Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

Tuổi Hoa Và Tôi


Tôi đến với Tuổi Hoa năm học Đệ Ngũ Trưng Vương. Năm đó tôi làm trưởng ban Báo Chí của lớp. Thực ra tôi chẳng có tài viết lách gì cả, chỉ thích "chức" này vì được đi họp hành với các chị lớn buổi sáng cho "hách" thôi. Trong lớp có mấy nhỏ bạn làm thơ rất hay, đối với cá nhân tôi, một kẻ chăng bao giờ biết... thơ thẩn.
Thuở ấy chúng tôi thường chuyền tay nhau những tờ báo Tuổi Hoa với hình bìa rất đẹp của họa sĩ Vi Vi. Một hôm hai nhỏ bạn thơ của tôi tự nhiên nổi hứng rủ tôi thành lập Thi Văn Đoàn để viết bài gởi Tuổi Hoa. Tôi đồng ý ngay vì lâu nay cũng tò mò, muốn gia nhập vào gia đình Tuổi Hoa mà chẳng có tài cán, cơ hội nào.
Những ngày sau đó trong khi các bạn thơ thức cả đêm tìm nguồn cảm hứng thì tôi vẫn "êm đềm giấc mộng", chờ các bạn nộp bài rồi nắn nót chép lại vì tôi viết chữ đẹp nhất, xong ký tên bên dưới là Thi Văn Đoàn Mắt Tím, Mắt Nai gì đó. Hồi hộp nhất là ngày chúng tôi rủ nhau đến tòa soạn báo Tuổi Hoa, nằm bên cạnh Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Tập họp tại nhà tôi ở đường Trương Minh Giảng, chúng tôi đi bộ sang đường Kỳ Đồng. Trên đường đi cả bọn bàn tán rôm rả về những nhân vật của Tuổi Hoa. Khác với sự tưởng tượng, khi đến toà soạn chúng tôi thấy vắng lặng như tờ. Sau này tôi mới biết gia đình Tuổi Hoa thường họp mặt vào chiều thứ Bảy. Chúng tôi lúc đó học buổi chiều, buổi sáng tới tòa soạn nên vắng vẻ và không gặp ai là vậy.
Sau vài lần gởi bài không được đăng, nhóm Thi Văn Đoàn chúng tôi rã đám. Cả bọn lại vùi đầu vào sách vở.
Lên Đệ Tam, việc học tương đối nhàn rỗi hơn tôi quyết tâm gia nhập gia đình Tuổi Hoa. Thấy vườn hoa Tuổi Hoa toàn những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, tôi nghĩ mình tham gia vào "Đồng Cỏ Non " của anh Trinh Chí coi bộ có lý và chắc ăn hơn. Người đầu tiên tôi gặp và làm quen là chị Hồng Hạnh. Chị rất dễ thương, thấy tôi hay e lệ, nhút nhát, chị khuyến khích, hướng dẫn tôi gia nhập vào gia đình Tuổi Hoa. Sau này biết chị là bà xã của anh Vi Vi tôi càng thích hơn nữa vì họa sĩ Vi Vi là một người mà tôi rất ngưỡng mộ qua những hình bìa báo Tuổi Hoa. 
   
Hình: Chị Hồng Hạnh (nguồn: Trần Thị Hậu)

