công sức của mình được mọi người đón nhận với tất cả tấm lòng. Tất nhiên là hạnh phúc nào cũng có giá của nó: do phải lao tâm khổ tứ nhiều (?), sức khỏe mình có phần giảm sút. Cách đây sáu năm ngó mình cũng còn “phong độ”, còn bây giờ… Nhưng nếu so với những gì mình có được thì cái giá nói trên là quá nhỏ!

Dẫu biết là cuộc vui nào cũng có lúc tàn, cuộc hành trình nào dù thú vị cách mấy rồi cũng phải đến lúc kết thúc, mình vẫn mong chuyến đi này sẽ kéo dài ra mãi để cho mình được tiếp tục đến với những giấc mơ! Và nếu như có kiếp sau thì mình vẫn xin được làm lại công việc của một “người gõ truyện” mà mình đã coi như là một bổn phận, và… hơn thế nữa, là một niềm vui, niềm hạnh phúc mà không phải ai cũng may mắn có được.

Hôm nay, nhân lúc “rảnh ri sinh nông nổi” và cũng lâu rồi không có bài đăng, mình ngồi viết bài này mời các bạn đọc cho vui. Nếu chẳng may mà bài viết quá dở, làm các bạn bực… mình thì mong các bạn vui lòng xí xóa cho, được vậy thì mình rất… hạnh phúc, hi hi! Chúc các bạn mọi điều tốt lành!

Đèn Biển thời... chưa làm blog (ảnh chụp năm 2010)



Thứ Hai, 8 tháng 8, 2016

Tuổi Hoa - Tuổi Học Trò

Bìa Tuổi Hoa số 147 (Nguồn : Đèn Biển)


Cô bé học trò ngập ngừng bước nhỏ.
Áo trắng nhẹ nhàng vướng bước em đi…
.*
                                                     (Khuyết danh)

Đó là hình ảnh của tôi. Của những cô bé học trò với tâm hồn còn trinh nguyên như tờ giấy trắng. Mỗi sáng ngoan ngoãn, hồn nhiên cắp sách đến trường, không hề vướng bận một chút ưu tư. Tuổi học trò của tôi đã gắn liền với Tuổi Hoa qua những bài văn, bài thơ xanh mướt tình yêu thương của cha mẹ, của thầy cô rất kính và anh chị, bạn bè thân thương. Để những khi hồi tưởng lại những năm tháng nhỏ dại hồn nhiên, những chuỗi ngày hoa bướm đẹp tuyệt vời ấy – tôi vẫn thường ví von: “Tuổi Hoa một bên và em (học trò) một bên….”

Trước năm 75 Tuổi Hoa là một trong những tờ báo thiếu nhi nổi tiếng nhất ở miền Nam Việt Nam. Nổi tiếng vì ngoài hình thức xinh đẹp với những bìa báo của họa sĩ Vi Vi, Tuổi Hoa còn có một nội dung phong phú với tính giáo dục cao. Cái thuở mà đám học trò nhỏ chúng tôi say mê theo dõi Tiếng Chuông Dưới Đáy Biển của bác Trường Sơn, Chiếc xe Thổ Mộ của cô Bích Thủy… Có đứa còn dám “hy sinh” cả tiền ăn sáng, tiền quà vặt chờ đến ngày đầu tháng và giữa tháng đ̉ể “rinh ” cho được… em Tuổi Hoa yêu dấu của mình về nhà hay hãnh diện khoe với bạn bè.

Phong phú vì ngoài những truyện dài, truyện ngắn của các nhà văn nổi tiếng Tuổi Hoa còn những mục đặc biệt, hợp với từng lứa tuổi của học trò:

Tuổi Hoa Lai Rai do anh Hoàng Đăng Cấp phụ trách, giải đáp tất cả mọi chuyện trên trời dưới biển cho những cô cậu học trò ưa “théc méc”.

Thích mơ mộng, thả hồn ra khỏi lớp, hay diễn đạt tình yêu quê hương, gia đình, trường lớp, bạn bè… xin mời bước vào Vườn Thơ Tuổi Hoa do anh Quyên Di phụ trách.

Phe kẹp tóc chúng tôi thích… điệu điệu thì chúi mũi vào mục “Trang Tóc Dài” của chị Hồng Hạnh và Mỹ Thanh để “nghiên cứu” về những mẹo vặt làm đẹp, làm bánh, bếp núc, v.v…

Phe húi cua có lẽ thích mục Dzíc Dzắc của anh Hà Tĩnh (sau này là anh Trang Vy rồi chị Tạ thị Hoàng Mai phụ trách) hơn.

Em út của gia đình Tuổi Hoa là mục Đồng Cỏ Non của anh Trinh Chí. Tôi thích mục này nhất vì rất hợp với một “mầm non văn nghệ” như tôi thuở ấy – cái thuở ngô nghê, vụng về – Mơ làm thi sĩ. Sau này khi anh Trinh Chí không còn cộng tác với Tuổi Hoa thì Đồng Cỏ Non trở thành Khu Vườn Hạnh Phúc do anh Nguyễn Thái Hải chăm sóc mà cô bạn Thương Nga của tôi thường thích tham gia với các mục Ô chữ.

