Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

Tuổi Hoa Và Tôi


Tôi đến với Tuổi Hoa năm học Đệ Ngũ Trưng Vương. Năm đó tôi làm trưởng ban Báo Chí của lớp. Thực ra tôi chẳng có tài viết lách gì cả, chỉ thích "chức" này vì được đi họp hành với các chị lớn buổi sáng cho "hách" thôi. Trong lớp có mấy nhỏ bạn làm thơ rất hay, đối với cá nhân tôi, một kẻ chăng bao giờ biết... thơ thẩn.
Thuở ấy chúng tôi thường chuyền tay nhau những tờ báo Tuổi Hoa với hình bìa rất đẹp của họa sĩ Vi Vi. Một hôm hai nhỏ bạn thơ của tôi tự nhiên nổi hứng rủ tôi thành lập Thi Văn Đoàn để viết bài gởi Tuổi Hoa. Tôi đồng ý ngay vì lâu nay cũng tò mò, muốn gia nhập vào gia đình Tuổi Hoa mà chẳng có tài cán, cơ hội nào.
Những ngày sau đó trong khi các bạn thơ thức cả đêm tìm nguồn cảm hứng thì tôi vẫn "êm đềm giấc mộng", chờ các bạn nộp bài rồi nắn nót chép lại vì tôi viết chữ đẹp nhất, xong ký tên bên dưới là Thi Văn Đoàn Mắt Tím, Mắt Nai gì đó. Hồi hộp nhất là ngày chúng tôi rủ nhau đến tòa soạn báo Tuổi Hoa, nằm bên cạnh Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Tập họp tại nhà tôi ở đường Trương Minh Giảng, chúng tôi đi bộ sang đường Kỳ Đồng. Trên đường đi cả bọn bàn tán rôm rả về những nhân vật của Tuổi Hoa. Khác với sự tưởng tượng, khi đến toà soạn chúng tôi thấy vắng lặng như tờ. Sau này tôi mới biết gia đình Tuổi Hoa thường họp mặt vào chiều thứ Bảy. Chúng tôi lúc đó học buổi chiều, buổi sáng tới tòa soạn nên vắng vẻ và không gặp ai là vậy.
Sau vài lần gởi bài không được đăng, nhóm Thi Văn Đoàn chúng tôi rã đám. Cả bọn lại vùi đầu vào sách vở.
Lên Đệ Tam, việc học tương đối nhàn rỗi hơn tôi quyết tâm gia nhập gia đình Tuổi Hoa. Thấy vườn hoa Tuổi Hoa toàn những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, tôi nghĩ mình tham gia vào "Đồng Cỏ Non " của anh Trinh Chí coi bộ có lý và chắc ăn hơn. Người đầu tiên tôi gặp và làm quen là chị Hồng Hạnh. Chị rất dễ thương, thấy tôi hay e lệ, nhút nhát, chị khuyến khích, hướng dẫn tôi gia nhập vào gia đình Tuổi Hoa. Sau này biết chị là bà xã của anh Vi Vi tôi càng thích hơn nữa vì họa sĩ Vi Vi là một người mà tôi rất ngưỡng mộ qua những hình bìa báo Tuổi Hoa. 
   
Hình: Chị Hồng Hạnh (nguồn: Trần Thị Hậu)