Từ đó hễ chiều thứ Bảy nào rảnh rỗi tôi đều đến toà soạn báo Tuổi Hoa. 
Vào tòa soạn báo trước tiên là phòng của Cha Chủ Nhiệm Chân Tín. Cha dáng người bệ vệ, gương mặt phúc hậu và nụ cười hiền lành luôn nở trên môi. Tôi có mối thâm tình với Cha ngay từ buổi đầu gặp gỡ. Biết Cha là người Quảng Trị tôi khoe ngay với Cha hồi nhỏ tôi cũng ở Quảng Trị, đi học trường dòng Teresa và học giáo lý với Cha Thanh. Điều bất ngờ là Cha Chân Tín cho tôi biết Cha Thanh hiện đang ở tại Dòng Chúa Cứu Thế này và dẫn tôi đến thăm Cha. 
Ngoài việc xem tôi là một độc giả trung thành của Tuổi Hoa, Cha Chân Tín còn dành cho tôi tình thương yêu của Cha với một con chiên ngoan đạo. 
Căn phòng thứ nhì là của bác Trường Sơn, thư ký toà soạn. Bác Trường Sơn dáng người dong dỏng cao, nước da trắng, khuôn mặt đạo mạo với cặp kính gọng vàng trông rất trí thức. Không hiểu sao người tôi sợ nhất trong tòa soạn là bác. Mỗi lần đến tòa soạn, sau khi vào thăm Cha Chân Tín tôi len lén đi ngang phòng bác Trường Sơn. Thấy bác, tôi rụt rè nói:" Thưa bác"  rồi lỉnh mất. Hình như bác biết tôi sợ bác. Thỉnh thoảng vào phòng sinh hoạt Tuổi Hoa, trao đổi công việc gi đó với các anh chị trong ban biên tập, thấy tôi bác lại gần gõ nhẹ vào đầu, nói: "Cái con bé này!.." rồi đi ra. Thật sự lúc ấy tôi cũng không hiểu câu nói của bác ngụ ý gì. Một câu "mắng yêu" của người miền Bắc chăng ? Nhưng phải nói thấy bác ra khỏi phòng là tôi thở phào nhẹ nhỏm, tiếp tục "hót líu lo" với các bạn Tuổi Hoa.
Kỷ niệm của bác Trường Sơn với tôi hình như chỉ một câu nói duy nhất ấy.
Sau một thời gian sinh hoạt thường xuyên với gia đình Tuổi Hoa, tuy chẳng viết lách được gì nhiều nhưng thấy tôi hiền lành dễ mến, anh Trinh Chí nhận tôi làm em gái tinh thần - "Em là người em út của anh và là một con búp bê trong cánh Đồng Cỏ Non văn nghệ..." (trích lời anh Trinh Chí trong Lưu bút Tuổi Hoa.) 
 
Hình: Anh Trinh Chí (nguồn: Trần Thị Hậu)
 
Người thân thiết nhất với anh Trinh Chí lúc đó là anh Hoàng Đăng Cấp. Anh Cấp là giáo sư Toán và là một trong những nhà văn nổi tiếng của Tuổi Hoa. Thấy anh Trinh Chí nhận tôi làm em gái, anh cũng đòi nhận tôi làm em gái luôn. Anh thường gọi tôi là cô bé "tròn quay" vì lúc đó tôi cũng khá mũm mĩm. Nhưng tôi thích lời giải thích tế nhị của anh mỗi khi thấy tôi có vẻ hờn dỗi: "Ồ, anh gọi thế vì em là cô bé trăng tròn, tròn như vầng trăng mười sáu ấy mà ".
Thế là tôi có hai ông anh nổi tiếng của Tuổi Hoa, dĩ nhiên là tôi khoái tỉ đi chứ. Lúc ấy tôi thường nói đùa với lũ bạn: "Tại số tao may mắn."
        
Hình: Anh Hoàng Đăng Cấp-Anh Trinh Chí (nguồn: Trần Thị Hậu)

Mà số tôi may mắn thật. Được làm em gái của hai anh, tôi có dịp  quen biết, gần gũi với các nhà văn lớn của Tuổi Hoa như cô Minh Quân, chị Kim Hài, anh Nguyễn Thái Hải v.v…
        
Hình: Gia đình Tuổi Hoa (nguồn: Trần Thị Hậu)

Một người tôi cũng thường xuyên gặp trong tòa soạn là anh Quyên Di- anh phụ trách trang Thơ của Tuổi Hoa. Anh chẳng bao giờ "để mắt xanh" đến tôi vì tôi không phải là nàng thơ của anh. Biết thân, biết phận- chẳng biết gì về trăng thơ để nói nên tôi cũng ít nói chuyện và thân thiết với anh.
       