Tuổi Hoa cùng chúng tôi lớn dần theo năm tháng…

Theo nhu cầu của độc giả, bên cạnh bán nguyệt san Tuổi Hoa chúng tôi bắt đầu thấy xuất hiện Tủ Sách Tuổi Hoa với các loại sách Hoa Xanh, Hoa Đỏ và đặc biệt là Hoa Tím – dành cho Tuổi Học Trò mới lớn với những tình cảm mộng mơ như… Thoáng Mây Bay

Lúc này anh Quyên Di lên làm Thư ký tòa soạn thay bác Trường Sơn – giữ chức Chủ bút – để bác có thời gian chăm sóc Tủ Sách Tuổi Hoa.

Số lượng độc giả của Tuổi Hoa ngày một tăng. Mỗi chiều thứ bảy tòa soạn báo đông đúc, nhộn nhịp hơn, rộn rã tiếng cười nói của các anh chị ban biên tập, chen lẫn tiếng cười đùa hồn nhiên của các Hoa Học Trò. Thế là tòa báo quyết định xây lầu. Phòng sinh hoạt Tuổi Hoa dời lên trên – rộng rãi, thoáng mát hơn.

Bây giờ mỗi lần đến tòa soạn, tôi không còn phải đi ngang phòng Cha Chân Tín và bác Trường Sơn nữa mà đi vòng ra phía sau – một khoảng sân nhỏ đậu xe, cạnh đó là chiếc cầu thang đi thẳng lên phòng sinh hoạt của Tuổi Hoa. Ở đây chúng tôi thoải mái trò chuyện, đùa nghịch. Lúc này tôi không còn sợ bác Trường Sơn nữa. Nhưng khoảng cách giữa bác và tôi vẫn không gần gũi, thân mật hơn, có lẽ vì vẻ nghiêm nghị, đạo mạo, ít nói của bác làm tôi ngại ngùng. Sau này những lần gặp tôi đang lăng xăng giúp các anh chị trong tòa soạn chuẩn bị cho các công tác xã hội, cứu trợ… bác chỉ đưa mắt nhìn tôi trìu mến. Không còn cái gõ nhẹ vào đầu, không còn “cái con bé này…” nữa. Tôi thầm hiểu “con bé Tuổi Hoa” rụt rè, ngớ ngẩn ngày nào nay đã… lớn – chả là tôi cũng đã thành “cô tú ” rồi.

Người ta thường cho rằng Tuổi Học Trò là tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Tuy sống trong thành phố yên bình, hạnh phúc không tiếng súng, đạn bom nhưng chúng tôi không phải chỉ biết học hành, mộng mơ. Đêm đêm trong tiếng kinh cầu của mẹ cho những người thân, đồng bào ở những vùng khói lửa, những buổi đi ủy lạo chiến sĩ, cứu trợ nạn nhân chiến cuộc, cô nhi… ở nhà trường. Chúng tôi cảm nhận được chiến tranh đang hiện hữu trên quê hương mình. Rồi chiến tranh cũng tràn tới Tuổi Hoa – những người lính thi sĩ của Tuổi Hoa như Vũ Chinh, Đỗ Tư Long (Trần Miên Trường), Trang Vy… đã sớm từ giã cõi đời, từ giã tuổi hoa niên diễm tuyệt khi còn rất trẻ.

Trong mối duyên văn nghệ tôi không thân thiết với anh Quyên Di – người giữ mục Vườn Thơ Tuổi Hoa. Nhưng khi sinh hoạt trong các công tác xã hội của Tuổi Hoa anh là người tôi gần gũi và khâm phục nhất. Chúng tôi thường thân mật gọi anh là “anh Quyên”.

Anh Quyên Di lúc ấy dạy học ở trường Nguyễn Bá Tòng, sinh hoạt thường xuyên trong các đoàn thể, tổ chức công tác xã hội của trường với tất cả nhiệt tâm, cởi mở, chân thành và tín nhiệm nên ở anh, tôi tìm thấy sự cảm thông của những người trẻ phục vụ.

Ngày anh từ giã Tuổi Hoa, từ giã chúng tôi để ra làm báo Ngàn Thông tôi rất buồn và hụt hẫng. Tuy không còn gặp gỡ anh thường xuyên nhưng tôi tin rằng anh sẽ là người suốt đời thực hiện lý tưởng Phục Vụ, như câu nói của văn hào Tagore mà anh đã ghi trong Lưu bút Tuổi Hoa của tôi: “Tôi nằm mơ và thấy cuộc đời là sung sướng. Tôi thức dậy và tôi thấy cuộc đời là Phục Vụ. Tôi đã Phục Vụ và tôi đã thấy sung sướng“.

Tuổ̉i Hoa – Tuổ̉i Học Trò của tôi bây giờ chỉ còn là dĩ vãng vàng son. Khi tôi đang trở về với khu vườn quá khứ ngát hương kỷ niệm này thì được tin anh Quyên Di từ Mỹ đã trở về Việt Nam để cùng các anh chị Tuổi Hoa ở đây tổ chức ngày giỗ đầu của bác Trường Sơn – người sáng lập và là cây “đại thụ” của Tuổi Hoa, ngay tại địa chỉ quen thuộc: số 38 Đường Kỳ Đồng, Quận 3, Saigon.

Bác Trường Sơn đã mất đúng một năm nhưng tôi chưa bao giờ có cảm giác xa bác như từ sau biến cố 75, Tuổi Hoa tan tác và tôi chưa một lần gặp lại bác.

Nhìn di ảnh bác lòng tôi như được thắp sáng một niềm vui – Thưa bác, con cám ơn bác – Tuổi Học Trò của chúng con có bác, có Tuổi Hoa…

Trần Thị Hậu 
Tháng 8 / 2016

* Ghi khuyết danh vì, rất tiếc, tôi không nhớ tên tác giả (TTH)