Từ đó hễ chiều thứ Bảy nào rảnh rỗi tôi đều đến toà soạn báo Tuổi Hoa. 
Vào tòa soạn báo trước tiên là phòng của Cha Chủ Nhiệm Chân Tín. Cha dáng người bệ vệ, gương mặt phúc hậu và nụ cười hiền lành luôn nở trên môi. Tôi có mối thâm tình với Cha ngay từ buổi đầu gặp gỡ. Biết Cha là người Quảng Trị tôi khoe ngay với Cha hồi nhỏ tôi cũng ở Quảng Trị, đi học trường dòng Teresa và học giáo lý với Cha Thanh. Điều bất ngờ là Cha Chân Tín cho tôi biết Cha Thanh hiện đang ở tại Dòng Chúa Cứu Thế này và dẫn tôi đến thăm Cha. 
Ngoài việc xem tôi là một độc giả trung thành của Tuổi Hoa, Cha Chân Tín còn dành cho tôi tình thương yêu của Cha với một con chiên ngoan đạo. 
Căn phòng thứ nhì là của bác Trường Sơn, thư ký toà soạn. Bác Trường Sơn dáng người dong dỏng cao, nước da trắng, khuôn mặt đạo mạo với cặp kính gọng vàng trông rất trí thức. Không hiểu sao người tôi sợ nhất trong tòa soạn là bác. Mỗi lần đến tòa soạn, sau khi vào thăm Cha Chân Tín tôi len lén đi ngang phòng bác Trường Sơn. Thấy bác, tôi rụt rè nói:" Thưa bác"  rồi lỉnh mất. Hình như bác biết tôi sợ bác. Thỉnh thoảng vào phòng sinh hoạt Tuổi Hoa, trao đổi công việc gi đó với các anh chị trong ban biên tập, thấy tôi bác lại gần gõ nhẹ vào đầu, nói: "Cái con bé này!.." rồi đi ra. Thật sự lúc ấy tôi cũng không hiểu câu nói của bác ngụ ý gì. Một câu "mắng yêu" của người miền Bắc chăng ? Nhưng phải nói thấy bác ra khỏi phòng là tôi thở phào nhẹ nhỏm, tiếp tục "hót líu lo" với các bạn Tuổi Hoa.
Kỷ niệm của bác Trường Sơn với tôi hình như chỉ một câu nói duy nhất ấy.
Sau một thời gian sinh hoạt thường xuyên với gia đình Tuổi Hoa, tuy chẳng viết lách được gì nhiều nhưng thấy tôi hiền lành dễ mến, anh Trinh Chí nhận tôi làm em gái tinh thần - "Em là người em út của anh và là một con búp bê trong cánh Đồng Cỏ Non văn nghệ..." (trích lời anh Trinh Chí trong Lưu bút Tuổi Hoa.) 
 
Hình: Anh Trinh Chí (nguồn: Trần Thị Hậu)
 
Người thân thiết nhất với anh Trinh Chí lúc đó là anh Hoàng Đăng Cấp. Anh Cấp là giáo sư Toán và là một trong những nhà văn nổi tiếng của Tuổi Hoa. Thấy anh Trinh Chí nhận tôi làm em gái, anh cũng đòi nhận tôi làm em gái luôn. Anh thường gọi tôi là cô bé "tròn quay" vì lúc đó tôi cũng khá mũm mĩm. Nhưng tôi thích lời giải thích tế nhị của anh mỗi khi thấy tôi có vẻ hờn dỗi: "Ồ, anh gọi thế vì em là cô bé trăng tròn, tròn như vầng trăng mười sáu ấy mà ".
Thế là tôi có hai ông anh nổi tiếng của Tuổi Hoa, dĩ nhiên là tôi khoái tỉ đi chứ. Lúc ấy tôi thường nói đùa với lũ bạn: "Tại số tao may mắn."
        
Hình: Anh Hoàng Đăng Cấp-Anh Trinh Chí (nguồn: Trần Thị Hậu)

Mà số tôi may mắn thật. Được làm em gái của hai anh, tôi có dịp  quen biết, gần gũi với các nhà văn lớn của Tuổi Hoa như cô Minh Quân, chị Kim Hài, anh Nguyễn Thái Hải v.v…
        
Hình: Gia đình Tuổi Hoa (nguồn: Trần Thị Hậu)

Một người tôi cũng thường xuyên gặp trong tòa soạn là anh Quyên Di- anh phụ trách trang Thơ của Tuổi Hoa. Anh chẳng bao giờ "để mắt xanh" đến tôi vì tôi không phải là nàng thơ của anh. Biết thân, biết phận- chẳng biết gì về trăng thơ để nói nên tôi cũng ít nói chuyện và thân thiết với anh.
       