Hình: Anh Quyên Di (nguồn: Trần Thị Hậu)


Tuy không biết làm thơ nhưng tôi rất yêu thơ và ái mộ các thi sĩ của Tuổi Hoa như Đỗ thị Hồng Liên, Trần Miên Trường, Hải Yến Linh Thy, Nguyệt Mai v.v…và đặc biệt là Hoa Cỏ May.
Còn một người trong gia đình Tuổi Hoa mà tôi ái mộ nhưng ít gặp nhất là họa sĩ Vi Vi vì lúc đó anh đi lính, thỉnh thoảng mới ghé thăm Tuổi Hoa. Sau này anh sinh hoạt thường xuyên hơn và dạy vẽ cho các cô học trò nhỏ như tôi tại toà soạn. Anh Vi Vi vui vẻ, hay đùa giỡn và thân thiện với mọi người. Tôi hay mè nheo với anh để xin mấy tấm bìa Tuổi Hoa mới chưa ra lò ở nhà in, có tấm còn chưa ráo mực.
Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh anh Vi Vi với bộ quân phục, tướng hiên ngang ghé nhà tôi vào một buổi chiều mưa. Chỉ trong vài phút anh đã múa bút và ghi những lời chúc tốt đẹp vào trang Lưu bút Tuổi Hoa của tôi - đến giờ này tôi vẫn còn cất giữ như một kỷ niệm đẹp về tuổi thơ của mình với gia đình Tuổi Hoa.
  
Hình: Họa sĩ Vi Vi (nguồn: Trần Thị Hậu)

Khoảng năm 1969-70 khi chị Hồng Hạnh nghỉ việc ở tòa báo thì chị Mỹ Thanh vào thay. Chị Mỹ Thanh lúc ấy đã là một cây bút nổi tiếng của Tuổi Hoa nhưng tôi chưa biết mặt. Ngày đầu gặp chị ở Tuổi Hoa do anh Cấp giới thệu, tôi rất quý mến chị bở́i vẻ đẹp thùy mị, dịu dàng. Chị gọi anh Cấp bằng Thầy vì chị là học trò của anh Cấp. Chúng tôi bằng tuổi nhau nhưng chị có vẻ chững cḥac, đằm thắm. Hơn nữa chị là "cô cò" của tòa báo nên tôi rất nể phục và vẫn gọi Mỹ Thanh là chị… Sau này chơi thân tôi còn biết thêm rằng ngoài tài viết văn chị còn biết đàn, biết hát, sáng tác nhạc và có thể làm MC, đọc truyện, đọc thơ vì chị có một giọng nói rất nhẹ nhàng, ngọt ngào, trong sáng như gương mặt thanh tú của chị.
Gặp nhau hàng tuần mỗi chiều thứ bảy tại toà soạn, chúng tôi còn cùng các bạn Tuổi Hoa khác như Thương Nga , Nguyệt Mai, Thuý Ái, Lê Nguyễn Mai Trắng… dắt nhau ra nhà thờ xem lễ, tâm sự vớ vẩn. Chỉ thế thôi nhưng là một cái gì rất hòa hợp giữa chúng tôi, để khi xa nhau vẫn nhắc đi nhắc lại mãi ba chữ " buồn chi lạ..." 

Hình: Mỹ Thanh (nguồn: Trần Thị Hậu)
       
Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, không còn nữa một thời Tuổi Hoa thơ mộng mà hiện giờ đã bước sang ̃Tuổi Hoa… râm. Tôi vẫn thấy mình may mắn có một tuổi thơ êm đềm, hạnh phúc vì ngoài gia đình chính của mình, tôi đã có thêm vòng tay yêu thương rộng lớn của các anh chị, bạn bè trong gia đình thứ hai là GIA ĐÌNH TUỔI HOA.  
Giờ đây hồi tưởng lại kỷ niệm, tôi xin cám ơn cuộc đời đã cho tôi hạnh phúc ấy. Những kỷ niệm này tôi xin cất giữ mãi trong tim vì biết rằng không bao giờ tìm lại được.
Trần Thị Hậu 
16/7/2016     


Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

Thùy An và Vùng Biển Lặng


Chào các bạn,

Hôm nay mình xin giới thiệu lại với các bạn một truyện tình cảm thuộc loại hoa xanh thật đặc sắc: Vùng Biển Lặng của Thùy An. Truyện này mình đọc hồi mười hai tuổi, từ một cửa hàng cho thuê truyện, đọc xong là mê Tuổi Hoa, mê Vi Vi, mê tác giả Thùy An luôn! Không mê sao được khi mà cốt truyện lôi cuốn từ đầu đến cuối với những tình tiết căng thẳng, đầy kịch tính ngay từ trang đầu tiên, lại được viết bởi một giọng Huế ngọt như mía lùi! Đến bây giờ mình mới hiểu tại sao mà có nhiều người yêu thích truyện của chị Thùy An, yêu luôn cả những từ mô, tê, răng, rứa đến vậy. Ấy là chỉ mới được đọc thôi đó! Nếu mà được nghe cả giọng Huế trầm bổng, nỉ non, thủ thỉ nữa thì không biết còn mê như thế nào. Chả trách mà có câu ca dao: Học trò trong Quảng ra thi, thấy o gái Huế mà đi không đành... Nhưng đó là chuyện mãi sau này, còn lúc nhỏ mà hỏi mình truyện hay chỗ nào thì mình chịu, không trả lời được (chắc là tại lúc đó mình còn... nhỏ quá, lại không đến nỗi… thông minh, hi hi!). Chỉ biết rằng lúc đó mình rất lấy làm “đau khổ”, không biết cách nào để “rước” được “nàng” về “dinh”! Đến lúc mình có đủ “can đảm” để thuê mà “quên” trả lại thì “nàng” đã tàn tạ đến mức thê thảm! Rồi cuối cùng mình cũng không giữ được “nàng”. Bốn mươi năm qua, hình ảnh cô bé chít khăn tang với đôi mắt thẳm sâu, buồn vời vợi qua nét vẽ tài tình của Vi Vi vẫn không nguôi ám ảnh mình, thôi thúc mình đi tìm lại. May sao, Trời còn thương, không nỡ thấy mình “đau khổ” mãi nên đã cho “nàng” trở lại với mình, tuyệt hơn nữa là với hình hài đẹp đẽ hơn xưa! Mình không còn biết nói gì hơn là mời các bạn vào xem:


 https://tuoihoandmore.blogspot.com/2016/04/vung-bien-lang.html

À, chút nữa thì quên! Ở chương hai của truyện có một câu nói mà mình đọc mãi không hiểu là câu:
 
- Tao hỏi con Thúy Vy chứ không hỏi mi, vô duyên. Ông Ninh đau nặng hả?

May mắn là lúc đăng lại truyện này, mình đã được hân hạnh làm quen với chị Thùy An trên facebook. Mình không bỏ lỡ cơ hội tranh thủ hỏi chị liền, đại ý là: chị Thùy An ôi, ông Ninh là ông nào em không biết, chị giải đáp giúp em với! Mình nhận được câu trả lời của chị sau đó chỉ vài phút:

Ninh nặng. .. nịnh đó. Ý nói nịnh bợ đó. Người Huế đọc là hiểu liền.

Ra là vậy! Các bạn thấy không, quen biết với người nổi tiếng mà lại chính là tác giả có lợi ghê đi chứ! 

Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2016

Về xuất xứ của một tấm hình


Sau khi post bài “Hồi Ức Tuổi Hoa” của họa sĩ Đình ngày 12/7/2016, Nguyệt Mai nhận được thư của bạn Trần Thị Hậu, một “nhân vật” trong tấm ảnh này:

Họa sĩ Đình và một số nhân vật quen thuộc trong gia đình Tuổi Hoa (Nguồn : Hoàng Đăng Anh Kiệt)
Họa sĩ Đình và một số nhân vật quen thuộc trong gia đình Tuổi Hoa
(Nguồn : Hoàng Đăng Anh Kiệt)


Xin được chia sẻ cùng các bạn.
———-

Rất cảm động khi nhìn lại tấm hình cũ của Tuổi Hoa. H cũng có một tấm như vậy trong ngăn kéo kỷ niệm.

Các bạn có biết tấm ảnh này chụp năm nào và do ai chụp không?

Thôi để H “bật mí” nhé: Tấm ảnh này chụp năm 1990 và do ông xã H bấm máy, tại nhà anh Hoàng Đăng Cấp ở Cư Xá Lữ Gia. (Không thấy hình ông xã H là vậy).

Nguyệt Mai “đoán mò” các nhân vật trong hình rất chính xác. H xin bổ túc thêm, từ trái sang: Anh Trinh Chí và vợ (chị Hoàng Mai), Hậu và con gái, anh Thành (người cao nhất và là ông xã chị Kim Hài), chị Kim Hài, cô Minh Quân, chị Tú, con trai anh chị Hoàng Đăng Cấp, anh Cấp và Đình.

