Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2023

Mười Năm Nhìn Lại

 
 

Các bạn thân mến,

Cách đây đúng mười năm, cũng vào cái ngày đáng nhớ này, blog "Tuổi Hoa và hơn thế nữa" chính thức "chào đời", mở đầu một cuộc hành trình gian nan nhưng cũng không kém phần hứng thú!

Hứng thú thì chưa thấy đâu nhưng gian nan thì "nhãn tiền" các bạn ạ! Nhiều lúc mệt quá chỉ muốn dẹp quách cho xong, nhưng rồi thấy mình sao "hèn" quá, thế là lại tiếp tục "ăn cơm nhà, vác ngà voi". Rồi công việc cứ cuốn mình đi, hết ngày này qua ngày khác, mình đâm "nghiện" lúc nào không hay. 

Năm tháng trôi qua, trang nhà ngày một thêm khởi sắc. Ban đầu mình ước tính post chừng ba năm là hết bài, nhưng có lẽ mình nhầm, hết ba năm rồi đến bốn năm, năm năm... thấm thoát mà đã đến năm thứ mười, khoảng thời gian thật là không tưởng! Bài vở được các bạn hào hứng đón nhận, thật là vui!
 
Nhưng vui nhất vẫn là tình thân đã được kết nối. Từ những người xa lạ, chúng ta dần trở nên thân thiết với nhau. Những lời mời kết bạn trên fb cứ tăng dần, trong đó đáng kể nhất là chúng mình được làm quen với các anh chị trong gia đình Tuổi Hoa, đưa đến những cuộc gặp gỡ hàng năm đầy tình cảm, vui tươi và đáng nhớ. Cho đến nay thì mình không còn nhớ nổi mình đã gặp nhau bao nhiêu lần!

Có được thành quả ngọt ngào nói trên, ngoài nỗ lực "tự thân vận động", không thể không nhắc đến sự ủng hộ nhiệt tình của các bạn, nếu không thì blog "Tuổi Hoa và hơn thế nữa" khó mà tồn tại cho đến hôm nay, mà nếu có tồn tại thì cũng kém hấp dẫn đi nhiều. Chính tình yêu thương của các bạn là nguồn động lực lớn giúp mình vượt qua thử thách. Xin chân thành cảm ơn tất cả những tấm lòng!

Đến nay thì nhiệm vụ của mình gần như đã hoàn tất, các bài vở, hình ảnh giá trị của Tuổi Hoa, Thiếu Nhi, Ngàn Thông...  đã được post lên gần hết. Hơi tiếc là một ít báo Tuổi Hoa vẫn chưa tìm được, nhưng không sao, mình tin là tất cả sẽ "đâu vào đó" một ngày không xa, nếu chúng ta cùng cố gắng.

Dẫu biết là cuộc vui nào rồi cũng đến lúc kết thúc, mình và các bạn sẽ phải tạm xa nhau, nhưng chẳng có gì phải buồn các bạn ạ. Chỉ là một chuyến đi thôi mà, xong rồi thì "ai về nhà nấy", nghỉ ngơi một thời gian rồi lại chuẩn bị cho chuyến đi khác có thể sẽ còn kỳ thú hơn, các bạn có đồng ý không nào!

Nhưng đó là chuyện của tương lai, và ngày đó vẫn còn xa lắm. Còn trước mắt, mùa xuân đang lấp ló bên thềm, một mùa xuân rực rỡ đang chờ đón chúng ta, hãy cùng nhau tận hưởng đi các bạn!

Chúc các bạn và quý quyến một năm mới tốt lành!

 
ĐÈN BIỂN 
    

Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2022

Hai Rương Vàng

Ngày xưa có một cậu bé tên là Võ, sinh ra và lớn lên cùng bố mẹ anh chị trong một thôn xóm hiền hòa có dòng sông nhỏ thơ mộng chảy qua. Có lẽ cuộc đời của Võ rồi cũng sẽ bình lặng như con sông trước nhà, chẳng có gì đáng kể nếu như không có một "biến cố" xảy đến năm Võ mười hai tuổi làm thay đổi hẳn nếp sống bình thường của cậu.

Gọi là biến cố cho oai, thật ra đó chỉ là một bất ngờ nho nhỏ. Chuyện là thế này: Một buổi sáng đẹp trời, sau khi ăn sáng ở chợ về, Võ ta hân hoan định lấy sách vở ra chuẩn bị cho buổi học chiều thì bỗng phát hiện ra một "vật thể lạ" trên bàn học. Đó là một cuốn sách nhỏ với tựa đề thật "bắt tai": Chú Bé Lênh Đênh. Bên dưới có một logo đề: tủ sách Tuổi Hoa. Nhưng chính cái hình bìa mới khiến Võ sững sờ: một chú bé với đôi mắt buồn man mác, bên cạnh là một con két đủ màu. Chao ôi là đẹp! Chao ôi là dễ thương! Ai mà có thể tạo nên một họa phẩm tuyệt vời đến thế nhỉ? Thắc mắc của Võ được giải đáp ngay ở trang cuối: đó chính là họa sĩ Vi Vi. Giờ lại đến thắc mắc lớn hơn: Cuốn sách này từ đâu đến? Ai đã để nó trên bàn? Võ ta bí mật điều tra những người trong nhà. Kết quả thật bất ngờ: không ai biết cả! Mãi không tìm được "chính chủ" lâu ngày rồi Võ cũng đành chịu thua, thôi không thắc mắc nữa, mặc nhiên coi như đó là món quà trời mang đến cho mình (?) Cuối cùng thì trong đầu Võ chỉ còn nỗi ám ảnh duy nhất: Làm sao tìm được sách Tuổi Hoa!

