Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

Thời Xanh Và Linh Mục Chân Tín


Tháng 12, có những điều nằm im trong tâm, chỉ như một giấc ngủ đông, và sẽ thức giấc khi xuân đến.
Dễ chừng nửa thế kỷ đã đi qua, nói thế cho văn chương. Nửa thế kỷ chỉ là 50 năm! Đêm Noel cả bọn chúng tôi đi bộ từ nhà thờ Saint Thomas đến nhà thờ Chúa Cứu Thế. Không biết rằng từ đó con đường quen thuộc vào ngõ Kỳ Đồng trở thành nơi chốn quen thân. Bỗng chợt một thoáng thành như xa lạ, tan tác mỗi người một phương trời.
Cho đến cách đây không lâu, trong giấc mơ thấy trở lại nơi đó, gặp lại những người xưa cũ, như chưa từng có mấy mươi năm đi qua.
Và một người, chúng tôi có bao giờ quên.
Sau 75 tôi tự hẹn sẽ đến thăm Cha khi về Saigon. Vậy mà từ năm này qua năm khác, lời hẹn cứ lơ lửng cho đến một ngày của tháng 12, cách đây vài năm...
Cha đối với bọn trẻ chúng tôi lúc nào cũng ân cần. Và mãi đến giờ, nghĩ về Cha, vẫn là tấm lòng của một đứa trẻ của mấy mươi năm về trước.
Trong cuộc sống, đôi lúc có những điều không tàn phai theo năm tháng. Và Thời Xanh của chúng tôi, có Cha.
Thương Nga 

Linh Mục Chân Tín

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

Tình Bạn Cố Tri


Cuối bài Đoạn Đường Tuổi Nhỏ, phần bình luận, tác giả Nguyễn Văn Nghệ có viết:

Xin cám ơn các Anh, Chị đã nồng nhiệt đón nhận những truyện ngắn của tôi và đã giúp tôi gặp lại những “đứa con tinh thần” ra đời cách nay mấy mươi năm. Đọc lại các bài viết ngày trước, những kỷ niệm, những đoạn đời của tuổi thanh xuân trở về trong ký ức của tôi, đầy sống động như chỉ mới xảy ra hôm qua.
 
Cám ơn Chị Nguyệt Mai, Chị Phay Van, Anh Đinh Thanh Nguyện đã gửi tặng tôi những truyện ngắn và thơ của tôi đăng trên Tuổi Hoa, cùng với bài thơ của Anh Trinh Chí viết tặng tôi ngày nào. Đặc biệt xin vô cùng cám ơn Anh Đèn Biển đã bỏ thời gian tìm kiếm và đánh máy 2 truyện ngắn của tôi dưới bút hiệu Vi Lô, cùng với nhiều truyện ngắn khác nữa.
 
Nay tôi tuy đã ở tuổi lục tuần, nhưng vẫn còn có thể tìm niềm vui trong việc đàn ca giải trí. Tôi muốn gửi tặng các Anh, Chị một bài hát về tình bạn do tôi sáng tác…



Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2016

Nhớ Người Năm Cũ


















Ừ nhỉ!
Vũ Chinh!
Bất ngờ gặp lại bạn sau mấy mươi năm chừng như mất dấu.
Thỉnh thoảng vẫn nhớ gương mặt xưa,
tình cờ gặp trên căn phòng nhỏ Tuổi Hoa.

Cái bất ngờ bàng hoàng, đến nghẹn lời năm ấy!
Một thoáng như sống lại.
Mùa xuân có mai vàng Vũ Chinh ơi,
Mà sao mùa xuân năm ấy không là màu vàng của mai nở.

Mình còn nhớ nét anh Vi Vi vẽ gương mặt bạn trên trang báo năm nào.
Có đôi kính cận.
Ừ nhỉ!
Vũ Chinh!

Thương Nga

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2016

Thư Bến Tre


Kính gửi các Anh, Chị,

Tôi xin tự giới thiệu là Nguyễn Văn Nghệ, hiện cư ngụ tại Châu Thành tỉnh Bến Tre tức Kiến Hòa cũ.
Thật là điều bất ngờ, một vinh hạnh lớn cho tôi khi được các Anh, Chị lưu ý sưu tập các truyện ngắn tôi đã viết gởi đăng trên báo Tuổi Hoa cách nay đã 40 năm!

Thời gian qua đã quá lâu, tuổi tôi giờ cũng đã già, không khỏi có phần đãng trí, nên dẫu cộng tác khá lâu với Tuổi Hoa, tôi không còn nhớ rõ mình đã viết cho tờ báo của tuổi học trò thời ấy những bài thơ, cốt truyện nào, nội dung ra sao.

Nay, may mắn thay được Anh, Chị lưu ý sưu tập, cho đăng lại, tôi đọc lại thấy chính là bài của mình. Tôi không biết làm chi hơn là kính lời trân trọng cảm ơn Anh, Chị rất nhiều.

Tôi có lục tủ sách cũ, xem những quyển Tuổi Hoa ngày nào đang ở nơi đâu nhưng chưa tìm thấy. Nguyên trước kia tôi sống với bên Ngoại ở Mỹ Tho, làm thầy giáo tiểu học đi dạy trẻ ở Cai Lậy, tỉnh Định Tường. Sau 1975 tôi về quê nội ở Bến Tre sinh sống cho đến nay. Sự di chuyển đó làm thất thoát giấy tờ sách báo là điều khó tránh.

Sắp tới, mong Quí Anh, Chị nếu có thể, giúp đỡ truy tìm dùm thêm những bài thơ văn của Nguyễn Văn Nghệ (tức Hoàng Ngọc Anh, Vi Lô, Thuần Giang).

Cuối thơ tôi cũng xin phép giãi bày thêm là do tuổi già mắt mũi kèm nhèm nên việc ngồi vào máy vi tính là khó khả thi nên tôi phải nhờ con đánh máy dùm và gửi tới Quí Anh, Chị. Do vậy việc trả lời thơ hôm nay bị trễ tràng, mong sao Quí Anh Chị niệm tình thứ lỗi.

Tôi cũng xin sẵn đây rất cảm ơn người em họ Anh Thao đã giúp làm cầu nối để tôi có cơ hội quen biết Quí Anh, Chị.

Kính chúc Quí Anh, Chị luôn luôn vui khỏe, gặp nhiều điều may mắn trong cuộc sống.

Kính thư,       
Nguyễn Văn Nghệ.

Nguồn :  https://123hoang.wordpress.com

Thứ Tư, 22 tháng 6, 2016

Thơ Tặng

Nhà thơ Ngọc Thùy Giang
















Nhớ ngày sơ ngộ 12-6-2011

Một đời đâu phải dễ
Ta với ngươi gặp nhau
Tứ hải giai huynh đệ
Lạ trước rồi quen sau.

Tri âm từ lâu lắm
Văn chương bắc nhịp cầu
Một thời ta lẩm cẩm
Trải lòng ra mấy câu.

May mắn vẫn còn ngươi
Xửa xưa nào giữ lại
Một hồn thơ thơ dại
Tuổi học trò ngu ngơ.