Sau 1975 H vẫn giữ liên lạc với Cha Chân Tín, anh Cấp, anh Trinh Chí và Đình. Năm 1990 vợ chồng H có giấy tờ đi Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình – phía bên nhà chồng. Trước khi đi H muốn gặp gỡ và từ giã các anh chị Tuổi Hoa nên anh Cấp đã sắp xếp cho H buổi họp mặt này và đây là “xuất xứ” của tấm hình.
H còn nhiều hình ảnh kỷ niệm với gia đình Tuổi Hoa nữa và có hứa với chị Mỹ Thanh sẽ viết bài về những ký ức một thời Tuổi Hoa này nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Hy vọng một ngày không xa sẽ gởi những hình ảnh thân thương cũ đến các bạn.

Một lần nữa cám ơn NM đã chia sẻ và các bạn Tuổi Hoa lúc nào cũng hiện diện bên mình.

Thương chúc các bạn và gia đình mọi sự an lành, hạnh phúc.

Thương mến, 
Trần Thị Hậu  

Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2016

Hồi Ức Tuổi Hoa

Họa sĩ Đình và một số nhân vật quen thuộc trong gia đình Tuổi Hoa (Nguồn : Hoàng Đăng Anh Kiệt)
Bên hông phải của nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn sau nhà sách là một dãy phòng độ 4 căn ẩn kín trong bóng cây. Tòa soạn báo Tuổi Hoa nằm trong phòng cuối cùng. Khi căn nhà được khơi lầu, tòa soạn được dời lên trên, ngay cạnh cầu thang. Phòng nhỏ độ 3x5 mét vuông, có cửa sổ mở ra ở cuối phòng, ba bàn giấy con, một chiếc quạt trần, vài chiếc ghế và một tủ hồ sơ. Phòng nầy là nơi ngự trị của ban biên tập Tuổi Hoa, sinh hoạt rất tự do. Vì chú Trường Sơn và cha Chân Tín ở tít đầu kia, nên ai cũng mọc đuôi tôm cả.
Khi tôi đến với Tuổi Hoa thì anh Hà Tĩnh vừa đi lính, nhân lực túc trực là anh Hoàng Đăng Cấp và anh Trinh Chí, cùng anh Quyên Di và anh Vi Vi thường xuyên lui tới.
Anh Hoàng Đăng Cấp lưng hơi cong (cứ thấy anh lái xe Honda Dame thì biết), hàm bạnh, tóc quăn, kính cận rất dầy, tính tình cởi mở thẳng thắng, rất dễ làm quen. Anh nói rặc giọng Nam, chỉ trừ tiếng con “chuột” là biết ngay anh dân gốc Bắc, làm anh Trinh Chí cứ cười khoái trá khi nghe tiếng “chuột” ấy. Anh Trinh thì nhỏ con, ngược lại thì tiếng rất lớn. Tôi có cảm tưởng là xương thịt anh đi theo tiếng nói mà bay mất. Anh có đôi chân mày rất dầy cho nên anh ViVi chỉ cần quệt đậm đôi chân mày trong hình vẽ là ra anh Trinh Chí ngay. Anh có tật hút thuốc rất dữ, và tôi biết ra giọng Tuy Hòa là nhờ anh ấy. Anh Quyên Di thì thanh lịch, giọng nhỏ nhẹ rất hiền, lúc vui thì cười vang, nhất là khi “mót” ra được vài vần thơ. Khỏi nói anh Vi Vi là thần tượng của tôi vì vẽ tranh tuyệt vời, tướng hiên ngang, giọng rang rảng, chạy xe gắn máy chỉ thua một cha ở Dòng Chúa Cứu Thế. Cha tên gì tôi quên mất, chỉ nhớ ra đường không ai chạy qua mặt cha nổi. Lúc ấy các anh độ trên dưới 25-30,  mà tôi thì chỉ mới 16-17, nên gọi tôi là cu Đình. Còn chú Trường Sơn thì gọi là “Đình khì”, kèm theo giọng trêu chọc rất vui. Cu Đình được các anh dẫn ra ngoài phở Kỳ Đồng ăn dài dài, mỗi tuần ít nhất một lần, lại được bao khỏi trả tiền nên thích chí lắm. Các dịp xuân về cả nhóm rủ nhau đi chúc tết, có cả chị Kim Hài và bà Minh Quân. Tôi chủ yếu vui chơi với các anh là chính, lâu lâu quọt quẹt vài ba truyện tranh vui. Chú Trường Sơn dặn Đình khì coi chừng chính tả. Thưa chú, không trật chính tả không phải dân Nam kỳ!