Thế là một "chiến dịch" săn lùng Tuổi Hoa thật "qui mô" bắt đầu. Cũng không hề đơn giản chút nào vì nơi Võ sống không có tiệm sách nào mua Tuổi Hoa về bán cả dù chỉ cách SG có hơn ba mươi cây số thôi. Rất may là đã có bố Võ, lúc bấy giờ đang làm việc ở SG, "ra tay" cứu giúp. Thế là đều đặn mỗi tháng, những cuốn Tuổi Hoa xinh xắn với hình bìa tuyệt đẹp của Vi Vi lại "rủ nhau" về bên Võ khiến cho cuộc đời cậu bé "sang trang". Từ khi có Tuổi Hoa, Võ không còn thiết tha với những trò tiêu khiển như bắn bi, đánh đáo, tạt lon... cùng lũ trẻ hàng xóm nữa. Hết giờ học, cậu lại "lôi" truyện Tuổi Hoa ra đọc, đọc xong lại say sưa ngắm nghía hình bìa, có khi quên cả ăn! Cơ mà mỗi tháng có hai ba quyển thì ít quá, xem không "đã"! Thế là Võ "lấn sân" luôn qua báo, hết Tuổi Hoa rồi lại đến Thiếu Nhi, cũng thật dễ hiểu vì cả hai đều có hình bìa lộng lẫy của Vi Vi, làm sao mà bỏ qua cho được! Báo thì dễ rồi vì ngay đầu chợ có bán khỏi phải tìm kiếm đâu xa. Khổ nỗi, nhà Võ thì nghèo, nên cái "khoản" sách báo là phải "tự lực cánh sinh", không còn cách nào khác là phải nhịn tiền quà sáng để món ăn tinh thần không bị gián đoạn. Hậu quả là Võ vốn đã gầy, nay lại càng gầy hơn, người cứ như cái que tăm khiến ai nhìn cũng xót xa (?), nhưng Võ nhà ta không lấy thế làm điều vì cậu biết, cái gì cũng có giá của nó.

Thân hình Võ càng "teo tóp" bao nhiêu thì "gia tài" cậu càng đầy đặn lên bấy nhiêu. Ngoài những cuốn sách mới phát hành, bố cậu còn chịu khó tìm thêm các truyện Tuổi Hoa cũ ở các tiệm cho thuê truyện, tất nhiên là thuê rồi "quên" trả lại! Cũng không cần phải áy náy gì vì các tiệm cho thuê lấy tiền thế chưn rất cao, nếu người thuê không trả sách, họ chỉ việc lấy tiền đó mua cuốn mới, chẳng thiệt hại gì mà lại còn được lợi hơn nhiều. Thế là "kho báu" của Võ lại có thêm nhiều cuốn quí hiếm. Sau này, mẹ Võ còn mua được thêm cho cậu báo bán kí lô ngoài chợ, nói là bán kí lô chứ thực ra thì vẫn còn rất mới, bổ sung đáng kể cho các số báo Thiếu Nhi và Tuổi Hoa còn thiếu. Chị cậu cũng góp phần không nhỏ trong "công trình" ý nghĩa này bằng cách tặng cho cậu hai chiếc rương xinh xắn gởi mua tận miền biên giới xa xôi (?). Chiếc thứ nhất phần lớn cậu dùng để đựng sách bố mua cho, chiếc kia thì để báo "cân kí" của mẹ. Võ thường gọi hai chiếc rương quí giá ấy là "Rương Ông" và "Rương Bà" với tất cả lòng trìu mến. Sau này có cơ hội và có nhiều tiền hơn, Võ mua thêm được rất nhiều "mặt hàng" mới và đẹp khác, nhưng đối với Võ thì không gì quí bằng hai chiếc rương kia, đơn giản vì cậu đã mua nó bằng tất cả số tiền mình có và, hơn thế nữa, vì nó chứa đựng tình yêu thương ấm áp của gia đình!
 
Nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng êm ả, cũng như dòng sông có lúc cũng phải qua lắm thác ghềnh. Có những lúc nghèo túng quá, Võ đã phải cắn răng đem cho hàng xóm thuê những cuốn sách quí giá của mình để giải quyết hoàn cảnh khó khăn (bây giờ nghĩ lại thấy mình quá dại!). Nhưng Võ cũng còn đủ khôn ngoan để giữ lại những cuốn sách hay nhất, đẹp nhất, những cuốn sách mà cậu vô cùng yêu thích. Cũng may "trời còn thương kẻ hiền lương" nên kho báu của Võ không hề cũ đi theo thời gian mà vẫn mới tinh, nhiều lúc Võ còn thấy chúng lấp lánh như được dát vàng, thật cứ y như là một phép lạ! Nhắc đến vàng, Võ bỗng sực nhớ đến truyện phiêu lưu mạo hiểm Hai Rương Vàng trong tủ sách Tuổi Hoa mà cậu rất ưa thích. Ừ, phải rồi! Hai chiếc rương quí của Võ đích thực là hai rương vàng, nếu không muốn nói là còn quí hơn vàng nhiều, vàng không thể nào mua được và dù có ai trả giá bằng vàng, Võ cũng không bao giờ bán, chắc chắn là như thế! Hai Rương Vàng yêu quí của ta ơi, ta nguyện sẽ gìn giữ các ngươi cho đến hơi thở cuối cùng!