Chỉ có thể là mơ
Ngỡ mất rồi mãi mãi
Nhưng rất rất bất ngờ
Hạnh phúc ngày gặp lại.

Cảm ơn ngươi xiết bao
Kẻ "giữ đền" văn học
Dù nay ta bạc tóc
Vẫn kết tình anh em.

                                14-6-2011
                           Ngọc Thùy Giang

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

Tản Mạn Nhân Ngày Của Bố


Chào các bạn,

Các bạn đã xem qua truyện “Xóm Nhỏ”, chắc hẳn chưa quên nhân vật chính trong truyện là một ông bố, vì cảnh nhà sa sút, phải làm nghề bán phở để mưu sinh và nuôi sống gia đình. Truyện này mà đọc nhân ngày của bố thì thật là ý nghĩa. Có một chi tiết trong truyện mà mình rất thích, đó là cảnh cậu con trai ngồi sau lưng bố trong chiếc áo mưa. Mình xin trích lại hầu các bạn: “Tôi làm theo lời bố, sau đó, leo lên yên sau chiếc xe đạp, tay ôm cái cặp luồn trong áo mưa, tay ôm bụng bố. Cái áo mưa nhà binh bố tôi mặc rộng thùng thình ướt đẫm mà tôi ôm choàng, một tí thấy ấm áp lạ. Chừng như trong cái ấm áp đó có cả hơi ấm tình thương”. Cảnh tiếp theo – mà mình tưởng tượng ra – đó là cảnh gia đình hạnh phúc bên mâm cơm bốc khói, có canh mướp, mắm kho… Ôi mới tưởng tượng thôi mà đã bắt… thèm! Hạnh phúc đơn giản vậy thôi mà không phải ai cũng nhận ra, nhất là cô bé trong truyện ngắn “Chiếc áo mưa của ba” mà mình giới thiệu tiếp theo đây, nhân ngày của bố. Các bạn muốn biết tại sao thì chịu khó vào xem nhé, mình “bật mí sơ sơ thôi kẻo mà lộ hết bí mật thì mất hay, hi hi! Tiếc là mình không tìm được cái ảnh nào thích hợp để minh họa cho truyện, đành chọn một tấm khác. Tấm này cũng đẹp nhưng mà… không có mưa! Cái này gọi là “không có cá thì lấy rau má làm ngon”, các bạn thông cảm nhé. Truyện ngắn thứ hai là truyện “Thương những con tàu”. Truyện này có hơi khác một chút là không nói về tấm lòng mà nói về “nỗi lòng” của bố thì đúng hơn. Ông bố trong truyện, vì bổn phận với gia đình mà phải từ bỏ công việc mình yêu thích, nhưng lòng ông chưa bao giờ vơi nỗi khát khao những chuyến hải trình… Truyện cũng rất thú vị, các bạn nhớ đón xem. Truyện ngắn thứ ba, được đăng đúng vào ngày của bố, là một truyện ngắn đặc biệt: Đó là nó không nói về bố mà nói về… ma túy! Chắc các bạn sẽ rất ngạc nhiên – và cả bực mình nữa – hỏi rằng: Thế “ông” đăng lên làm cái quái gì? Ậy, các bạn đừng vội nóng. Truyện cũng có liên quan “tí xíu” đến bố đấy. Nhưng mà lý do chính mình cho đăng truyện này chính là vì cái hình bìa của họa sĩ Vi Vi, một cái hình bìa vẽ hai bố con đẹp đến nao lòng! Bây giờ chắc các bạn đã hết bực mình rồi chứ? Nhớ đón xem coi mình có nói ngoa không. Không biết các bạn nghĩ sao chứ mình đã ngắm hình bìa nầy không biết bao nhiêu lần, lần nào cũng chỉ biết lắc đầu than rằng : Than ôi! Sao trên đời này lại có người vẽ đẹp đến thế!


https://tuoihoandmore.blogspot.com/2015/06/chiec-ao-mua-cua-ba.html

Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2016

Một Thời Xanh


Những cây bút và độc giả Tuổi Hoa

Bạn gởi đến một tấm hình mờ nhạt của hơn ba mươi năm xưa. Một thời sinh viên học sinh của tất cả chúng ta.

Vậy mà một thoáng rưng rưng. Hóa ra khi tuổi già người ta dễ xúc cảm hơn tuổi trẻ. Nhớ ngày xưa lúc nào tôi cũng hay cằn nhằn má tôi, sao má dễ xúc cảm quá, nhắc chuyện có vậy mà cũng khóc.

Nhắc chuyện có vậy mà cũng rưng rưng. Đó là thông điệp của một thời để nhớ của những ai đủ tuổi để nói “ba mươi năm xưa”.

Con đường tuổi trẻ sẽ đi, nên người tuổi già có thể nhìn mà mỉm cười, để khi nghe cằn nhằn trách cứ những chuyện mà người trẻ tuổi kia chưa đủ tuổi để hiểu.

Có lẽ những người trẻ hôm nay chẳng hiểu hai chữ “Tuổi Hoa” có gì mà khiến những người già này, rưng rưng khi nhắc lại. Cái thời mà chiều thứ bảy hay chiều chủ nhật đến gặp nhau. Đó là vui! Chỉ là một cánh cửa bạn mở ra, và chúng ta sẽ thấy lại hình ngày ngày xưa, như cánh cửa thần kỳ của Doremon vậy!

Cái thời mà tôi đứng sẵn chờ nơi sạp báo để chờ tờ báo vừa đưa về, cầm lấy đầu tiên. Báo ngày xưa còn phải rọc. Đó là một thú vui mà ngày nay hình như đã mất hẳn. Trong tôi còn lưu lại hình ảnh, ngồi rọc những trang báo một cách thận trọng. Hình ảnh vui mừng khi cầm trên tay tờ báo còn thơm mùi mực. Nếu bạn đã từng cầm tờ báo ngửi mùi mực thơm, mới hiểu hết cảm giác này. Những niềm vui đơn giản hồn nhiên, như chuyện cổ tích được nghe kể lại.

Một thoáng ký ức là thế, rồi sẽ trôi qua như những thoáng ký ức trong đời sống. Nhưng một đời sống có nhiều ký ức trẻ trung dễ thương, sẽ làm nguôi đi những gì mà tâm tư phải đối mặt trong thế giới gọi là “thế giới phẳng” ngày hôm nay.
TN    


 

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2016

Đường Hoa Thơm Đầy Cho Tuổi

Tòa soạn 38 Kỳ Đồng trong nắng sớm (Nguồn : Trung Võ)

Phải bắt đầu từ cuốn vần. I, tờ, tờ i ti... Lớp năm theo học với Cô Danh ở Trường Cấp Tiến, Bà Chiểu. Mỗi ngày đi học làm rách một cuốn vần. Tuần lễ đầu, Mẹ Em Ti phải đưa vào gặp Cô Danh. Thì ra Em Ti ngồi gần nhóm bạn phá quá, cứ nhè cuốn vần của Em Ti mà xé để xếp máy bay... 