Sau khi anh Hà Tĩnh đi rồi thì công việc giấy tờ phần lớn anh Cấp và anh Trinh lo, sau đó tòa soạn có nhờ người phụ lực thêm, nhất là làm công việc “thầy cò”. Người thứ nhất là Cam Li Nguyễn thị Mỹ Thanh, nói giọng Huế rất nhẹ, luôn mặc áo dài hoặc áo sơ mi trắng, tiếp khách và chăm chỉ làm thầy cò, ngoài tài viết văn. Sau khi Mỹ Thanh nghỉ một khoảng thời gian  thì người thay thế là chị Lệ Hằng. Lúc đó chị Lệ Hằng chưa nổi tiếng trong giới văn đàn. Cách phục sức của chị thì khác một trời một vực với Cam Li, luôn mặc áo đầm rất thời trang, đôi khi chân đeo lục lạc nho nhỏ, khiến anh Cấp hơi ớn. Chị Lệ Hằng làm một thời gian thì anh Hà Tĩnh về. Tôi nhớ nhất anh dẫn tôi ra đường Kỳ Đồng uống một ly soda hột gà lần đầu tiên trong đời. Có một dạo nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đến chơi, nói chuyện về âm nhạc. Tôi thì ù ù cạc cạc về nhạc, cứ nghe như vịt nghe sấm, thấm chỉ một ít, rớt ra ngoài tai gần hết.
Nói chuyện thầy cò. Phía sau tòa soạn báo Tuổi Hoa là một nhà in. Thuở ấy chưa có kỹ thuật in tiên tiến như bây giờ. Chữ in phải xếp bằng từng thỏi chì. Hình vẽ phải làm bản kẽm, đặt từ hãng Cliché Dầu. Tôi hay mon men xuống nhà in xem mấy ông thợ xếp chữ lắm. Công việc rất tỉ mỉ, lại xếp chữ ngược rất khó xem. Xong rồi cột thật chặt, in thử một bản, đem lên cho “thầy cò” sửa. Thầy cò sửa xong rồi thì đem xuống nhà in cho thợ sửa bản chì trước khi đem in. Trong nhà in mực dính tùm lum, tôi đi đứt mấy cái áo vì dính mực giặt không ra. Nhà in Tuổi Hoa không có khả năng in bìa màu, chú Trường Sơn phải nhờ một nhà in khác in giùm theo kỹ thuật “ốp xếch” (offset).
Năm 1974 tôi thi đậu vào trường Y. Bài vở và thực tập ngập đầu, nên ít dịp ghé tòa soạn.
Năm 1975 báo Tuổi Hoa đình bản, anh em chỉ còn gặp nhau ở nhà riêng. Anh Cấp rủ tôi, hai anh em đạp xe đạp lên ngã Tư Bảy Hiền ăn phở “không người lái” cho đổi đời. Anh Trinh Chí khá hơn, lên làm hiệu trưởng trường Hưng Đạo, rồi đổi về một trường tôi không nhớ tên gần dinh Độc Lập (Thống Nhất bây giờ). Anh Vi và anh Quyên Di mất liên lạc.
Cuộc sống ngày càng khó khăn. Nhớ những ngày ăn độn bo bo, khoai lang sùng. Tôi ra trường về Bến Tre dạy trường trung học Y tế, sau về bệnh viện Tịnh Biên (Bảy Núi), rồi đổi về bệnh viện tỉnh An Giang ở Long Xuyên. Vẫn liên lạc thường xuyên với anh chị Cấp cho đến ngày rời Việt Nam năm 1991. Năm 1996 thăm anh chị Cấp nhân dịp về thăm mẹ. Thất tung từ đó.
Đình      
(04-07-2016)
(Tháng 8-2015 qua anh Quyên Di và chị Kim Hài báo tin anh Cấp bị bệnh nặng, tôi bắt liên lạc được với chị Tú và Tiến, Khoa, Kiệt. Một cuộc biển dâu!)
Tác giả và chú Hoàng Đăng Cấp

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2016

Mật lệnh U Đỏ và chú Hoàng Đăng Cấp


Chào các bạn,

Khoảng năm 1972, anh trai mình đem về nhà cuốn Mật lệnh U Đỏ do chú Hoàng Đăng Cấp phóng tác, mượn được từ kho truyện Tuổi Hoa quý giá của ông anh họ, mình không bỏ lỡ cơ hội đọc ké, đọc xong là mê mẩn tâm hồn luôn!