Nhiều năm trôi qua, Hai Rương Vàng của Võ vẫn còn nguyên vẹn bất chấp những biến động của thời cuộc và sự tàn phá của thời gian. Những lúc mệt mỏi, những thời điểm khó khăn, chỉ cần mở chúng ra là lòng Võ lại thấy bình yên, ấm áp, tinh thần và sức lực được phục hồi, cậu lại có thêm sức mạnh để đương đầu với thử thách mới. 
 
Chẳng thế mà mỗi khi nhắc đến kho báu của mình với bạn bè, Võ lại hãnh diện rung đùi ngâm nga hai câu thơ:

Cái gì cũng sợ thời gian
Nhưng thời gian phải "sợ" Hai Rương Vàng của ta!
 
 

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2022

Chút Kỷ Niệm Cùng Chú Nhật Tiến

 


 Chào các bạn,
 
Khuya ngày 24-8-2017, mình nhận được một tin nhắn trên facebook từ một địa chỉ không quen, ký tên chú Nhật Tiến! Ban đầu mình cứ tưởng là ai đó đùa mình, nhưng không, lời lẽ và "giọng nói" chân thành ấy chỉ có thể là chú chứ không ai khác. Mình vừa trả lời, vừa hồi hộp vì xúc động. Mà không xúc động sao được, khi mình biết chú đã qua cái tuổi "xưa nay hiếm", đã "rửa tay gác kiếm", không màng thế sự từ lâu, chỉ thỉnh thoảng xuất hiện trong vài bức ảnh đoàn tụ gia đình, vậy mà chú vẫn quan tâm đến Thiếu Nhi, vẫn âm thầm dõi theo công việc mình đang làm, và bây giờ lại còn nhắn tin động viên mình! Cuộc "đàm thoại" bằng bàn phím ấy thật ngắn ngủi, nhưng đã để lại cho mình ấn tượng khó phai. Rất may là mình đã tìm lại được các tin nhắn này sau một thời gian cố công tìm kiếm. Hôm nay, kỷ niệm hai năm ngày mất của chú, mình xin gởi đến các bạn toàn bộ nội dung cuộc "trò chuyện" nói trên, đồng thời đưa vào trang Hồi Ức Tuổi Hoa với ước mong lưu lại một kỷ niệm đẹp của mình với một người mà mình hằng kính yêu, quý trọng: cánh chim đầu đàn của tuần báo Thiếu Nhi! Mời các bạn cùng xem:

Kim Bau Hoang


Chú Nhật Tiến rất cám ơn Quang Võ đã tận tình quảng bá các số báo Thiếu Nhi và Sách Tuổi Hoa. Đấy là một công trình gìn giữ di sản văn hóa giáo dục của VNCH rất đáng hoan nghênh. 
 
 Nhật Tiến 
 
 PS. Hình như số báo Thiếu Nhi 51 kỷ niệm Đệ nhất chu niên chưa được post lên. Chú vô đọc trong phần liệt kê nhưng không được.

Bạn 

 

Ồ, Kim Bau Hoang là chú ạ? Báo Thiếu Nhi chụp lại là của các bạn khác chú à. Cháu chỉ đánh máy các bài vở và chụp hình bìa thôi. Nhà chỉ có máy chụp hình cũ nên chụp cả tờ báo rất khó, với lại cách làm đó ít tương tác với người xem, nên cháu không thích lắm. Nhưng nếu chú cần, cháu sẽ chụp gởi chú. Chúc chú vui!
 

Kim Bau Hoang

 

Thôi đừng mất công. Để chờ người khác làm cháu ạ.
 
Chú chỉ ké trang của HKBáu thôi. Chú rất lười play Face Book.
 

Bạn  

 

Dạ, cháu xin nghe lời chú ạ, hi hi! Nhưng cháu cũng đã post bài Một Năm Làm Việc ở Tòa Soạn Thiếu Nhi của chú rồi đấy, mời chú xem (nếu chú chưa xem, hi hi!). Chúc chú nhiều sức khỏe!
 

Kim Bau Hoang


Ui da ! Sao cháu mất nhiều công sức thế. Để chú sẽ đọc lại coi hồi đó đã viết những gì, tuy dù hay dù dở thì cũng là một thời kỷ niệm khó quên.


Bạn 

 

Có gì mất công đâu, bài hay mà chú! Nếu cháu là... chủ biên mà nhận được bài này là cháu "duyệt" liền, hi hi!


Kim Bau Hoang


Mãi hôm nay bồ tèo KBH ( thua chú cả trên chục tuổi) mới cho chú đọc bài Một Năm Làm Việc Ở Tòa Soạn Thiếu Nhi do Quang Võ mất công đánh máy lại. Cám ơn Quang Võ nhiều lắm. Nhận được bài, chú mừng như gặp người thân đi xa, lâu lắc mới về, mang theo toàn chuyện cũ nhưng vẫn là mới đ/v chú vì nay chú quên gần hết rồi. 
 
Bài viết làm chú nhớ lại những tấm lòng của các vị người lớn đ/v tờ TN xưa và nhất là tâm tình của các độc giả hồn nhiên, trong sáng, thơ ngây dù đã gửi cho tòa soạn những lời trách móc rất chân tình. Và chú nhớ đến 2 câu thơ của cụ Vũ Đình Liên: 
 
Những người muôn năm cũ 
Hồn ở đâu bây giờ ?