Nhưng cũng nhờ cuốn vần Em Ti biết đọc sớm lắm. Biết đọc rồi, Em Ti đọc đủ thứ. Thư viện bỏ túi của nhà có nhiều tạp chí: Phổ Thông, Bách Khoa, và những bộ sách dầy Thuỷ Hử, Đông Châu Liệt Quốc, Tam Quốc Chí, Thuyết Đường, Văn Đàn Bảo Giám,  Kim Vân Kiều…  Nhiều lắm vì Cha Em Ti muốn các con được đọc sách. Em Ti đọc sách bỏ ngủ giấc trưa, bị rầy hoài.

Khoảng thời gian lớp ba, lớp nhì ( lớp bốn sau nầy ), mấy anh em trong nhà bắt đầu thích đọc truyện tranh vẽ Lucky Luke, anh em nhà Dalton, báo phụ trương Bé Ngôn Bé Luận, báo tuần Tuổi Trẻ... Chiều nào cũng chờ giúp Chị Hạnh bán sạp báo, xếp báo cho chị để được đọc báo mà không phải mua. Lúc vô lớp Nhất, vì phải lo học để thi Bằng Tiểu Học và thi tuyển vô Đệ Thất Lê Văn Duyệt Em Ti ít đọc báo ké. Chừng thi đậu Lê Văn Duyệt rồi, ba tháng hè Em Ti được tha hồ đọc sách: Ngọc Cam Ngọc Khổ, mấy chục quyển tiểu thuyết của ông Cậu, bà Dì, Hai Chuyến Xe Hoa, Đôi mắt người xưa... Đọc hết. Chừng tựu trường, Em Ti được Cha đưa cho một chồng TUỔI HOA khoảng chục cuốn. Em Ti nằm quay xuống sàn gạch những trưa Chủ Nhật mà đọc say mê.  Đọc không sót một chữ. Anh Hai của Em Ti học ở trường Đạt Đức, anh về khoe Thầy Toán của Anh là Thầy Hoàng Đăng Cấp. Thầy của anh phụ trách mục Khoa học trong báo Tuổi Hoa.  Mấy anh em xem chung một số báo, thay phiên nhau đọc, chờ nhau đọc nóng ruột. Anh Hai lớn nhất lại là người bỏ tiền quà mua báo nên được đọc trước nhất. Tuần tự sau đó các em cùng châu đầu đọc thiệt hết. Từng truyện, từng đoạn, từng chữ thấm vào đem theo biết bao điều hay, lẽ phải.  Em Ti nhớ những cách trả lời thật hay, thật lễ phép, chính xác, có lý, có tình. Anh Hai của Em Ti nhớ hoài bài văn thật hay của Thầy Hoàng Đăng Cấp nhắc về bài ca Những Ngày xưa Thân Ái của Nhạc Sĩ Phạm Thế Mỹ để khóc thương một người bạn của Thầy hy sinh trong cuộc chiến. Mấy anh em nhớ mãi câu “Uống nước dừa hay nước mắt quê hương...”

Tờ Tuổi Hoa trở thành ngàn trang ước mơ, ngàn chương vàng ngọc của quyển sách mang tên Thời Gian Thần Kỳ.  Bên cạnh Tuổi Hoa, mấy anh em sau nầy được Anh Hai mua cho đọc biết bao truyện vừa của Tủ Sách Tuổi Hoa. Tuổi Hoa Đỏ, Tuổi Hoa Xanh, Tuổi Hoa Tím: Tiếng Chuông dưới đáy Biển, Chiếc Xe Thổ Mộ, Chiếc Lá Thuộc bài, Khi về dưới bóng cây...

Cùng với Kim Văn, Cổ Văn, tiểu thuyết Luận Đề Tự Lực Văn Đoàn, Việt Nam Thi văn Hợp Tuyển, truyện Kiều...  Rồi đến Triết học, Tâm lý học, Luận lý học, chương trình Văn Học Sử của Trung Học Việt Nam với bài thơ Nam Quốc Sơn Hà, Nam Đế Cư của Ngài Lý Thường Kiệt dưới mái trường, Tuổi Hoa và Tủ Sách Tuổi Hoa là những trang Văn Chương ngọt ngào, hào hùng, đầy dưỡng trấp cho trí tuệ của Anh Chị Em nhà Em Ti.  Rất thực mà mộng ngọt vô cùng.

Và Em Ti yêu mến Tuổi Hoa đến độ mơ thành Thi Sĩ.  Em Ti mơ viết những bài thơ nho nhỏ, gởi lên tòa soạn và được chọn đăng.  Em Ti tưởng tượng khi bài mình được đăng, em sẽ lên thăm Tác giả Nguyễn Trường Sơn, Bích Thủy, Nguyễn thị Mỹ Thanh, Hoài Mỹ, Nguyễn Thái Hải, Trinh Chí, Hà Tĩnh...

Em Ti rất thích truyện tranh Sơn Tinh, Thủy Tinh của Họa Sĩ Đình.  Thường ước ao phải chi Họa Sĩ Đình làm phim hoạt họa Việt Nam... Đình tài, Đình giỏi, Đình lại rất tốt bụng, chu đáo. Em Ti đã rất may mắn được học chung với Họa Sĩ Đình mấy cours Hóa Lý I và Hóa Lý II của Thầy Chu Phạm Ngọc Sơn. Tập ghi nốt của Họa Sĩ Đình còn đẹp hơn sách in. Không biết bây giờ Đình ở đâu và vẫn được bình yên sống vui, sống khỏe ??

Năm 1971, Anh Hai đi lính. Anh Hai giao lại cho Em Ti tiếp tục lưu giữ và làm giàu thêm Tủ Sách Tuổi Hoa của Gia Đình. Anh Hai cho tiền thì em mua chứ kệ sách thư viện bỏ túi của nhà ngày càng đầy. Anh Hai dặn bao bìa sách để khi cho bạn mượn đọc thì bìa không bị dính dơ, sách dù cũ phải giữ sạch. Ngắm sách đứng ngay hàng trên kệ, chị em ở nhà nhớ Anh Hai xa tít ngoài đơn vị ở Đà Nẵng.

Tú tài, Em Ti vượt qua nhẹ nhàng.  Em hứa sẽ nhớ hoài ngôi trường Nguyễn Bá Tòng, Sài Gòn vì đó là trường thi Tú tài I của em mà Em Ti đã đậu.

Mùa hè 1971 thật đẹp. Em Ti thích mặc áo dài hơn rồi. Em không còn bực bội chê tà áo lượt phượt, phải buộc lên bên hông khi chạy đuổi các bạn, nhất là em Hậu chân dài. Em Ti cắt tóc kiểu ba tầng, có mái trước trán, có vệt tóc chấm má, và phía lưng tóc được thả dài, in hệt một mẫu hình của Họa Sĩ ViVi.  Quần trắng, tà áo ngắn chỉ quá gối, cặp táp đen, nữ sinh Sài Gòn sao mà xinh !!!

