Bên hông phải của nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn sau nhà
sách là một dãy phòng độ 4 căn ẩn kín trong bóng cây. Tòa soạn báo Tuổi Hoa nằm
trong phòng cuối cùng. Khi căn nhà được khơi lầu, tòa soạn được dời lên trên,
ngay cạnh cầu thang. Phòng nhỏ độ 3x5 mét vuông, có cửa sổ mở ra ở cuối phòng,
ba bàn giấy con, một chiếc quạt trần, vài chiếc ghế và một tủ hồ sơ. Phòng nầy
là nơi ngự trị của ban biên tập Tuổi Hoa, sinh hoạt rất tự do. Vì chú Trường
Sơn và cha Chân Tín ở tít đầu kia, nên ai cũng mọc đuôi tôm cả.
Khi tôi đến với Tuổi Hoa thì anh Hà Tĩnh vừa đi lính, nhân lực
túc trực là anh Hoàng Đăng Cấp và anh Trinh Chí, cùng anh Quyên Di và anh Vi Vi
thường xuyên lui tới.
Anh Hoàng Đăng Cấp lưng hơi cong (cứ thấy anh lái xe Honda
Dame thì biết), hàm bạnh, tóc quăn, kính cận rất dầy, tính tình cởi mở thẳng thắng,
rất dễ làm quen. Anh nói rặc giọng Nam, chỉ trừ tiếng con “chuột” là biết ngay
anh dân gốc Bắc, làm anh Trinh Chí cứ cười khoái trá khi nghe tiếng “chuột” ấy.
Anh Trinh thì nhỏ con, ngược lại thì tiếng rất lớn. Tôi có cảm tưởng là xương
thịt anh đi theo tiếng nói mà bay mất. Anh có đôi chân mày rất dầy cho nên anh
ViVi chỉ cần quệt đậm đôi chân mày trong hình vẽ là ra anh Trinh Chí ngay.
Anh có tật hút thuốc rất dữ, và tôi biết ra giọng Tuy Hòa là nhờ anh ấy. Anh
Quyên Di thì thanh lịch, giọng nhỏ nhẹ rất hiền, lúc vui thì cười vang, nhất là
khi “mót” ra được vài vần thơ. Khỏi nói anh Vi Vi là thần tượng của tôi vì vẽ
tranh tuyệt vời, tướng hiên ngang, giọng rang rảng, chạy xe gắn máy chỉ thua một
cha ở Dòng Chúa Cứu Thế. Cha tên gì tôi quên mất, chỉ nhớ ra đường không ai chạy
qua mặt cha nổi. Lúc ấy các anh độ trên dưới 25-30, mà tôi thì chỉ mới 16-17, nên gọi tôi là cu
Đình. Còn chú Trường Sơn thì gọi là “Đình khì”, kèm theo giọng trêu chọc rất
vui. Cu Đình được các anh dẫn ra ngoài phở Kỳ Đồng ăn dài dài, mỗi tuần ít nhất
một lần, lại được bao khỏi trả tiền nên thích chí lắm. Các dịp xuân về cả nhóm
rủ nhau đi chúc tết, có cả chị Kim Hài và bà Minh Quân. Tôi chủ yếu vui chơi với
các anh là chính, lâu lâu quọt quẹt vài ba truyện tranh vui. Chú Trường Sơn dặn
Đình khì coi chừng chính tả. Thưa chú, không trật chính tả không phải dân Nam kỳ!
Sau khi anh Hà Tĩnh đi rồi thì công việc giấy tờ phần lớn
anh Cấp và anh Trinh lo, sau đó tòa soạn có nhờ người phụ lực thêm, nhất là làm
công việc “thầy cò”. Người thứ nhất là Cam Li Nguyễn thị Mỹ Thanh, nói giọng Huế
rất nhẹ, luôn mặc áo dài hoặc áo sơ mi trắng, tiếp khách và chăm chỉ làm thầy cò, ngoài tài
viết văn. Sau khi Mỹ Thanh nghỉ một khoảng thời gian thì người thay thế là chị Lệ Hằng. Lúc đó chị
Lệ Hằng chưa nổi tiếng trong giới văn đàn. Cách phục sức của chị thì khác một
trời một vực với Cam Li, luôn mặc áo đầm rất thời trang, đôi khi chân đeo lục lạc
nho nhỏ, khiến anh Cấp hơi ớn. Chị Lệ Hằng làm một thời gian thì anh Hà Tĩnh về.
Tôi nhớ nhất anh dẫn tôi ra đường Kỳ Đồng uống một ly soda hột gà lần đầu tiên
trong đời. Có một dạo nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đến chơi, nói chuyện về âm nhạc. Tôi
thì ù ù cạc cạc về nhạc, cứ nghe như vịt nghe sấm, thấm chỉ một ít, rớt ra
ngoài tai gần hết.
Nói chuyện thầy cò. Phía sau tòa soạn báo Tuổi Hoa là một
nhà in. Thuở ấy chưa có kỹ thuật in tiên tiến như bây giờ. Chữ in phải xếp bằng
từng thỏi chì. Hình vẽ phải làm bản kẽm, đặt từ hãng Cliché Dầu. Tôi hay mon men
xuống nhà in xem mấy ông thợ xếp chữ lắm. Công việc rất tỉ mỉ, lại xếp chữ ngược
rất khó xem. Xong rồi cột thật chặt, in thử một bản, đem lên cho “thầy cò” sửa.
Thầy cò sửa xong rồi thì đem xuống nhà in cho thợ sửa bản chì trước khi đem in.
Trong nhà in mực dính tùm lum, tôi đi đứt mấy cái áo vì dính mực giặt không ra.
Nhà in Tuổi Hoa không có khả năng in bìa màu, chú Trường Sơn phải nhờ một nhà
in khác in giùm theo kỹ thuật “ốp xếch” (offset).
Năm 1974 tôi thi đậu vào trường Y. Bài vở và thực tập ngập đầu,
nên ít dịp ghé tòa soạn.
Năm 1975 báo Tuổi Hoa đình bản, anh em chỉ còn gặp nhau ở
nhà riêng. Anh Cấp rủ tôi, hai anh em đạp xe đạp lên ngã Tư Bảy Hiền ăn phở “không
người lái” cho đổi đời. Anh Trinh Chí khá hơn, lên làm hiệu trưởng trường Hưng
Đạo, rồi đổi về một trường tôi không nhớ tên gần dinh Độc Lập (Thống Nhất bây
giờ). Anh Vi và anh Quyên Di mất liên lạc.
Cuộc sống ngày càng khó khăn. Nhớ những ngày ăn độn bo bo,
khoai lang sùng. Tôi ra trường về Bến Tre dạy trường trung học Y tế, sau về bệnh
viện Tịnh Biên (Bảy Núi), rồi đổi về bệnh viện tỉnh An Giang ở Long Xuyên. Vẫn
liên lạc thường xuyên với anh chị Cấp cho đến ngày rời Việt Nam năm 1991. Năm
1996 thăm anh chị Cấp nhân dịp về thăm mẹ. Thất tung từ đó.
Đình
(04-07-2016)
(Tháng 8-2015 qua anh Quyên Di và chị Kim Hài báo tin anh Cấp
bị bệnh nặng, tôi bắt liên lạc được với chị Tú và Tiến, Khoa, Kiệt. Một cuộc biển
dâu!)