Chao ôi! Sao trên đời lại có một cuốn truyện vừa có tính giáo dục cao mà nội dung lại hấp dẫn lạ lùng đến thế! Kể từ đó, “Mật lệnh U Đỏ” trở thành nỗi ám ảnh không rời, còn cái tên Hoàng Đăng Cấp thì bỗng trở nên hết sức thân quen (?). Và cũng kể từ đó, một kế hoạch âm thầm mà đầy quyết tâm tìm cho bằng được cuốn Mật lệnh U Đỏ được phác họa rõ nét trong đầu mình. Thật ra nói cho oai chứ hồi đó mình mới 12, 13 tuổi có biết khỉ gì đâu! Toàn nhờ bố mình lúc đó ở Sài Gòn tìm giúp. Khổ cái là truyện được phát hành đã lâu, lại thuộc hàng “bét-seo-lơ” nên tìm đỏ con mắt cũng không thấy có hiệu sách nào bán. Chỉ còn có cách là vào các tiệm cho thuê thì may ra… Thế là được giờ nào rảnh rang một chút, bố mình lại la cà đến các tiệm sách cho thuê mà tìm kiếm. Kết quả là bố mình “rinh” về được khá nhiều cuốn sách hay như Hoa Tầm Gởi, Lòng Mẹ, Phiêu Bạt… nhưng Mật lệnh U Đỏ thì vẫn biệt tăm!

Thế rồi một cơ hội bất ngờ đến, chỉ có điều là nó đến trong một tình huống khá là oái oăm. Số là lúc bấy giờ khoảng tháng ba năm 1975, tình hình rất là lộn xộn, súng nổ đùng đoàng khắp nơi, thế mà chị mình lại cao hứng đi Bà Rịa thăm mấy bà chị khác của mình ở đó, nhân tiện đi Vũng tàu tắm biển chơi! Thiệt đúng là “điếc không sợ súng”! Mình thì còn nhỏ biết chi đâu, thấy bà chị đi chơi thì mừng quýnh, không quên dặn dặn dò dò nhớ nhân tiện tìm giúp “em” U Đỏ cho mình. Mấy ngày sau thì chị mình bình yên trở về, mang theo cuốn… Thung lũng rắn! Chị mình kể lại lúc xuống Bà Rịa, chị mình vào ngay một tiệm vừa bán vừa cho thuê sách nổi tiếng ở đó là hiệu sách Thành Tín và kể tên mấy cuốn truyện Tuổi Hoa mình thiếu. Chủ tiệm mang ra hai cuốn Mật lệnh U Đỏ và Thung lũng Rắn. Chị mình hỏi giá thuê, chủ tiệm nhìn chị mình dò xét một hồi biết ngay là chị mình sẽ “một đi không trở lại”, thế là ông ta ra giá cuốn Thung lũng Rắn là ba trăm, còn cuốn Mật lênh U Đỏ thì hấp dẫn hơn (?) nên giá phải năm trăm! Nói phải tội, chị mình lúc đó còn đi học tiền bạc có được bao nhiêu. Thế là sau một hồi cân nhắc, chị mình quyết định lấy cuốn Thung Lũng rắn thôi. Nghe chị mình kể xong, nhìn cuốn Thung lũng rắn với cái mộc Thành Tín đỏ chói trên tay mà mình chết điếng trong lòng!

Cuộc “ly biệt” ấy không ngờ kéo dài đến ba mươi năm! Mãi đến năm 2005, mình mới may mắn tìm được một cuốn trong một hiệu sách cũ trên đường Trần Nhân Tôn cùng với nhiều cuốn khác. Nhưng có lẽ ông trời còn muốn thử thách mình cho nên mặc dù “em” U Đỏ còn khá mới, bên trong trang 31, 32 đã rơi mất tự bao giờ! Thiện tai, thiện tai! Một cuốn sách quý mà mất đi một tờ thì có khác chi một cái bình cổ bị mẻ một miếng, giá trị coi như chỉ còn được một phần mười thôi. Đến năm 2010 mình lại tìm được một cuốn nữa cùng với lô sách Tuổi Hoa mới toanh gần 150 cuốn, nhưng có khoảng chục cuốn bị mối cạp nham nhở trong ruột, trong đó có em U Đỏ! Cũng may là trời còn thương nên vài tháng sau mình lại tìm được cuốn thứ ba, lần này là một cuốn cũ, bìa bị dính keo cứng ngắc nhưng may mắn là còn lấy được trang 31, 32 để gắn vào cuốn đầu tiên. Thế là sau bao nhiêu vất vả, U Đỏ đã "trở về" với mình!