Thi thoảng, Em Ti cũng diện áo dài màu, cũng đội nón vải rộng vành. Em Ti thích mặc áo màu phấn hồng đi học thêm Sinh ngữ ở Trung Tâm Văn Hóa Pháp.  Tình cờ gặp cô bạn cùng tuổi, chuyển về Lê Văn Duyệt học chung lớp 12A5. Cô rủ Em Ti đi cùng đến Tòa Soạn Tuổi Hoa, đường Kỳ Đồng. Không chút ngại Ngùng, Em Ti đi theo, ngác ngơ, ngơ ngác.  Em Ti im lặng làm sò hến. Tòa Soạn Tuổi Hoa không phải chỗ dễ vào và cũng chưa phải lúc.

Còn nữa...  Còn phải học nữa... Nợ sách đèn còn nặng lắm với Tú Tài II, Em Ti phải lo dồn sức, khuya sớm gạo bài, làm thật hết các bài tập Toán, Lý, Hóa. Em Ti không thuộc vào hạng thông minh, chỉ số IQ chỉ thường thường bậc trung. Phải học nhiều lắm mới mong đậu đạt. Em Ti học gạo quá trời và đậu Tú Tài II. Mừng rơn thấy tên mình trên bảng kết quả ở Trường Bồ Đề. Thế là Đại Học Sinh Lý, Sinh Hóa Thủ Đức Em Ti theo trọn năm Dự Bị...

Vậy mà giấc mơ làm Thi Sĩ , dù chập chững, dù cà nhắc nhưng mấy bài thơ nho nhỏ cũng bắt đầu được Ban Biên Tập Tuổi Hoa, Ngàn Thông, trang Mai Bê Bi, Chính Luận chiếu cố.  Những bài thơ toàn về hoa bướm, về triết lý chuồn chuồn, khi vui đậu lại, khi buồn bay đi... Cái tên hiệu Nhã Đảo được chọn một cách rất ngẫu nhiên, nghe có vẻ Phù Tang Tam Đảo, chắc lúc đó đang đọc tập sách du lịch Mùa Đông Hokkaido. Cùng với cô bạn láu lỉnh tên Bạch Mai, Lê Nguyễn Mai Trắng, Em Ti nhập vào sinh hoạt Tuổi Hoa rất nhanh, rất gọn. Nhóm Thân Ái, được sự hỗ trợ của Thầy Huỳnh Kim Cương, Giáo sư Sinh Hoạt Học Đường Trường Lê Văn Duyệt; Anh Vân Sơn, chị Thùy Hương của trang Mai Bê Bi; Bác Phạm Kim Vinh, Chú Văn Chi, Bác Tô Vân của báo Chính Luận; anh Hà Tĩnh, anh Quyên Di, Anh Thái Bắc, Anh ViVi của Tuổi Hoa, Ngàn Thông... không quản ngại bao bận rộn hỗ trợ cho Mai Trắng, Nhã Đảo tổ chức nhiều buổi sinh hoạt với Tòa Soạn: Sinh hoạt ngoài trời, cắm trại, biểu diễn Văn Nghệ, thăm các Cô Nhi Viện,xa nhất là Cô Nhi Viện Vũng Tàu của các Sơ dòng thương khó, nhận dạy kèm tư gia để có tiền gây Quỹ Học Bổng, hợp với các bạn sinh viên trẻ  Bách Khoa, Khoa Học lập lớp dạy thêm miễn phí tại trường đêm Hàn Thuyên, Phú Nhuận kèm Toán Lý Hóa Sinh cho các em học sinh nghèo. Những người bạn Trần Ngọc Khôi, Lâm Du Sơn, Ngọc Hoa... mà Em Ti đã luôn nghĩ đến và cầu nguyện bình an.

Em Ti có đôi lần gặp được Cha Chân Tín. Cha hỏi thăm chuyện học hành, chuyện về sinh hoạt. Cha hứa sẽ giúp phòng ốc cho chương trình dạy hè miễn phí của nhóm. Chưa kịp thì đã 75. Tất cả đã lắng chìm...

Vẫn ở đó, đường Kỳ Đồng, trong khuôn viên nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, có một tòa soạn nho nhỏ của Ban Biên Tập Tuổi Hoa, được nhớ về, được thương mến. Con đường qua ngõ chợ Nguyễn Thông nhiều kỷ niệm thời Tuổi Hoa. 


Em Ti làm sao quên được!!!

NHÃ ĐẢO   



Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2016

Hương Xưa



Hương xưa mãi ngát trong hồn   
Tuổi Hoa ngày cũ luôn còn trong tim

Mai thân,

Thật không ngờ là Đèn Biển tìm được bài thơ trích trong truyện của mình. Hay thật. Đèn Biển thật có tình với Tuổi Hoa.

Mình đọc lại truyện của mình, tức cười quá, nhớ trang bìa là hình đại đăng khoa tiểu đăng khoa của anh Vi Vi vẽ. Một cái bìa màu đỏ vui tươi. Bài mình viết thích hợp với bìa.

Mai biết không lúc đó mình sưu tập được hình bìa của Tuổi Hoa, nhờ anh Hà Tĩnh, lần nào in xong mình dặn anh cho xin tờ bìa để dành, đóng lại thành một quyển. Không biết ai mượn không trả, tiếc Mai há, nếu không bây giờ scan lại đưa thành bộ sưu tập bìa Tuổi Hoa!

Bây giờ chúng ta có gặp nhau, ai cũng già hết rồi, nên mình không nghĩ gặp lại làm chi. Cứ để mọi thứ ngát hương trong hồn như thế, đôi khi hay. Mai biết không, mình đã mơ một ngày họp mặt Tuổi Hoa, biết bao năm nghĩ đến điều đó, từ ngày chia xa. Bây giờ năm tháng qua, chờ mong đó đã nhạt, một thoáng mà mấy mươi năm thăng trầm đi qua! Mọi thứ chỉ còn mỉm cười khi nhớ đến. May mà tình cờ chúng ta gặp lại nhau, nhìn nhau qua bóng hình xưa!

Nguyễn Quỳnh

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

Tuổi Hoa Và Những Kỷ Niệm

Quà tặng của chị Nguyệt Mai

Tặng TC & các bạn TH
Nhận được thư nghe bạn tâm tình: 
 
Hôm rằm có văn nghệ mừng Vu Lan do các em thiếu nhi của viện trình diễn. Nơi mình phía xóm bên trong vẫn còn đơn sơ lắm, nhưng các em nhờ theo sinh hoạt đoàn thể mỗi tuần nên tạm nề nếp. Mình cũng rất mừng, ít nhất tuổi thơ các em có một chút gì để nhớ, như bọn mình nhớ Tuổi Hoa vậy! 

 Bạn nhắc lại đến một thời Tuổi Hoa làm mình cũng rưng rưng... Cái thời xanh đó, như bạn vẫn thường ví, bọn mình là những cây bút học trò rất ham "tối tác" rồi "sáng tác" những khi có thời gian rảnh, mà mỗi lần có bài được đăng báo là mừng vô kể và vui như... tết. 