Bạn 

 

Dạ, vẫn còn chút "dư âm" của người muôn năm cũ đó chú. Như anh Uyên Thụy Phương ở Biên Hòa (giờ là Nguyễn Đức Hiệp) vẫn thường xuyên có mặt trên facebook. Cháu cũng làm quen được với chị Huỳnh Chúc mà hồi xưa chú có nhắc trong sớ Táo Quân 1973 là "giục bài tơi bời, vẫn còn đỏng đảnh" đấy. Rất vui là chị ấy vẫn nhớ mấy câu thơ chú "phong tặng" hi hi! Cháu cũng quen với hai con trai chú Đặng Hoàng, một ở VN một ở Mỹ. Tiếc là chưa có tin tức gì của anh Phan Khương Thái chú à.
 

Kim Bau Hoang


Đánh máy lộn. Bồ tèo HKB (Hoàng Kim Báu) không phải KBH như trong mail trước.
 

Bạn

 🙂

Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2021

Kỷ Niệm Ngày Xanh

 

Mỗi khi nắng hết còn gay gắt, và trở thành một màu vàng dịu nhẹ, mơ màng qua khung cửa những khi chiều xuống, là tôi biết tết sắp đến rồi. Tôi gọi loại nắng ấy là Nắng Tết! Những khi ấy tôi thường hay bắt gặp mình nhớ sao là nhớ những kỷ niệm ngày còn thơ, với hai tờ báo Tuổi Hoa và Thiếu Nhi, hai tờ báo duy nhất tôi từng "cộng tác", và dĩ nhiên là lúc đó tôi ước ao một là được quay về sống lại khoảng thời gian của tuổi thiếu niên vàng son ấy, và hai là báo Tuổi Hoa không bị đình bản!

Tôi được coi báo Tuổi Hoa khá lâu trước khi bắt đầu gởi bài đăng, vì vậy tôi biết hết mặt các chú trong tòa soạn, trước khi bước chân vào tòa soạn, theo cả hai nghĩa đen và nghĩa bóng, nhờ vào những tờ báo xuân vẽ hình các chú ấy thân người thì nhỏ xíu, ngắn ngủn có một khúc như trong tranh hí họa, nhưng phần khuôn mặt thì lại được gắn ảnh chân dung thật, không cân xứng với thân người một cách có chủ ý. Lúc đó tôi cứ tự hỏi ai đã nghĩ ra cái cách giới thiệu nhân vật vô cùng dí dỏm, hay ho và thú vị ấy.

Có lần anh Trang Vy (trưởng nhóm Hoa Nắng) tới nhà và rủ tôi đi dự tiệc tất niên ở tòa soạn báo Tuổi Hoa. Nhân lúc ba tôi đi vắng, tôi đồng ý liền. Khi tới tòa soạn, tôi thấy nhiều bàn tiệc dài ngoằng đã được dọn ra, và trên bàn trải khăn trắng đã bày sẵn la liệt các loại bánh tây và nước ngọt trông rất thịnh soạn. Nhưng ở chơi được một lúc rồi mà giờ nhập tiệc hình như vẫn còn xa lắm, vì chỉ thấy lác đác vài người trong tòa soạn tôi không được quen biết thỉnh thoảng ra vào có việc gì đó. Tôi đành xin phép anh Trang Vy ra về vì sợ lúc đi tôi đã không xin phép ba. Anh TV nói anh đã xin phép anh tôi rồi, nhưng anh ấy không biết rằng ba tôi mới là người duy nhất có quyền trong gia đình tôi. Đúng là một buổi ăn tiệc "hụt" nhớ đời phải không các bạn.

Chiều thứ bảy tôi và các bạn cùng lớp thường hay ghé tòa soạn báo TH chơi. Có khi vì tò mò, cả đám tụi tôi còn rủ nhau vô cả nhà in dưới tầng trệt để xem các chú thợ in sắp chữ và in báo, những trang báo to bự chưa được cắt xén cứ tuồn tuột chạy ra từ máy in kêu xầm xập, rầm rầm. Có lần tôi còn tình cờ thấy cả bài thơ của chính mình đang được in nháp nên đã vội la lớn lên vì vui mừng bịt miệng không kịp. Chú thợ in hiền lành nhìn tôi qua cặp mắt kiếng gọng xà cừ để trễ trên sống mũi và buông lời khen, Chèn ơi con giỏi quá hén!

Chẳng biết khi coi báo, người khác chú ý và nhớ điều gì nhất. Riêng cá nhân tôi, lại chính là những hình vẽ minh họa mới in sâu vào tâm trí và cứ ở lại đó mãi. Nhiều hình vẽ tôi thích vì đẹp, như hình minh họa chú ViVi vẽ cho bài thơ Mộng ngày xanh của Liên Kh, đoản văn Phượng, mùa hè năm xưa của Trần Hữu Nghiêm, hay bài Bước thời gian/Như sợi chỉ mành của Kim Hài....Những hình khác tôi lại thích vì vẻ ngộ nghĩnh đáng yêu, đặc biệt là trong trang Đồng cỏ non chỉ dành cho các bé, như hình của các bài Giọt nước mắt đen, Đoàn diễn binh âm thầm, Bé làm y tá, ....

