Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2022

Hai Rương Vàng

Ngày xưa có một cậu bé tên là Võ, sinh ra và lớn lên cùng bố mẹ anh chị trong một thôn xóm hiền hòa có dòng sông nhỏ thơ mộng chảy qua. Có lẽ cuộc đời của Võ rồi cũng sẽ bình lặng như con sông trước nhà, chẳng có gì đáng kể nếu như không có một "biến cố" xảy đến năm Võ mười hai tuổi làm thay đổi hẳn nếp sống bình thường của cậu.

Gọi là biến cố cho oai, thật ra đó chỉ là một bất ngờ nho nhỏ. Chuyện là thế này: Một buổi sáng đẹp trời, sau khi ăn sáng ở chợ về, Võ ta hân hoan định lấy sách vở ra chuẩn bị cho buổi học chiều thì bỗng phát hiện ra một "vật thể lạ" trên bàn học. Đó là một cuốn sách nhỏ với tựa đề thật "bắt tai": Chú Bé Lênh Đênh. Bên dưới có một logo đề: tủ sách Tuổi Hoa. Nhưng chính cái hình bìa mới khiến Võ sững sờ: một chú bé với đôi mắt buồn man mác, bên cạnh là một con két đủ màu. Chao ôi là đẹp! Chao ôi là dễ thương! Ai mà có thể tạo nên một họa phẩm tuyệt vời đến thế nhỉ? Thắc mắc của Võ được giải đáp ngay ở trang cuối: đó chính là họa sĩ Vi Vi. Giờ lại đến thắc mắc lớn hơn: Cuốn sách này từ đâu đến? Ai đã để nó trên bàn? Võ ta bí mật điều tra những người trong nhà. Kết quả thật bất ngờ: không ai biết cả! Mãi không tìm được "chính chủ" lâu ngày rồi Võ cũng đành chịu thua, thôi không thắc mắc nữa, mặc nhiên coi như đó là món quà trời mang đến cho mình (?) Cuối cùng thì trong đầu Võ chỉ còn nỗi ám ảnh duy nhất: Làm sao tìm được sách Tuổi Hoa!

Thế là một "chiến dịch" săn lùng Tuổi Hoa thật "qui mô" bắt đầu. Cũng không hề đơn giản chút nào vì nơi Võ sống không có tiệm sách nào mua Tuổi Hoa về bán cả dù chỉ cách SG có hơn ba mươi cây số thôi. Rất may là đã có bố Võ, lúc bấy giờ đang làm việc ở SG, "ra tay" cứu giúp. Thế là đều đặn mỗi tháng, những cuốn Tuổi Hoa xinh xắn với hình bìa tuyệt đẹp của Vi Vi lại "rủ nhau" về bên Võ khiến cho cuộc đời cậu bé "sang trang". Từ khi có Tuổi Hoa, Võ không còn thiết tha với những trò tiêu khiển như bắn bi, đánh đáo, tạt lon... cùng lũ trẻ hàng xóm nữa. Hết giờ học, cậu lại "lôi" truyện Tuổi Hoa ra đọc, đọc xong lại say sưa ngắm nghía hình bìa, có khi quên cả ăn! Cơ mà mỗi tháng có hai ba quyển thì ít quá, xem không "đã"! Thế là Võ "lấn sân" luôn qua báo, hết Tuổi Hoa rồi lại đến Thiếu Nhi, cũng thật dễ hiểu vì cả hai đều có hình bìa lộng lẫy của Vi Vi, làm sao mà bỏ qua cho được! Báo thì dễ rồi vì ngay đầu chợ có bán khỏi phải tìm kiếm đâu xa. Khổ nỗi, nhà Võ thì nghèo, nên cái "khoản" sách báo là phải "tự lực cánh sinh", không còn cách nào khác là phải nhịn tiền quà sáng để món ăn tinh thần không bị gián đoạn. Hậu quả là Võ vốn đã gầy, nay lại càng gầy hơn, người cứ như cái que tăm khiến ai nhìn cũng xót xa (?), nhưng Võ nhà ta không lấy thế làm điều vì cậu biết, cái gì cũng có giá của nó.

