Thứ Ba, 4 tháng 12, 2018

Mẹ Tôi




MẸ TÔI

Mẹ tôi là một phụ nữ bình thường.

Vâng, trong trí nhớ của tôi, mẹ trước hết là một người mẹ, người vợ trong gia đình. Giống như các gia đình truyền thống thời trước, trong nhà, ba tôi đi làm và lo kinh tế cho cả nhà còn mẹ tôi đảm vai nội trợ, cũng xách giỏ đi chợ, cũng nấu ăn, chăm sóc gia đình như một phụ nữ bình thường.

Tôi nay đã đủ lớn để không quá thiên kiến hay tôn sùng về mẹ. Tôi hiểu mẹ mình cũng là một người với những hỷ, nộ, ái, ố đời thường, cũng dễ khóc, dễ cười… Người ta nói “đàn bà xây tổ ấm”, tôi tin vào điều này vì tôi nhớ không khí gia đình tôi chịu tác động khá lớn từ mẹ. Khi vui, mẹ đọc thơ, hát vang cả nhà, khi buồn, mẹ cứ lặng lẽ rơi nước mắt. Mẹ hầu như không cầm đến roi và cũng không la mắng chúng tôi nhiều, nhưng chúng tôi hay đùa là mẹ có “vũ khí tối thượng”: chỉ cần mẹ khóc là tất cả xếp ve. Mẹ tôi cũng có lúc có những suy nghĩ cực đoan... Nhưng tôi nhìn điều đó với một cặp mắt yêu thương của đứa con, và hơn nữa, với sự chia sẻ và đồng cảm. Tôi nhìn thấy ở mẹ một người phụ nữ cứng cỏi nhưng cảm tính, mạnh mẽ mà rất tình cảm, thậm chí, hơi quá nhạy cảm.

Thường thì mẹ thẳng thắn, yêu ghét rõ ràng và khá công bằng, nhưng nhiều lần tôi nhận ra mẹ có chút thiên vị trong câu nói “anh K. (X., Y., Z….) dễ thương lắm, nó bằng tuổi anh Q. con đó (người anh đã mất của tôi)”.  Sau này, khi nhìn những đứa nhỏ sinh cùng năm với đứa con đã mất của mình với những suy nghĩ bâng quơ, tôi chợt nhận nhận ra mình hiểu và cảm thông sự “thiên vị” của mẹ biết dường nào…

Khi còn nhỏ, chúng tôi nài nỉ xin nuôi chó và dù đã được sự “ủng hộ” của ba, mẹ tôi vẫn từ chối. Chúng tôi cứ “ấm ức” cho rằng “mẹ chẳng biết thương thú vật gì hết” vì mẹ cứ viện cớ “nhà mình chật, không có chỗ, nuôi dơ lắm…”, cho đến khi mẹ kể lại câu chuyện con chó Vàng mẹ đã nuôi ở Nha Trang mà khi chuyển vào Saigon không mang theo được để rồi nó cứ nằm trên xích đu cũ chiếc xích đu mẹ và chị tôi hay ngồi , bỏ ăn mà chết. Mẹ vừa kể vừa nghẹn giọng và nói “mẹ thề không nuôi con chó nào nữa”… Và vậy là tôi hiểu, đằng sau sự cương quyết, lạnh lùng kia là cả một tình cảm yếu đuối đến nao lòng. Mẹ “yếu đuối” (hay “tình cảm”?) đến mức không thích đi ăn ngoài quán vì sợ những lúc đang ăn mà có cụ già hay em bé bước vào xin ăn, bà sẽ không thể “nuốt xuống”. Mỗi khi ba và chúng tôi “mè nheo” đòi đi ăn ngoài, mẹ chỉ tỏ ra “lý trí” bằng cách tuyên bố “ăn ở ngoài vừa mắc, vừa không hợp vệ sinh, ở nhà mình nấu cũng ngon mà”. Tôi thì hay nghĩ thầm “có ngon gì đâu”. Nhưng rồi… chẳng biết từ lúc nào, tôi cũng dần cảm thấy vị đắng của những bát mì, tô phở ngoài quán như mẹ mình [1].