Hình: Anh Quyên Di (nguồn: Trần Thị Hậu)


Tuy không biết làm thơ nhưng tôi rất yêu thơ và ái mộ các thi sĩ của Tuổi Hoa như Đỗ thị Hồng Liên, Trần Miên Trường, Hải Yến Linh Thy, Nguyệt Mai v.v…và đặc biệt là Hoa Cỏ May.
Còn một người trong gia đình Tuổi Hoa mà tôi ái mộ nhưng ít gặp nhất là họa sĩ Vi Vi vì lúc đó anh đi lính, thỉnh thoảng mới ghé thăm Tuổi Hoa. Sau này anh sinh hoạt thường xuyên hơn và dạy vẽ cho các cô học trò nhỏ như tôi tại toà soạn. Anh Vi Vi vui vẻ, hay đùa giỡn và thân thiện với mọi người. Tôi hay mè nheo với anh để xin mấy tấm bìa Tuổi Hoa mới chưa ra lò ở nhà in, có tấm còn chưa ráo mực.
Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh anh Vi Vi với bộ quân phục, tướng hiên ngang ghé nhà tôi vào một buổi chiều mưa. Chỉ trong vài phút anh đã múa bút và ghi những lời chúc tốt đẹp vào trang Lưu bút Tuổi Hoa của tôi - đến giờ này tôi vẫn còn cất giữ như một kỷ niệm đẹp về tuổi thơ của mình với gia đình Tuổi Hoa.
  
Hình: Họa sĩ Vi Vi (nguồn: Trần Thị Hậu)

Khoảng năm 1969-70 khi chị Hồng Hạnh nghỉ việc ở tòa báo thì chị Mỹ Thanh vào thay. Chị Mỹ Thanh lúc ấy đã là một cây bút nổi tiếng của Tuổi Hoa nhưng tôi chưa biết mặt. Ngày đầu gặp chị ở Tuổi Hoa do anh Cấp giới thệu, tôi rất quý mến chị bở́i vẻ đẹp thùy mị, dịu dàng. Chị gọi anh Cấp bằng Thầy vì chị là học trò của anh Cấp. Chúng tôi bằng tuổi nhau nhưng chị có vẻ chững cḥac, đằm thắm. Hơn nữa chị là "cô cò" của tòa báo nên tôi rất nể phục và vẫn gọi Mỹ Thanh là chị… Sau này chơi thân tôi còn biết thêm rằng ngoài tài viết văn chị còn biết đàn, biết hát, sáng tác nhạc và có thể làm MC, đọc truyện, đọc thơ vì chị có một giọng nói rất nhẹ nhàng, ngọt ngào, trong sáng như gương mặt thanh tú của chị.
Gặp nhau hàng tuần mỗi chiều thứ bảy tại toà soạn, chúng tôi còn cùng các bạn Tuổi Hoa khác như Thương Nga , Nguyệt Mai, Thuý Ái, Lê Nguyễn Mai Trắng… dắt nhau ra nhà thờ xem lễ, tâm sự vớ vẩn. Chỉ thế thôi nhưng là một cái gì rất hòa hợp giữa chúng tôi, để khi xa nhau vẫn nhắc đi nhắc lại mãi ba chữ " buồn chi lạ..." 

Hình: Mỹ Thanh (nguồn: Trần Thị Hậu)
       
Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, không còn nữa một thời Tuổi Hoa thơ mộng mà hiện giờ đã bước sang ̃Tuổi Hoa… râm. Tôi vẫn thấy mình may mắn có một tuổi thơ êm đềm, hạnh phúc vì ngoài gia đình chính của mình, tôi đã có thêm vòng tay yêu thương rộng lớn của các anh chị, bạn bè trong gia đình thứ hai là GIA ĐÌNH TUỔI HOA.  
Giờ đây hồi tưởng lại kỷ niệm, tôi xin cám ơn cuộc đời đã cho tôi hạnh phúc ấy. Những kỷ niệm này tôi xin cất giữ mãi trong tim vì biết rằng không bao giờ tìm lại được.
Trần Thị Hậu 
16/7/2016