Vì vậy, tới khi chính mình viết và bài được đăng (đa số ở trang Đồng cỏ non) thì lúc đó mơ ước của tôi là bài mình sẽ được vẽ hình minh họa đăng kèm! Nhưng đáng thất vọng làm sao, vì hết bài này tới bài khác được trình làng, nhưng hình đâu chẳng thấy. Mọi chuyện tưởng đã thành vô vọng, thì mãi sau này, một hôm ngồi nói chuyện và kể ước mơ của mình với chú Hà Tĩnh thư ký tòa soạn lúc bấy giờ (tôi có cái tính chẳng biết xấu hay tốt, chắc tốt xấu tùy người đối diện, đó là có sao nói vậy). Không ngờ chú ấy lại nhớ và lần sau khi bài tôi được đăng thì... Voilà! Một hình minh họa do chính tay chú ViVi vẽ, chễm chệ trên đầu đoản văn của tôi, y như trong mơ, chỉ có điều là giấc mơ đó đến quá trễ, khi tôi không còn trong lứa tuổi Đồng cỏ non nữa (nhưng muộn còn hơn không phải không các bạn), và giấc mơ đó cũng không đến hai lần, vì chẳng bao lâu sau đã tới ngày 30/4/1975 định mệnh.

Khi bài được đăng bên Bán nguyệt san Tuổi Hoa, tôi luôn luôn được nhận báo biếu gởi theo đường bưu điện. Nhưng ở bên báo Thiếu Nhi thì tôi chưa hề nhận được báo biếu mỗi khi có bài đăng! Chẳng hiểu sao tòa soạn báo Thiếu Nhi đã quên hẳn tôi.

Nghe nói các anh chị lớn ở báo Tuổi Hoa còn được nhận tiền nhuận bút nữa. Điều này tôi chỉ được nếm trải lần đầu, lần duy nhất, và cũng là lần cuối trong đời) khi tham dự cuộc thi của báo Thiếu Nhi viết về chủ đề hình như là Gia đình mến yêu thì phải. Nếu bài được chọn đăng sẽ được nhuận bút 500$.

Không ngờ bài dự thi kỳ ấy của tôi chẳng những được chọn đăng, mà còn được giải khuyến khích. Tôi nhớ mãi lần đi lãnh giải ấy, ở Trung Tâm Văn Bút tọa lạc đường Đoàn thị Điểm. Hai chị em tôi tới nơi đã thấy rất đông người đến dự, hầu hết là thiếu nhi, dĩ nhiên rồi. Trong số ấy có cả các anh chị cùng nhóm Hoa Nắng thương yêu của tôi như anh Trang Vy, anh Trần Hữu Nghiêm và chị Phạm thị Diễm Phúc (trên báo Tuổi Hoa phiên bản online hiện nay, chị dùng bút hiệu Yên Nhiên). Sau này nghe chị nói còn nhiều anh chị khác cùng nhóm cũng tham dự hôm đó nhưng tôi không được biết nên tới giờ vẫn không biết mặt. Cũng phải nói thêm ở đây cho những độc giả của Tuổi Hoa và là người ái mộ cây viết này, chị PTDP của chúng ta ngoài đời đẹp như hoa hậu, với mái tóc dài và nước da trắng hồng vì là con gái Đà Lạt.

Lãnh thưởng xong (là một chồng sách truyện cao nghễu nghện cùng với một văn bằng), tôi tính đi xích lô về cho nhanh gọn lẹ. Khổ một nỗi thằng em "ngu ngốc" của tôi lại muốn tự tay ôm phần thưởng (của tôi, không phải của nó!) và lội bộ về nhà cho nó "xôm" (cũng theo lời nó!). Thế là thể theo nguyện vọng của nó, chúng tôi đi lô ca chân về nhà, nhưng xôm đâu thì không thấy, có lẽ vì tôi đã quen lãnh thưởng!

Vì sau này tôi còn lãnh thêm một giải thưởng khác nữa, hình như đồng hạng khuyến khích cùng với 49 người nữa bên tủ sách Mây Hồng thì phải. Giải này chẳng liên quan/dính líu gì tới việc sáng tác, viết lách gì hết, mà chỉ là trả lời những câu hỏi, nhưng phần thưởng cũng lại là một chồng sách truyện bự chần dần! Bảo sao lãnh thưởng đối với tôi chỉ là chuyện nhỏ.

Nhớ bé xưa cùng chơi, đuổi nhau dưới bóng hàng cây Nấu nướng hay nhảy dây, vòng chơi cuốn theo tuổi say Nụ hoa dắt trên đầu, tặng nhau đứng bên cầu, Đâu ngờ dòng đời đang cuốn mau...Buồn đã biết rồi thì chờ đến cơn vui Bàn chân ấu thời dần mạnh bước chân đời Mang dĩ vãng trong tay trên quãng đường dài Lưu vật còn đây, rồi còn tiếc thơ ngây hoài...

(Tuổi biết buồn, Phạm Duy & Ngọc Chánh)

Trần Thị Phương Lan

(Bút nhóm Hoa Nắng)


Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2019

Chuyện Bây Giờ Mới Kể

Từ trái sang: Bs Đỗ Hồng Ngọc, Minh Vĩnh (Bé), Như Nguyện, Đèn Biển.

Chào các bạn,

Ngày 12-11-2018, mình có một cuộc hội ngộ "chưa từng có" ở đường sách Sài Gòn với bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc và con gái bác Minh Quân, không chỉ một mà những hai người!

Chuyện mình quen với con gái út bác Minh Quân thì mình đã kể trong bài Bức Ảnh Trong Mơ, các bạn có thể xem lại, còn với Bs Đỗ Hồng Ngọc thì... chưa, hay nói đúng hơn là chưa có dịp. Vậy nên hôm nay xin kể nốt nhân dịp cuối năm.