Thuở ấy bọn học trò của mình rất hiền, tâm hồn ngây thơ trong trắng và Tuổi Hoa như một khu vườn màu mỡ cho bọn mình vui chơi và tập tành trồng hoa, như có lần chị Cam Li đã viết... Mình nhớ lần đầu tiên cầm cuốn Tuổi Hoa là vào năm 1967. Lúc đó, trong lớp mình có một cô bạn từ trường khác ở xa đến học... Như là có duyên với nhau, bạn và mình rất thân, như đã quen nhau từ rất lâu. Bạn là một cây ghiền Tuổi Hoa. Tiền Mẹ cho ăn quà, bạn để dành dần dần và cứ mỗi tháng hai lần, ngày 1 và ngày 15, đến giờ ra chơi, bạn lại rủ mình đi đến sạp báo gần trường để mua. Mua rồi hai đứa hít hà mùi giấy mực còn thơm và tìm dao rọc báo. Rồi chụm đầu đọc với nhau trong những giờ ra chơi. Vui không tả!!! Bọn mình thuở đó rất thần tượng hai chị Hương Kim Long và Tỉ Tỉ, ... Những bài văn của hai chị hay chi lạ,... Và cũng rất thích mục Tuổi Hoa Lai Rai của thầy Hoàng Đăng Cấp: 

 Lai rai cùng với Tuổi Hoa
Trước là vui học, sau là học vui. 

 với những bài viết về khoa học, văn chương, lịch sử, tình tự dân tộc... 

 Đến gần Tết năm đó, trường ra giai phẩm Xuân Mậu Thân. Cô bạn mua một cuốn và gửi qua bưu điện đến tòa soạn để tặng thầy Cấp. Thật bất ngờ, khi nhận được, thầy cho biết đó là ngôi trường thầy đã học bậc tiểu học. Và sau đó, thầy gửi giấy mời dự tất niên tại tòa soạn Tuổi Hoa cho bạn mình kèm thêm một giấy mời nữa cho một người thân. Bạn đã đến nhà xin phép Mẹ cho mình đi chung. Mình còn nhớ mãi hôm đó, bạn  mượn chiếc xe Mobillette của người chị để chở mình. Khi đến tòa soạn theo địa chỉ ghi trong thư mời - 38 đường Kỳ Đồng - Sài Gòn, hai đứa mới biết đó là nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Vào phía bên trong sân hỏi, mình không nhớ là đã gặp ai, nhưng biết bạn đưa giấy mời cho người ấy xem thì được bảo là đứng đợi một chút, thầy Cấp sẽ ra đón. Nhưng chỉ đợi một lúc rất ngắn, bọn mình đã thấy thầy Cấp tươi cười bước tới, dắt vô trong tòa soạn. Cũng đã khá đầy đủ các "nhân vật" quan trọng mà mình vẫn thường thấy tên trên báo như bác Trường Sơn, anh Quyên Di, chị Thúy Vũ, anh Trinh Chí, anh ViVi,..  Anh Quyên Di là người điều khiển chương trình hôm đó. Mình nhớ anh đã tập cho hát "Clementine", một bài dân ca của Mỹ dịch lời Việt: 

 Nơi hang sâu đầy trên non cao này
Mỏ vàng kia có dân di cư
Và trong đám đó có một gia đình
Đẻ gái xinh là Clementine... 

ĐK: Ôi em yêu kiều, ôi em yêu kiều
Người yêu dấu hỡi Clementine
Nàng đã khuất núi, em đã qua đời
Buồn gớm ghê rồi Clementine... 

 Chị Cam Li NTMT và bạn của chị là chị Tịnh Tâm đàn và hát nhạc búp bê do hai chị sáng tác cùng bài Kiểm Điểm - thơ Thục Hạnh - một người thơ của Tuổi Hoa - do chị Cam Li phổ nhạc... 

 Đêm đó bọn mình vui lắm vì được sinh hoạt, hát hò chung với những cây bút "thần tượng"... 

 Sau Tết Mậu Thân, Tuổi Hoa đã mất anh Vũ Chinh. Và cuộc chiến tiếp diễn ở khắp mọi miền đất nước... Về phía những cây bút của Tuổi Hoa, anh Trần Miên Trường / Đỗ Tư Long và anh Trang Vy Trần Thượng Thái cũng đã vĩnh viễn ra đi... 
 
Thoáng chốc, bọn mình nay đã tứ tán ở khắp mọi nơi trên thế giới và Tuổi không còn Hoa nữa. Nhưng mỗi khi nghe ai nhắc đến hai chữ Tuổi Hoa, thì cơ hồ muôn ngàn nốt nhạc dịu dàng êm ái đang rung lên trong tim. Và bỗng chốc tâm hồn trẻ lại. Để trở về tháng ngày xa xưa ấy, ngồi bên chiếc bàn con trong tòa soạn ngày nào... Lại như thấy cả một khoảng trời xanh biêng biếc, áo dài trắng thơ ngây chen lẫn chùm hoa phượng đỏ thắm như môi cô em học trò, cùng tiếng ve râm ran gọi mời... Ngày thơ nhẹ nhàng bước qua từng con tim bồi hồi rộn rã tuy mái tóc nay không còn xanh... 

Trần Thị Nguyệt Mai  
2/9/2015           

         

Thứ Năm, 9 tháng 6, 2016

Truyện Ma


“… Nhưng còn các em tôi, còn tôi, cũng như bao nhiêu người, phải nói rằng chúng ta không may mắn như bé Trí. Bởi vì mỗi chúng ta cũng có hai con người – một tốt đẹp và một xấu xa, nhưng hai con người đó không tách rời nhau như Trí và Mai…”

ĐÓN ĐỌC TỪ SỐ TỚI

QUA GIẤC MÙ SƯƠNG

Truyện 4 kỳ của NGUYỄN THỊ MỸ THANH

Lần đầu tiên, ông THIỆN và ông ÁC mặt đối mặt, chiến đấu, vật lộn trong một câu truyện Ma kỳ lạ. (Tuổi Hoa số 222)

Khi đọc những dòng giới thiệu này, thú thật là mình không cảm thấy ấn tượng gì cho lắm. Chỉ hơi lấy làm lạ rằng Tuổi Hoa mà cũng có truyện ma sao ta? Nếu là truyện ma thật thì chắc không thể nào hấp dẫn cho bằng các truyện ma bằng tranh bán đầy các sạp báo! Mình không hề biết rằng mình sắp được đọc một trong những truyện hay nhất, giá trị nhất của Tuổi Hoa!

Cũng xin nói thêm là gia đình mình rất đông anh em, bố lại đi làm xa, lâu lâu mới về một lần, nên hồi nhỏ mình sống rất… ngu ngơ. Những chuyện tốt xấu bình thường còn chưa phân biệt nổi nói gì đến chuyện thiện ác ở đời! Cũng có đôi lần nghe người lớn nhắc đến hai ông Thiện – Ác  với lời đe dọa rằng: coi chừng! Đừng có làm gì xấu, nếu không sẽ bị các ông trừng phạt! Nhưng con nít vốn mau quên, lại nghe đâu các ông ở… hơi xa, mãi tận đình chùa, nên cũng không bận tâm gì cho lắm, cứ vô tư… phạm lỗi thường xuyên!