Thân hình Võ càng "teo tóp" bao nhiêu thì "gia tài" cậu càng đầy đặn lên bấy nhiêu. Ngoài những cuốn sách mới phát hành, bố cậu còn chịu khó tìm thêm các truyện Tuổi Hoa cũ ở các tiệm cho thuê truyện, tất nhiên là thuê rồi "quên" trả lại! Cũng không cần phải áy náy gì vì các tiệm cho thuê lấy tiền thế chưn rất cao, nếu người thuê không trả sách, họ chỉ việc lấy tiền đó mua cuốn mới, chẳng thiệt hại gì mà lại còn được lợi hơn nhiều. Thế là "kho báu" của Võ lại có thêm nhiều cuốn quí hiếm. Sau này, mẹ Võ còn mua được thêm cho cậu báo bán kí lô ngoài chợ, nói là bán kí lô chứ thực ra thì vẫn còn rất mới, bổ sung đáng kể cho các số báo Thiếu Nhi và Tuổi Hoa còn thiếu. Chị cậu cũng góp phần không nhỏ trong "công trình" ý nghĩa này bằng cách tặng cho cậu hai chiếc rương xinh xắn gởi mua tận miền biên giới xa xôi (?). Chiếc thứ nhất phần lớn cậu dùng để đựng sách bố mua cho, chiếc kia thì để báo "cân kí" của mẹ. Võ thường gọi hai chiếc rương quí giá ấy là "Rương Ông" và "Rương Bà" với tất cả lòng trìu mến. Sau này có cơ hội và có nhiều tiền hơn, Võ mua thêm được rất nhiều "mặt hàng" mới và đẹp khác, nhưng đối với Võ thì không gì quí bằng hai chiếc rương kia, đơn giản vì cậu đã mua nó bằng tất cả số tiền mình có và, hơn thế nữa, vì nó chứa đựng tình yêu thương ấm áp của gia đình!
 
Nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng êm ả, cũng như dòng sông có lúc cũng phải qua lắm thác ghềnh. Có những lúc nghèo túng quá, Võ đã phải cắn răng đem cho hàng xóm thuê những cuốn sách quí giá của mình để giải quyết hoàn cảnh khó khăn (bây giờ nghĩ lại thấy mình quá dại!). Nhưng Võ cũng còn đủ khôn ngoan để giữ lại những cuốn sách hay nhất, đẹp nhất, những cuốn sách mà cậu vô cùng yêu thích. Cũng may "trời còn thương kẻ hiền lương" nên kho báu của Võ không hề cũ đi theo thời gian mà vẫn mới tinh, nhiều lúc Võ còn thấy chúng lấp lánh như được dát vàng, thật cứ y như là một phép lạ! Nhắc đến vàng, Võ bỗng sực nhớ đến truyện phiêu lưu mạo hiểm Hai Rương Vàng trong tủ sách Tuổi Hoa mà cậu rất ưa thích. Ừ, phải rồi! Hai chiếc rương quí của Võ đích thực là hai rương vàng, nếu không muốn nói là còn quí hơn vàng nhiều, vàng không thể nào mua được và dù có ai trả giá bằng vàng, Võ cũng không bao giờ bán, chắc chắn là như thế! Hai Rương Vàng yêu quí của ta ơi, ta nguyện sẽ gìn giữ các ngươi cho đến hơi thở cuối cùng!

Nhiều năm trôi qua, Hai Rương Vàng của Võ vẫn còn nguyên vẹn bất chấp những biến động của thời cuộc và sự tàn phá của thời gian. Những lúc mệt mỏi, những thời điểm khó khăn, chỉ cần mở chúng ra là lòng Võ lại thấy bình yên, ấm áp, tinh thần và sức lực được phục hồi, cậu lại có thêm sức mạnh để đương đầu với thử thách mới. 
 
Chẳng thế mà mỗi khi nhắc đến kho báu của mình với bạn bè, Võ lại hãnh diện rung đùi ngâm nga hai câu thơ:

Cái gì cũng sợ thời gian
Nhưng thời gian phải "sợ" Hai Rương Vàng của ta!
 
 

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2022

Chút Kỷ Niệm Cùng Chú Nhật Tiến

 


 Chào các bạn,
 
Khuya ngày 24-8-2017, mình nhận được một tin nhắn trên facebook từ một địa chỉ không quen, ký tên chú Nhật Tiến! Ban đầu mình cứ tưởng là ai đó đùa mình, nhưng không, lời lẽ và "giọng nói" chân thành ấy chỉ có thể là chú chứ không ai khác. Mình vừa trả lời, vừa hồi hộp vì xúc động. Mà không xúc động sao được, khi mình biết chú đã qua cái tuổi "xưa nay hiếm", đã "rửa tay gác kiếm", không màng thế sự từ lâu, chỉ thỉnh thoảng xuất hiện trong vài bức ảnh đoàn tụ gia đình, vậy mà chú vẫn quan tâm đến Thiếu Nhi, vẫn âm thầm dõi theo công việc mình đang làm, và bây giờ lại còn nhắn tin động viên mình! Cuộc "đàm thoại" bằng bàn phím ấy thật ngắn ngủi, nhưng đã để lại cho mình ấn tượng khó phai. Rất may là mình đã tìm lại được các tin nhắn này sau một thời gian cố công tìm kiếm. Hôm nay, kỷ niệm hai năm ngày mất của chú, mình xin gởi đến các bạn toàn bộ nội dung cuộc "trò chuyện" nói trên, đồng thời đưa vào trang Hồi Ức Tuổi Hoa với ước mong lưu lại một kỷ niệm đẹp của mình với một người mà mình hằng kính yêu, quý trọng: cánh chim đầu đàn của tuần báo Thiếu Nhi! Mời các bạn cùng xem:

Kim Bau Hoang


Chú Nhật Tiến rất cám ơn Quang Võ đã tận tình quảng bá các số báo Thiếu Nhi và Sách Tuổi Hoa. Đấy là một công trình gìn giữ di sản văn hóa giáo dục của VNCH rất đáng hoan nghênh. 
 
 Nhật Tiến 
 
 PS. Hình như số báo Thiếu Nhi 51 kỷ niệm Đệ nhất chu niên chưa được post lên. Chú vô đọc trong phần liệt kê nhưng không được.

Bạn 

 

Ồ, Kim Bau Hoang là chú ạ? Báo Thiếu Nhi chụp lại là của các bạn khác chú à. Cháu chỉ đánh máy các bài vở và chụp hình bìa thôi. Nhà chỉ có máy chụp hình cũ nên chụp cả tờ báo rất khó, với lại cách làm đó ít tương tác với người xem, nên cháu không thích lắm. Nhưng nếu chú cần, cháu sẽ chụp gởi chú. Chúc chú vui!
 

Kim Bau Hoang

 

Thôi đừng mất công. Để chờ người khác làm cháu ạ.
 
Chú chỉ ké trang của HKBáu thôi. Chú rất lười play Face Book.
 

Bạn  

 

Dạ, cháu xin nghe lời chú ạ, hi hi! Nhưng cháu cũng đã post bài Một Năm Làm Việc ở Tòa Soạn Thiếu Nhi của chú rồi đấy, mời chú xem (nếu chú chưa xem, hi hi!). Chúc chú nhiều sức khỏe!
 

Kim Bau Hoang


Ui da ! Sao cháu mất nhiều công sức thế. Để chú sẽ đọc lại coi hồi đó đã viết những gì, tuy dù hay dù dở thì cũng là một thời kỷ niệm khó quên.


Bạn 

 

Có gì mất công đâu, bài hay mà chú! Nếu cháu là... chủ biên mà nhận được bài này là cháu "duyệt" liền, hi hi!


Kim Bau Hoang


Mãi hôm nay bồ tèo KBH ( thua chú cả trên chục tuổi) mới cho chú đọc bài Một Năm Làm Việc Ở Tòa Soạn Thiếu Nhi do Quang Võ mất công đánh máy lại. Cám ơn Quang Võ nhiều lắm. Nhận được bài, chú mừng như gặp người thân đi xa, lâu lắc mới về, mang theo toàn chuyện cũ nhưng vẫn là mới đ/v chú vì nay chú quên gần hết rồi. 
 
Bài viết làm chú nhớ lại những tấm lòng của các vị người lớn đ/v tờ TN xưa và nhất là tâm tình của các độc giả hồn nhiên, trong sáng, thơ ngây dù đã gửi cho tòa soạn những lời trách móc rất chân tình. Và chú nhớ đến 2 câu thơ của cụ Vũ Đình Liên: 
 
Những người muôn năm cũ 
Hồn ở đâu bây giờ ?

Bạn 

 

Dạ, vẫn còn chút "dư âm" của người muôn năm cũ đó chú. Như anh Uyên Thụy Phương ở Biên Hòa (giờ là Nguyễn Đức Hiệp) vẫn thường xuyên có mặt trên facebook. Cháu cũng làm quen được với chị Huỳnh Chúc mà hồi xưa chú có nhắc trong sớ Táo Quân 1973 là "giục bài tơi bời, vẫn còn đỏng đảnh" đấy. Rất vui là chị ấy vẫn nhớ mấy câu thơ chú "phong tặng" hi hi! Cháu cũng quen với hai con trai chú Đặng Hoàng, một ở VN một ở Mỹ. Tiếc là chưa có tin tức gì của anh Phan Khương Thái chú à.
 

Kim Bau Hoang


Đánh máy lộn. Bồ tèo HKB (Hoàng Kim Báu) không phải KBH như trong mail trước.
 

Bạn

 🙂