Mình biết đến cái tên Đỗ Hồng Ngọc lâu lắm rồi, từ lúc anh Hà Tĩnh giới thiệu cuốn Những Tật Bệnh Thông Thường Trong Lứa Tuổi Học Trò của anh trên Tuổi Hoa cơ! Hâm mộ anh suốt từ đó đến giờ và rất muốn gặp gỡ "thần tượng" của mình nhưng không có cơ hội. Dịp may dun rủi cho mình "tiếp cận" anh: chị Nguyệt Mai, vốn quen anh từ trước, nhờ mình đánh máy hộ một số bài viết của anh để chị đăng trên blog của chị. Công việc thú vị này càng làm tăng thêm ước muốn được "diện kiến" anh. Rồi cơ hội đến: qua một số thông tin, mình biết anh có cuộc nói chuyện tại một hội chợ sách ở SG. Rủi thay hôm đó anh bạn và cũng là tài xế tình nguyện của mình bận việc, thế là mình đành bỏ lỡ dịp may hiếm có! Sau này mình có kể cho chị Mai nghe, chị bảo tưởng gì khó, để chị nhắn cho anh hẹn gặp mình một buổi cà phê nói chuyện chơi, mình bảo thôi chị ơi, em chỉ thích ngó thần tượng từ xa thôi, chứ ngồi nói chuyện "tay đôi" em ngại lắm!

Giữa lúc không còn hy vọng gì thì "đùng một cái" mình được gặp anh! Đó là ngày 26-7-2018, sau ngày lễ giỗ bác Trường Sơn tại nhà thờ Kỳ Đồng. Sáng hôm đó, sau khi chia tay với anh Quyên Di tại khách sạn mà anh thuê cho bọn mình nghỉ lại qua đêm như mọi năm, mình với anh Trần Ngọc Hưởng ghé đường sách "tham quan". Vừa bước vào con đường thơ mộng với hai hàng me giao nhau mát rượi đã thấy anh ngồi ở một bàn cà phê ngay trước mặt. Thế là bọn mình bảo nhau chạy lại làm quen. Khi nghe nói mình chính là Đèn Biển, anh hết sức ngạc nhiên, hỏi sao nhận ra anh hay vậy. Mình trả lời anh mà có đứng cách em một cây số em cũng nhận ra! Anh bảo hay thật, đúng là Đèn Biển! Mình hỏi chắc anh có hẹn, anh bảo đúng rồi. Bọn mình xin nói chuyện với anh một chút rồi sẽ rút lui cho anh tiếp khách. Nói chuyện một hồi, anh Hưởng nảy ra sáng kiến là mua một cuốn sách của anh để xin chữ ký, mình thấy "có lý" quá bèn bắt chước theo. Thế là mình đã có được một kỷ niệm nho nhỏ của thần tượng! Trước khi chia tay, anh đề nghị chụp chung một tấm hình làm kỷ niệm, nói mình cứ ngồi tự nhiên, mình bảo em mà chụp nghiêng trông xấu lắm anh, anh cười bảo không sao, phía nào cũng xấu! Sau đó anh hỏi xin địa chỉ email của mình để tiện "liên lạc", ý là anh muốn nhờ mình đánh máy ít bài đó mà! Sau khi chia tay, mình còn mua được mấy tờ Tuổi Hoa cũ ở đó, thật là một ngày may mắn!

Giữ đúng "lời hứa", ít hôm sau anh nhờ mình đánh máy giúp mấy bài, trong đó có bài Ông Nguyễn Hiến Lê và Tôi rất thú vị mà anh viết từ hồi còn trẻ, nói là để in chung trong một tuyển tập về ông. Và cũng như những lần trước, à mà khác chứ, lần này anh "trực tiếp" cảm ơn mình chứ không gián tiếp qua chị Mai, khiến mình thấy mình tự nhiên "quan trọng" hẳn lên! Nhưng có lẽ "duyên nợ" giữa mình với anh vẫn còn dài vì ít hôm sau, khi mình đăng bài Bức Ảnh Trong Mơ thì anh Hà Tĩnh có vào "comment" và gởi kèm một lá thư của bác Minh Quân, trong đó có nhắc đến anh. Thấy là thư khá đặc biệt, mình copy gởi cho cả anh và Bé, con gái bác Minh Quân, xem chơi cho biết. Không ngờ cả hai đều rất xúc động, gởi lời cảm ơn mình. Anh thì vui chuyện kể cho mình nghe kỷ niệm lần anh ghé nhà bác Minh Quân để chữa bệnh viêm ruột thừa cho Minh, anh kế của Bé, nhân tiện có nhắc đến cô bé Như Nguyện, chị của Bé, người đã làm tài xế cho anh suốt dọc đường về nhà, đồng thời ngỏ ý muốn gặp lại những người quen cũ, kể cả anh Hà Tĩnh (vì trong thư anh Hà Tĩnh có nói rất muốn gặp anh). Còn Bé thì rất xúc động kể thêm "cậu Ngọc" chính là ân nhân của gia đình, đã cứu sống anh Minh không chỉ một mà những hai lần. Khi nghe mình cho biết ý muốn của anh, Bé mừng "ra mặt", gọi mình là "chiếc cầu nối những bờ vui" (chữ của Bé) và nói sẽ liên lạc với cậu Ngọc trong thời gian sớm nhất có thể để hẹn gặp.