Nhưng mọi thứ đã thay đổi sau khi mình đọc hết truyện “Qua giấc mù sương”. Như là có một thứ “ánh nắng nhiệm mầu” soi sáng tâm hồn non dại: A, thì ra ông Thiện ông Ác không ở đâu xa mà ở ngay trong mỗi con người. Mỗi người phải tự đấu tranh không ngừng để cho cái ác trong người mình không có cơ hội trỗi dậy, nếu không muốn làm hại chính mình và đau khổ cho người thân. Đơn giản biết bao mà cũng ý nghĩa biết bao!

Thú thật là cái truyện tuyệt vời nói trên cũng không đủ sức giúp cho mình nên người. Cho đến giờ này mình vẫn sống “chẳng ra làm sao”, vẫn thường xuyên phạm lỗi. Có những lỗi lầm có thể tha thứ, và cũng có những lỗi lầm không thể thứ tha! Nhưng có một điều an ủi là mỗi khi mình làm điều gì sai trái, mình lại nhớ đến hai ông Thiện Ác và lương tâm mình bị cắn rứt không yên. Nếu không có “Qua giấc mù sương”, không biết đời mình sẽ còn tệ hại tới mức nào nữa!

Cảm ơn chị Cam Li, với tài năng và tâm huyết của mình, đã đem đến cho tuổi thơ một “truyện Ma” có sức lay động thật là mãnh liệt. Đành rằng chị chỉ phóng tác từ một bộ phim, nhưng thử hỏi có bao nhiêu trẻ em được xem phim này? Mà có xem đi nữa thì cảm xúc cũng khó mà lưu giữ lâu được, huống hồ là thông điệp của phim. Chỉ có dưới hình thức chữ viết thì những gì phim muốn nói mới được thể hiện rõ ràng, dễ hiểu; ấn tượng nhờ đó mới sâu sắc, lâu bền.

Chắc có bạn sẽ cho rằng, nội dung truyện dữ dội quá, kết thúc lại quá buồn, không phù hợp với thiếu nhi. Nhưng thuốc không đắng thì sao giã được tật? Khi mà tâm hồn các em nhỏ đã bị đầu độc khủng khiếp bởi môi trường xung quanh thì chỉ có liều thuốc thật đắng mới có thể “lấy độc trị độc “. Hẳn các bạn cũng đồng ý điều này. Chúc các bạn luôn thắng được “ông Ác” của mình!

ĐÈN BIỂN 

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2016

Tuổi Hoa Hội Ngộ


 Kỷ niệm một năm ngày mất của bác Nguyễn Trường Sơn

Trung Võ, Nguyễn Thái Hải, Kim Hài, Quyên Di, Minh Vĩnh, Hà Tĩnh, Quang Võ
Chào các bạn,

Ngày 22 tháng bảy, mình đăng lại truyện “Tiếng chuông dưới đáy biển” của bác Nguyễn Trường Sơn. Chẳng thể ngờ là chỉ ít hôm sau, mình sẽ được tham dự một sự kiện đặc biệt có liên quan, một buổi lễ đầy ý nghĩa, một buổi họp mặt đáng nhớ nhất trong đời mà mình từng ước ao hồi bé: Cuộc hội ngộ Tuổi Hoa!

Đó là buổi lễ cầu siêu bác Trường Sơn do anh Quyên Di, một cây bút từng gắn bó với Tuổi Hoa, khởi xướng. Ban đầu, khi nghe Thục Đoan báo lại, thú thật là mình không định đi vì mình ở xa quá, hôm đó lại không biết có bận gì không. Nhưng rồi mình quyết định “lên đường”, nhất là khi đọc được tin nhắn của chị Kim Hài, vì mình linh cảm thấy đây là cơ hội “ngàn năm một thuở”, và cũng có thể là duy nhất, mình được gặp những “người của ngày xưa”, những người mình vô cùng hâm mộ, mặc dù mình cũng chưa biết sẽ có mặt những ai nữa!

Do sợ trễ nên mình tranh thủ đi thật sớm để trừ hao, cuối cùng hóa ra mình là người đến sớm nhất, trước cả anh Quyên Di luôn! Tất nhiên sau đó là một màn tìm kiếm nơi cần đến. Nhưng tìm mãi mà cũng không thấy có dấu hiệu gì, mình còn đang lớ ngớ thì may sao mình gặp anh Quyên Di từ ngoài cổng đi vào. Vừa gặp anh mình nhận ra ngay vì tuy chưa gặp, mình đã có hân hạnh làm quen với anh và thấy anh trên facebook ngày một! Mừng quá, mình xán lại hỏi thăm liền, rồi “ngoan ngoãn” theo anh, cùng với những học trò của anh từ nước ngoài về, vào nơi liên hệ.

Rồi mọi người cũng lần lượt kéo vào. Người đầu tiên mình gặp là người mình ít nghĩ đến nhất: con trai lớn của họa sĩ Vi Vi! Anh chàng còn dắt cả “ái nữ” đi theo. Tất nhiên là mình không bỏ lỡ cơ hội kéo ghế lại làm quen liền. Con trai của thần tượng chứ phải đồ bỏ đâu! Mà mình cũng đã kết bạn với anh chàng trên facebook rồi đấy chứ, chỉ có điều là “kết rồi để đó” thôi chứ chưa nói năng gì hết! Tiếp theo đó là những nhân vật quen thuộc: anh Nguyễn Thái Hải, chị Kim Hài, anh Hà Tĩnh, toàn những tượng đài sừng sững của Tuổi Hoa!

Khỏi phải nói cũng biết câu chuyện của những người quen cũ diễn ra rôm rả như thế nào. Mình ngồi giữa anh Nguyễn Thái Hải và chị Kim Hài nên nghe và nói với hai người là chính. Các bạn không biết thì thôi, mình cũng là người quen đấy nhé! Anh Nguyễn Thái Hải thì mình đã gặp rồi, còn chị Kim Hài thì quen qua mạng thôi nhưng mà cũng “thư đi tin lại” nhiều lần lắm. Trong khi trò chuyện, chị Kim Hài tranh thủ giới thiệu mình một cô rất ấn tượng ngồi phía đối diện, bảo là con gái út của bác Minh Quân. Ồ, đã có con trai, giờ lại thêm con gái của thần tượng nữa, mình cảm thấy thật là hân hạnh quá chừng!

Tiếc là không có thời giờ để trò chuyện lâu hơn vì phải dành thời gian hành lễ. Lễ cầu siêu diễn ra đơn giản mà không kém phần trang nghiêm, với những nghi thức tôn giáo do các linh mục chủ trì, chắc là rất quen thuộc, nhưng do mình không có đạo nên cũng chỉ hiểu lờ mờ vậy thôi. Rồi đến phần phát biểu cảm tưởng: những người có liên quan đều lần lượt kể lại nhiều kỷ niệm khó quên với Tuổi Hoa, với người đã khuất. Anh Quyên Di cũng có mời mình phát biểu nhưng mình thấy quá trưa, lại cũng không biết nói gì vì dù sao thời đó mình cũng còn nhỏ, nên “nhỏ nhẹ” từ chối!