Do hoàn cảnh gia đình, mẹ tôi không được học lên cao, nhưng bà rất ham học, rất thích đọc sách. Bà hay ngâm nga những câu thơ, hay nhắc chuyện lịch sử và tỏ rõ chính kiến trong mọi việc, tỏ rõ thái độ yêu, ghét, đúng, sai. Khi lớn lên, tôi hiểu rằng không thể lúc nào cũng trắng đen, sai đúng rõ ràng, nhưng tôi vẫn yêu sự chân thành, thẳng thắn ấy của mẹ. Nó làm nên con người của bà! 
 
Bên cạnh vai trò người mẹ, người nội trợ của gia đình, mẹ tôi còn còn có nhiều “vai” khác mà đến bây giờ tôi mới thấy là “khác lạ”

Ngoài việc đi chợ, nấu ăn, chăm sóc con cái, mẹ tôi còn ngồi bên máy chữ gõ lóc cóc rất nhanh mà lúc ấy mẹ gọi là “làm việc”. Khác với hình dung về việc sáng tác, (người ta thường nghĩ người sáng tác là phải ngồi ở phòng riêng, đắm mình trong tưởng tượng để sáng tạo với một không gian thơ mộng, tĩnh lặng…) mẹ tôi ngồi đánh máy ở nhà, trong một không khí không có gì là “lãng mạn” bởi sự mè nheo, lộn xộn của lũ nhỏ, thỉnh thoảng lại phải chạy xuống canh nồi cơm, xoong cá… Đến bây giờ, khi đã hiểu công việc ấy cần sự tập trung như thế nào, tôi mới thấy ngạc nhiên tại sao mẹ tôi có thể làm cùng lúc bằng ấy công việc. Mẹ còn tham gia hội Phụ nữ chí nguyện ở Hồng Thập Tự (bây giờ gọi là Chữ Thập đỏ) để cùng các bác đi thăm hỏi, phát quà cho bệnh nhân, người khó khăn…; tham gia hội Bảo trợ học sinh nghèo (để giảm bớt việc những đứa trẻ nghèo phải bỏ học như bà ngày xưa?). 

 Thật ra, khi còn nhỏ, tôi không thấy mẹ tôi quá vất vả, lam lũ. Tôi chỉ thấy mẹ tôi đi lại như con thoi, làm hết việc này đến việc khác mà không ca thán kêu ca. (Đến bây giờ, khi phải vừa làm việc vừa làm mẹ… tôi mới thấy điều đó quả không đơn giản!) Khi ấy, tôi còn thấy mẹ sướng quá vì mẹ giao được hết (có vẻ là vậy) việc nhà cho con cái. Ngay cả khi trong nhà có người giúp việc, các anh chị em tôi và hai anh chị con bác từ Nha Trang vào đi học, đều phải chia nhau làm việc nhà. Mỗi tối,  các chị lên “thực đơn” ngày hôm sau cho cả nhà, các con, dù trai hay gái, đều có nhiệm vụ: đứa phụ nấu ăn,  đứa thì giặt đồ, phơi đồ… đứa nhỏ như tôi cũng được giao lau bụi, dọn giường… Ngày ấy tôi chỉ thấy mẹ mình nhàn hạ quá, khỏe quá, tôi không hiểu rằng làm được việc đó là cả một lòng quyết tâm và cách dạy con “văn minh” của mẹ (vì thật ra, tự làm có khi còn nhanh và sạch hơn giao việc cho tụi nhóc con). Cũng nhờ vậy, sau này, khi không có người giúp việc, mọi việc trong nhà vẫn “chạy” trơn tru, chúng tôi khi trưởng thành, không phải những người khéo léo, đảm đang nhưng đều có thể quán xuyến việc nhà một cách gọn gàng.