Và cái ngày đẹp trời đó đã đến. Mọi người hẹn nhau lúc chín giờ sáng ở quán cà phê Mùa Thu, có cả chị Như Nguyện, chính là "nhân vật" Hà trong truyện bác Minh Quân. Tất cả đều vui và xúc động nhắc lại những kỷ niệm xưa, nhất là về bác Minh Quân. Đáng lẽ ra câu chuyện còn dài, nhưng vì thời gian không cho phép nên đành phải tạm chia tay. Ai cũng có quà mang về,  riêng mình ra về với gói quà khá nặng: Anh Ngọc tặng mình cuốn Nguyễn Hiến Lê con người và tác phẩm, (trong đó có bài viết anh nhờ mình đánh máy) Bé thì tặng mình cuốn chân dung mười hai nhà văn nữ tiêu biểu (trong đó có bài Mẹ Tôi của Bé mà mình đã giới thiệu), tất nhiên cả hai đều có chữ ký đàng hoàng! Ngoài ra mình còn được "khuyến mãi" thêm một cây bút mà anh Ngọc nói là của chị Mai tặng, và ba hình bìa truyện của bác Minh Quân từ tay Bé trong đó tất nhiên là không thể thiếu hình bìa cuốn Tên Tài Xế Suzuki Lý Tưởng mà Bé đã hứa tặng mình!

À tí nữa thì quên, nói đi thì cũng phải nói lại. Phải dành lời cảm ơn đặc biệt đến anh Hà Tĩnh vì nếu không có anh thì đã không có cuộc gặp gỡ đáng nhớ này. Nếu  quả thật mình là "chiếc cầu nối" thì anh chính là "người bắc cầu" vậy!

Nghe nói cuối năm là dịp để "ôn cố tri tân", mình viết bài này không ngoài mục đích lưu lại chút kỷ niệm vui, có gì sơ xuất các bạn bỏ qua. Cảm ơn các bạn rất nhiều!

Hẹn gặp lại.


Thứ Ba, 4 tháng 12, 2018

Mẹ Tôi




MẸ TÔI

Mẹ tôi là một phụ nữ bình thường.

Vâng, trong trí nhớ của tôi, mẹ trước hết là một người mẹ, người vợ trong gia đình. Giống như các gia đình truyền thống thời trước, trong nhà, ba tôi đi làm và lo kinh tế cho cả nhà còn mẹ tôi đảm vai nội trợ, cũng xách giỏ đi chợ, cũng nấu ăn, chăm sóc gia đình như một phụ nữ bình thường.

Tôi nay đã đủ lớn để không quá thiên kiến hay tôn sùng về mẹ. Tôi hiểu mẹ mình cũng là một người với những hỷ, nộ, ái, ố đời thường, cũng dễ khóc, dễ cười… Người ta nói “đàn bà xây tổ ấm”, tôi tin vào điều này vì tôi nhớ không khí gia đình tôi chịu tác động khá lớn từ mẹ. Khi vui, mẹ đọc thơ, hát vang cả nhà, khi buồn, mẹ cứ lặng lẽ rơi nước mắt. Mẹ hầu như không cầm đến roi và cũng không la mắng chúng tôi nhiều, nhưng chúng tôi hay đùa là mẹ có “vũ khí tối thượng”: chỉ cần mẹ khóc là tất cả xếp ve. Mẹ tôi cũng có lúc có những suy nghĩ cực đoan... Nhưng tôi nhìn điều đó với một cặp mắt yêu thương của đứa con, và hơn nữa, với sự chia sẻ và đồng cảm. Tôi nhìn thấy ở mẹ một người phụ nữ cứng cỏi nhưng cảm tính, mạnh mẽ mà rất tình cảm, thậm chí, hơi quá nhạy cảm.

Thường thì mẹ thẳng thắn, yêu ghét rõ ràng và khá công bằng, nhưng nhiều lần tôi nhận ra mẹ có chút thiên vị trong câu nói “anh K. (X., Y., Z….) dễ thương lắm, nó bằng tuổi anh Q. con đó (người anh đã mất của tôi)”.  Sau này, khi nhìn những đứa nhỏ sinh cùng năm với đứa con đã mất của mình với những suy nghĩ bâng quơ, tôi chợt nhận nhận ra mình hiểu và cảm thông sự “thiên vị” của mẹ biết dường nào…

Khi còn nhỏ, chúng tôi nài nỉ xin nuôi chó và dù đã được sự “ủng hộ” của ba, mẹ tôi vẫn từ chối. Chúng tôi cứ “ấm ức” cho rằng “mẹ chẳng biết thương thú vật gì hết” vì mẹ cứ viện cớ “nhà mình chật, không có chỗ, nuôi dơ lắm…”, cho đến khi mẹ kể lại câu chuyện con chó Vàng mẹ đã nuôi ở Nha Trang mà khi chuyển vào Saigon không mang theo được để rồi nó cứ nằm trên xích đu cũ chiếc xích đu mẹ và chị tôi hay ngồi , bỏ ăn mà chết. Mẹ vừa kể vừa nghẹn giọng và nói “mẹ thề không nuôi con chó nào nữa”… Và vậy là tôi hiểu, đằng sau sự cương quyết, lạnh lùng kia là cả một tình cảm yếu đuối đến nao lòng. Mẹ “yếu đuối” (hay “tình cảm”?) đến mức không thích đi ăn ngoài quán vì sợ những lúc đang ăn mà có cụ già hay em bé bước vào xin ăn, bà sẽ không thể “nuốt xuống”. Mỗi khi ba và chúng tôi “mè nheo” đòi đi ăn ngoài, mẹ chỉ tỏ ra “lý trí” bằng cách tuyên bố “ăn ở ngoài vừa mắc, vừa không hợp vệ sinh, ở nhà mình nấu cũng ngon mà”. Tôi thì hay nghĩ thầm “có ngon gì đâu”. Nhưng rồi… chẳng biết từ lúc nào, tôi cũng dần cảm thấy vị đắng của những bát mì, tô phở ngoài quán như mẹ mình [1].