Vui nhất là phần sau lễ, mọi người tranh thủ thời gian quý báu còn lại để làm quen, han hỏi, nhắn nhủ nhau. Mình cũng không bỏ lỡ cơ hội, làm quen với con gái bác Minh Quân và cả một người mê Tuổi Hoa mà mình vừa kết bạn trên facebook là bạn Lan Hoàng (rất tiếc là bạn Marygold không đến được). Sau đó là màn chụp hình lưu niệm. Rồi một số bận việc ra về, những người còn lại thì kéo nhau đi ăn trưa. Mình cũng muốn đi theo để nghe thêm những hồi ức Tuổi Hoa của các anh chị nhưng tiếc thay mình lại có một cuộc hẹn. Do không lường trước được buổi lễ kéo dài, mình đã hẹn với anh bạn lúc 10 giờ rưỡi. Kết quả là mình bị trễ hẹn, không thể để anh bạn réo mãi nên mình đành lặng lẽ ra đi, thật là uổng quá chừng!

Thời gian gặp gỡ ngắn ngủi vậy thôi, nhưng cũng đã kịp đọng lại trong lòng mình những ấn tượng khó phai về cuộc hội ngộ của cả ba thế hệ! Thế hệ thứ nhất có anh Hà Tĩnh từng trải và suy tư, anh Quyên Di hoạt bát và duyên dáng, chị Kim Hài điềm đạm mà ân cần, anh Nguyễn Thái Hải sôi nổi mà không kém phần dí dỏm. Thế hệ thứ hai có bạn Trung Võ, con trai anh Vi Vi rất dễ gần tuy có vẻ ngoài hơi nghiêm nghị, con gái bác Minh Quân thì tươi tắn nhiệt tình, cả bạn đọc hâm mộ Tuổi Hoa nữa chứ, thật là trong trẻo, hồn nhiên dù tuổi đã ngoài năm mươi (mình đoán vậy)! À, tí nữa thì quên, còn thế hệ thứ ba nữa chứ! Đó chính là đại diện duy nhất, có một không hai, con gái bạn Trung Võ, cháu nội của họa sĩ Vi Vi. Đây chính là một thế hệ tương lai đầy hứa hẹn… không biết gì về Tuổi Hoa, hi hi! Nhưng thôi, chuyện đó để hạ hồi phân giải.

Đáng lẽ đây sẽ là một ngày vui trọn vẹn nếu không có chứng mất ngủ quái ác đã hành hạ mình suốt đêm hôm trước, đã vậy còn phải dậy thật sớm để đi cho kịp nữa. Hậu quả là mình đã đến dự lễ với gương mặt bơ phờ, hốc hác, thất thần trông thật thảm! Đúng như người ta thường hay nói: trong cái may có cái không may! Bình thường mình đã vốn xấu trai rồi, nhưng nếu mà tỉnh táo một chút thì trông cũng không đến nỗi, đằng này… Bởi vậy mà khi thấy có nhiều máy ảnh giơ lên mình đã than thở với chị Kim Hài rồi. Kết quả không ngoài dự đoán. Mình không biết nói sao hơn là gởi đến mọi người lời xin lỗi muộn màng cho sự cố ngoài ý muốn này.

Dù sao cũng còn một điều an ủi là trước đó hai ngày, mình đã tình cờ tìm lại được một truyện ngắn mà trước đây mình không để ý lắm, có lẽ vì nó hơi… ngắn. Trong truyện có các nhân vật bé Tu và cu Tún, những cái tên nghe vừa lạ vừa quen. Thôi đúng rồi, hai cái tên này mình thấy hoài trên facebook, đúng là tên gọi thân mật của con anh Vi Vi rồi! Mình đọc lại tự nhiên thấy hay hơn hẳn, thế là mình đánh máy luôn định để hôm nào thuận tiện sẽ đăng. Có ngờ đâu lại gặp được nhân vật… phụ hai ngày sau đó (nhân vật chính là bé Tu, cu Tún nhà ta chỉ xuất hiện có chút xíu!). Đúng là số mình có duyên với… Tuổi Hoa thật! Thế là mình có được món quà nho nhỏ gởi con trai anh Vi Vi làm kỷ niệm.

Cũng là để kỷ niệm ngày đáng nhớ này, mình quyết định đăng truyện ngắn trên vào hôm nay. Mình đã xin phép bạn Trung Võ được đăng kèm tấm hình gia đình bạn ấy hồi năm 1973 và được bạn ấy vui lòng chấp nhận. Tấm hình đã cũ, đã bạc màu, nhưng là chứng tích những ngày hạnh phúc của gia đình người mình hâm mộ. Mời các bạn vào xem:


Quang Võ


 
  

Thuở Ban Đầu



Chào các bạn,

Hôm nay, mình xin kể các bạn nghe về cái “thuở ban đầu” của mình với… Tuổi Hoa!

Hồi đó, mình không có ở Sàigòn, nhưng quê mình cách Sàigòn có hơn 30 cây số thôi. Vậy mà không hiểu sao chẳng có hiệu sách nào ở quê mình nghĩ đến chuyện mua Tuổi Hoa về bán cả, thật là lạ! Tuổi thơ của mình chắc rồi cũng chẳng có gì đáng nói nếu như không có một ngày…

Nguyên mình có một ông anh họ làm thợ sắp chữ cho nhà in Tuổi Hoa. Nghe oách ghê chưa! Ấy vậy mà mình có được “dựa hơi” tí nào đâu. Cũng vì mình nhát quá, ảnh lại ít khi ở nhà. Chỉ biết mỗi lần về quê, ảnh lại rinh cả đống bìa báo Tuổi Hoa về dán đầy nhà như người ta dán giấy hoa để trang trí vậy! Mình vẫn còn nhớ như in những hình bìa rất dễ thương của họa sĩ Vi Vi như hình một cô bé mặc đồ tắm đang kéo lưới ngoài bãi biển, hình hai cô học trò ngồi sát nách nhau trên băng ghế tâm sự dưới trăng… Khỏi nói : nhà ảnh có cả một tủ, vừa sách vừa báo, Tuổi Hoa luôn! Những thứ mà mình chỉ được nhìn qua cửa kính, thèm thuồng.