Đến bây giờ, tôi hiểu ra đó là cả một “nghệ thuật” khi có thể giáo dục, dạy con, giao việc cho con, nhưng vẫn kiểm soát được tất cả để có thể làm được việc “xã hội”, bao gồm cả việc viết lách, làm công tác xã hội một cách ổn thỏa…

Mẹ tôi không coi đó là một “nghệ thuật” mà hay dùng từ thiên chức Mẹ hay nhắc đến từ “thiên chức” và thường cho rằng bà đã được cuộc đời trao cho “thiên chức cầm bút” và “thiên chức làm mẹ”. 

Thiên chức làm mẹ đã tạo cho mẹ tôi “cơ duyên” để trải nghiệm và viết tác phẩm “Những ngày cạn sữa”[2], tác phẩm đã đem đến cho mẹ tôi giải thưởng, mà hơn hết, là sự tự tin để đón nhận thiên chức cầm bút. Mẹ tôi gọi là “thiên chức” vì bà rất trân trọng nó. Tôi không bao giờ thắc mắc trong hai thiên chức đó bà quan tâm gì hơn. Tôi nhận ra rằng bà đã kết hợp hai thiên chức này để trở thành một nhà văn nữ viết cho thiếu nhi, không phải chỉ để các em giải trí mà còn là giải trí lành mạnh, và hơn thế nữa, qua đó giáo dục các em như một người mẹ.

Tác phẩm của mẹ, ngoại trừ các tác phẩm biên dịch hay phóng tác, đều lấy chất liệu từ cuộc sống thật của bà. “Giã từ bóng tối”, “Máu đào nước lã”, “Vượt đêm dài”, “Về thăm thầy cũ”… tưởng chừng như là hư cấu nhưng đều là những câu chuyện có thật. Có lẽ vì vậy, truyện của mẹ tôi không ly kỳ, hấp dẫn, ướt át, nhưng tôi đọc với sự thích thú vì tìm thấy được “người thật việc thật” trong đó. Đặc biệt là những tác phẩm kể chuyện gia đình. Gia đình nào cũng có những kỷ niệm vui buồn và bây giờ nhìn lại, tôi cảm ơn mẹ đã lưu lại cho chúng tôi những kỷ niệm đẹp mà dù được trực tiếp sống, tôi cũng không cảm nhận hết. Chính nhờ “con mắt nhà văn” mà chuyện bình thường cũng thành thú vị; và giờ đây, khi đọc lại, tôi càng thấm thía rằng mình đã có một cuộc sống tốt đẹp biết bao trong bầu không khí yêu thương đó. 

Các con tôi rất thích thú khi đọc tác phẩm của bà ngoại, đặc biệt là các tác phẩm có kể chuyện gia đình tôi. Chúng nó đọc với sự tò mò, thích thú, khúc khích cười khi phát hiện ra “A, mẹ là con Bé, mẹ mách lẻo! …”. Tôi tự nghĩ mình đã may mắn khi có người “vẽ chân dung” gia đình mình, và đó là “di sản” lớn của mẹ để lại cho chúng tôi. Những câu chuyện gia đình, đối với chúng tôi là vô giá, còn với các độc giả khác chắc không chỉ “mua vui cũng được một vài trống canh” vì tôi nhận ra rằng có rất nhiều bài học giáo dục trong ấy. Mẹ tôi không rao giảng đạo đức, không triết lý sâu xa vì, như bà thường tự nhận: bà ít học nhưng tôi nghiệm ra rằng mỗi tác phẩm, mỗi câu chuyện của bà đều có thông điệp giáo dục về tình người một cách chân thật, giản dị nhưng rất sống động.