Kết qu là mình có được đến hai cuốn Mật lệnh U Đỏ, một cuốn không mới lắm nhưng còn nguyên, một cuốn mới toanh nhưng không còn lành lặn, cả hai cuốn đều quý hơn vàng! Cả hai đều được mình giữ thật cẩn thận như là một kỷ niệm đẹp của tuổi thơ, cũng như là kỷ niệm đẹp về chú Hoàng Đăng Cấp. Bây giờ đọc lại thì thấy là chú Hoàng Đăng Cấp có đưa vào truyện những chính kiến riêng có vẻ hơi "lớn" so với tuổi các em nhỏ, mặc dù có tính giáo dục rất cao. Có lẽ do chú nôn nóng muốn các độc giả nhỏ học hỏi được nhiều nên quên mất là trẻ con chỉ thích được giáo dục bằng tình cảm thông qua các nhân vật hơn là lý trí. Nhưng cũng chính vì vậy mà mình càng thấy yêu quý chú hơn. Cầu xin Trời Phật ban phước lành cho chú!

Hôm nay, nhân dịp mình mới làm quen được với họa sĩ Đình và nghe anh nhắc nhiều về chú cùng là được anh cho xem những hình ảnh thân thuộc xưa, mình viết bài này gọi là để làm kỷ niệm, mời các bạn đọc cho vui, nhân tiện mi các bạn xem lại  truyện và hình bìa. Đây nè, các bạn xem có đẹp không!


Thứ Ba, 5 tháng 7, 2016

Cô Bạn Chưa Kịp Thân và Vương Trường Giang

Tác giả thời áo trắng Gia Long

Ngày xưa, có một bài viết ngắn đăng trên Bán nguyệt san Tuổi Hoa mà tôi đọc qua và không nhớ tên tác giả. Nhưng cái tựa thì tôi lại nhớ lắm! Và không hiểu sao cái tựa này cứ theo tôi mãi… cho đến khi tôi rời đất nước, vẫn nghĩ rằng ở đâu đó chúng ta có những người bạn chưa kịp thân.

Một ngày của năm 2006, tôi viết một truyện ngắn và đăng ở Đặc san Gia Long. Truyện viết về một nhân vật có thật 80 phần trăm, không liên quan gì đến bài viết năm xưa. Nhưng tôi đặt tựa cho truyện là “Cô bạn chưa kịp thân”. Vâng, tôi nghĩ nhiều đến tác giả của bài viết năm xưa.

Đến năm 2012, bạn Đèn Biển đã bỏ công đánh máy lại “Cô bạn chưa kịp thân” năm nào và nhắc tôi luôn cả bút hiệu Vương Trường Giang của tác giả. Chân thành cám ơn bạn Đèn Biển. Bạn vì tấm lòng yêu mến Tuổi Hoa mà đã nhiệt tình sưu tầm, mua lại sách báo cũ và đánh máy cho không biết bao nhiêu tác giả (và một vài bài cho Cam Li vì Cam Li đã tự đánh máy gần hết các bài viết của mình). Thú thật là tôi đã không thể giữ trọn vẹn tất cả các bộ Bán nguyệt san Tuổi Hoa để có cái hân hạnh tìm về những bài viết cũ.

Cám ơn tác giả Vương Trường Giang của Tuổi Hoa, của tuổi sinh viên dễ thương. Giờ này bạn ở đâu, ra sao? Ước mong rằng cuộc đời dù có thăng trầm, có biến đổi con người đến thế nào, chúng ta vẫn còn có những góc đời thật đẹp để sống và tưởng nhớ.

Thân mến tặng quý độc giả và thính giả. Chúng ta luôn có những người bạn chưa kịp thân.

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
27/08/2012