Rồi cái ngày “lịch sử” cũng đến. Đó là một buổi sáng đẹp trời, mây trắng lững lờ trôi, mình theo chị mình đi thăm một người bạn. Hai chị em vừa lơn tơn ra tới bến xe thì thấy anh họ mình từ trên xe đò bước xuống, tay cầm hai cuốn truyện Tuổi Hoa mới toanh, mà chỉ mới liếc sơ qua thôi mình đã biết chắc là rất đẹp, rất hấp dẫn (?). Mình không bỏ lỡ cơ hội, thúc cùi chỏ ra hiệu cho chị mình mượn ngay hai cuốn truyện kia. Thật may là anh họ mình vui vẻ đồng ý. Về đến nhà, mình có thời gian nhìn kỹ hai hình bìa của anh Vi Vi. Quả thật mình không lầm! Đó là cuốn Bức Mật Thư và Xóm Nhỏ, một loại hoa đỏ, một loại hoa xanh, hình nào cũng đẹp, hình nào cũng xinh, dễ thương chi lạ! Mình không thể đợi lâu hơn, leo lên võng nằm đọc một mạch hết cả hai, cuốn nào cũng hay, cuốn nào cũng tuyệt! Cũng kể từ đó, mình biết đời mình không thể sống thiếu Tuổi Hoa!

Hai cuốn truyện đó ít lâu sau mình cũng tìm mua được, nhưng mà chất lượng không được như hai cuốn của anh họ mình. Đã vậy, chúng lại được anh chị em trong nhà chiếu cố tận tình nên càng tàn phai theo năm tháng. Rồi “trải qua bao cuộc bể dâu”, cuốn thì mất, cuốn thì còn, cuốn còn cũng đầy dấu vết thời gian. May mắn thay, mình đã tìm lại được hai cuốn đẹp tuyệt vời sau hơn bốn mươi năm. Mình cứ ngỡ như mình đang mơ, một giấc mơ tuyệt đẹp!

Nhân dịp hè về, mình đăng lại cuốn Bức Mật Thư với hình bìa mới đẹp long lanh! (hình bìa cũ mình có gởi cho Tủ sách Tuổi Hoa online) Cuốn Xóm Nhỏ sẽ có mặt ngay sau đó, trong tháng sáu này.

Các bạn có rảnh thì vào xem và chia vui với mình nhé!



Thứ Hai, 6 tháng 6, 2016

Tản Mạn Về Biển


Chào các bạn,

Hôm nay mình xin kể lại cho các bạn nghe chuyện về… mình và biển. Từ bao giờ chẳng biết (ủa, sao giống thơ Xuân Quỳnh quá vậy ta?) mình yêu biển vô cùng, hi hi! Thật vậy các bạn ôi, mình yêu biển  phải nói là mê mới đúng  đến mức chỉ mơ suốt đời được sống bên biển, đến lúc chết cũng được nằm bên biển! Chắc các bạn sẽ thắc mắc tại sao. Thú thật là mình cũng... không biết, chỉ biết là mình có thể đứng ngắm biển suốt ngày mà không biết chán. Những lúc ốm đau, chỉ cần được nhìn thấy biển là mình khỏe lại ngay như có phép mầu. Bởi vậy mình mới hay nói đùa với bạn bè rằng mình chính là con nuôi của… Đông Hải Long Vương, hi hi!

Trong khi chờ đợi ước mơ thành hiện thực (chắc là còn lâu), mình mới nảy ra một sáng kiến hay ho: đó là tìm cho mình một nickname có “bà con” với biển. Nhưng mà biết lấy tên gì bây giờ? May sao hồi xưa đi học vi tính, mình có ngồi kế bên một anh bạn nhỏ tên là Hải Đăng, mà mình vẫn gọi đùa là Đèn Biển. Thật vậy, ngoài cây đèn biển ra, còn có cái gì khác được đứng bên biển suốt ngày đêm, bất kể nắng mưa, sương gió, bão bùng? Thế là cái tên Đèn Biển ra đời, cũng là để kỷ niệm về anh bạn nhỏ dễ thương, vẫn thường hay giúp đỡ mình (thú thật là lúc đó vi tính mình dốt như… me, hi hi!), mà mình không còn gặp lại. Nhưng có nickname rồi làm sao mà “xài” được đây? Mình biết mình không thể làm văn sĩ hay thi sĩ được, vì lý do gì chắc các bạn cũng biết rồi. Vậy thì làm sao bây giờ? Cũng may trời thương kẻ hiền lương (?) nên mới có cái vụ Tủ sách Tuổi Hoa online. Tưởng gì chứ Tuổi Hoa thì mình có khối! Thế là cái tên Đèn Biển được sử dụng thường xuyên, mình trở thành “người gõ truyện” không ăn lương (mà có khi còn tốn tiền thêm) chuyên nghiệp lúc nào không hay!

Mình vẫn còn nhớ (mới đây mà quên sao được!) truyện đầu tiên mình đánh máy là truyện “Tiếng chuông dưới đáy biển” của bác Nguyễn Trường Sơn. Đúng ngay truyện mà mình mê nhất, nói về thứ mà mình thích nhất, của một tác giả mà mình hâm mộ nhất! Không biết là do cố tình hay cố ý nữa, hi hi! Thật ra là mình đánh máy có nửa phần sau truyện thôi, nửa phần đầu đã có bạn Nguyễn Tuấn đánh máy rồi. Nhưng như vậy cũng đủ lắm rồi, được đánh máy truyện của người mình hâm mộ thì còn gì bằng! Thú thật là hồi nhỏ mình mê truyện này kinh khủng, mê đến mức chỉ ước được ra cù lao Chàm chơi một lần cho biết! Thật là vui khi bây giờ đọc lại, mình vẫn còn nguyên cảm giác thích thú như xưa. Tình tiết của truyện thì khỏi phải bàn, thật là ly kỳ hấp dẫn. Các nhân vật thì vô cùng sống động, đặc biệt là đôi bạn Khôi, Việt. Nhưng không chỉ có vậy. Truyện còn được lồng vào những kiến thức thật bổ ích về mọi mặt lịch sử, địa lý, sinh vật… đặc biệt là những đoạn tả cảnh đẹp trùng dương, phải nói là tuyệt vời! Văn phong của bác, theo thiển ý của mình, đáng được coi là mẫu mực. Sau này mình còn được may mắn đánh máy thêm ba truyện nữa của bác Trường Sơn, một con số mà ai cũng phải ước ao (?), còn hình bìa thì mình “bao thầu” hết!

Một truyện như thế không thể nào vắng mặt trên blog của mình. Truyện của bác hầu hết lấy bối cảnh mùa hè nên mình nghĩ đăng vào dịp hè là thích hợp nhất. Tất cả có sáu truyện, mình chia ra mỗi năm đăng hai truyện. Năm nay, mình đã lên lịch cho “Tiếng chuông dưới đáy biển” xuất hiện vào ngày 22, tháng bảy, tức là hôm nay. Lúc hay tin bác mất, mình đã định đổi lịch đăng ngay cho kịp, nhưng cuối cùng lại thôi. Không phải mình sợ mất công đâu, mà chính là vì mình nghĩ, bác Trường Sơn có bao giờ ra đi đâu. Bác, cùng với các nhân vật đáng yêu của bác : Khôi, Việt, Tuấn, Dũng, Bạch Liên… vẫn còn ở lại mãi trong trái tim những người yêu Tuổi Hoa, trong trái tim mình, ít ra là cho đến ngày mình nhắm mắt!

Đèn Biển

Đèn Biển... 16 năm về trước (ảnh do tác giả gửi tặng)

Nguồn : http://www.camlinguyenthimythanh.com