Trong thực tế, có lẽ cũng giống với khá nhiều văn nghệ sĩ, mẹ tôi không “sống” (theo nghĩa có được thu nhập) bằng nghề viết văn, nhưng ở một ý nghĩa khác, mẹ đã “sống” với nghề của mình hết lòng, đau đáu với nhiệm vụ giáo dục, đặc biệt là giáo dục thiếu nhi, cho đến những ngày cuối của cuộc đời. Tôi thường nghe mẹ ngâm nga câu “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, bà thường hay nhắc đến việc “không được bẻ cong ngòi bút”, bà hay nhắc đến từ “tử tế” mỗi khi dặn dò chúng tôi. Chao ơi, càng sống, tôi càng hiểu rằng để có được hai chữ “tử tế” ấy quả thật không hề dễ dàng, nhưng tôi cũng ý thức rằng phải biết giữ mình trong hai chữ ấy, dù có lẽ chúng tôi cũng phạm không ít sai lầm, không được như mẹ mong muốn…

Và như vậy, mẹ không thể “nuôi” chúng tôi bằng thiên chức cầm bút, nhưng bà đã thực hiện thiên chức làm mẹ bằng cách “dưỡng” chúng tôi trong một bầu không khí gia đình của một nhà văn - nhà giáo dục. Hai thiên chức ấy như “2 trong 1” đã làm nên cuộc đời mẹ tôi, một cuộc đời không quá ngắn cũng không quá dài, nhưng tôi tin rằng đó là cuộc đời có ý nghĩa.

Mẹ tôi thường nói “60 chưa gọi là già, đậy nắp quan tài mới nói được đời người đúng sai con ơi”[3]. Quan tài mẹ đã đóng lại gần 10 năm, nhưng tôi có cảm giác mình vẫn chưa hiểu hết về cuộc đời mẹ. Tôi không quan tâm lẽ đúng sai, bởi vì điều đó rất tương đối. Tôi chỉ thấy rằng, cứ thỉnh thoảng tôi lại “thấm” thêm một điều gì đó từ những câu nói, từ cách sống của mẹ mình, tôi thỉnh thoảng lại nhận ra mình có một câu nói, có một suy nghĩ và một kiểu dạy con như mẹ mình ngày xưa…

Tôi hay nghĩ câu chuyện về hạt giống: những điều tốt đẹp chúng ta đã làm trong cuộc đời sẽ như những hạt giống được gieo trồng, chúng sẽ nằm đó, nảy mầm và phát triển... Vâng, mẹ tôi đã gieo các hạt giống. Những hạt giống ấy đang trong con cháu của bà và ở đâu đó trong lòng độc giả qua các tác phẩm tâm huyết của bà để tiếp tục phát triển. Và như vậy, tôi luôn cảm thấy có mẹ trong cuộc đời.

Vâng, mẹ tôi là một phụ nữ bình thường, nhưng trong mắt tôi, người phụ nữ ấy không tầm thường.


LÊ MINH VĨNH   



[1] Tôi từng thấy những trẻ nghèo vào tiệm
   Đứng đợi chờ thực khách vứt mẩu xương
   Thấy nhiều người chê mỹ vị, cao lương
 Và cũng thấy trẻ đánh nhau vì chút cặn…
Ôi! Những bát phở tô mì sao bỗng dưng hóa đắng?
Mất cả vị mùi, mất đói, mất cả ngon…
(trích bài thơ “Lá thư đô thị” , Minh Quân, 1964)

[2] Mẹ tôi rất ủng hộ việc cho con bú sữa mẹ. Trước đây, khi sinh các anh chị tôi, bà đều nuôi hoàn toàn bằng sữa mình. Nhưng khi sanh đứa con út, bà bị mất sữa. Và trong những ngày đó, mẹ tôi khổ sở, lo lắng rất nhiều. Những trăn trở được mẹ tôi thể hiện trong tác phẩm “Những ngày cạn sữa”. Tác phẩm được giải nhất Giải thưởng văn chương do trung tâm Văn bút Việt Nam trao tặng năm 1965.

[3] Cái quan luận định” (khi đậy nắp quan tài rồi thì mới luận hay hoặc dở).