Do hoàn cảnh gia đình, mẹ tôi không được học lên cao, nhưng bà rất ham học, rất thích đọc sách. Bà hay ngâm nga những câu thơ, hay nhắc chuyện lịch sử và tỏ rõ chính kiến trong mọi việc, tỏ rõ thái độ yêu, ghét, đúng, sai. Khi lớn lên, tôi hiểu rằng không thể lúc nào cũng trắng đen, sai đúng rõ ràng, nhưng tôi vẫn yêu sự chân thành, thẳng thắn ấy của mẹ. Nó làm nên con người của bà! 
 
Bên cạnh vai trò người mẹ, người nội trợ của gia đình, mẹ tôi còn còn có nhiều “vai” khác mà đến bây giờ tôi mới thấy là “khác lạ”

Ngoài việc đi chợ, nấu ăn, chăm sóc con cái, mẹ tôi còn ngồi bên máy chữ gõ lóc cóc rất nhanh mà lúc ấy mẹ gọi là “làm việc”. Khác với hình dung về việc sáng tác, (người ta thường nghĩ người sáng tác là phải ngồi ở phòng riêng, đắm mình trong tưởng tượng để sáng tạo với một không gian thơ mộng, tĩnh lặng…) mẹ tôi ngồi đánh máy ở nhà, trong một không khí không có gì là “lãng mạn” bởi sự mè nheo, lộn xộn của lũ nhỏ, thỉnh thoảng lại phải chạy xuống canh nồi cơm, xoong cá… Đến bây giờ, khi đã hiểu công việc ấy cần sự tập trung như thế nào, tôi mới thấy ngạc nhiên tại sao mẹ tôi có thể làm cùng lúc bằng ấy công việc. Mẹ còn tham gia hội Phụ nữ chí nguyện ở Hồng Thập Tự (bây giờ gọi là Chữ Thập đỏ) để cùng các bác đi thăm hỏi, phát quà cho bệnh nhân, người khó khăn…; tham gia hội Bảo trợ học sinh nghèo (để giảm bớt việc những đứa trẻ nghèo phải bỏ học như bà ngày xưa?). 

 Thật ra, khi còn nhỏ, tôi không thấy mẹ tôi quá vất vả, lam lũ. Tôi chỉ thấy mẹ tôi đi lại như con thoi, làm hết việc này đến việc khác mà không ca thán kêu ca. (Đến bây giờ, khi phải vừa làm việc vừa làm mẹ… tôi mới thấy điều đó quả không đơn giản!) Khi ấy, tôi còn thấy mẹ sướng quá vì mẹ giao được hết (có vẻ là vậy) việc nhà cho con cái. Ngay cả khi trong nhà có người giúp việc, các anh chị em tôi và hai anh chị con bác từ Nha Trang vào đi học, đều phải chia nhau làm việc nhà. Mỗi tối,  các chị lên “thực đơn” ngày hôm sau cho cả nhà, các con, dù trai hay gái, đều có nhiệm vụ: đứa phụ nấu ăn,  đứa thì giặt đồ, phơi đồ… đứa nhỏ như tôi cũng được giao lau bụi, dọn giường… Ngày ấy tôi chỉ thấy mẹ mình nhàn hạ quá, khỏe quá, tôi không hiểu rằng làm được việc đó là cả một lòng quyết tâm và cách dạy con “văn minh” của mẹ (vì thật ra, tự làm có khi còn nhanh và sạch hơn giao việc cho tụi nhóc con). Cũng nhờ vậy, sau này, khi không có người giúp việc, mọi việc trong nhà vẫn “chạy” trơn tru, chúng tôi khi trưởng thành, không phải những người khéo léo, đảm đang nhưng đều có thể quán xuyến việc nhà một cách gọn gàng.

Đến bây giờ, tôi hiểu ra đó là cả một “nghệ thuật” khi có thể giáo dục, dạy con, giao việc cho con, nhưng vẫn kiểm soát được tất cả để có thể làm được việc “xã hội”, bao gồm cả việc viết lách, làm công tác xã hội một cách ổn thỏa…

Mẹ tôi không coi đó là một “nghệ thuật” mà hay dùng từ thiên chức Mẹ hay nhắc đến từ “thiên chức” và thường cho rằng bà đã được cuộc đời trao cho “thiên chức cầm bút” và “thiên chức làm mẹ”. 

Thiên chức làm mẹ đã tạo cho mẹ tôi “cơ duyên” để trải nghiệm và viết tác phẩm “Những ngày cạn sữa”[2], tác phẩm đã đem đến cho mẹ tôi giải thưởng, mà hơn hết, là sự tự tin để đón nhận thiên chức cầm bút. Mẹ tôi gọi là “thiên chức” vì bà rất trân trọng nó. Tôi không bao giờ thắc mắc trong hai thiên chức đó bà quan tâm gì hơn. Tôi nhận ra rằng bà đã kết hợp hai thiên chức này để trở thành một nhà văn nữ viết cho thiếu nhi, không phải chỉ để các em giải trí mà còn là giải trí lành mạnh, và hơn thế nữa, qua đó giáo dục các em như một người mẹ.

Tác phẩm của mẹ, ngoại trừ các tác phẩm biên dịch hay phóng tác, đều lấy chất liệu từ cuộc sống thật của bà. “Giã từ bóng tối”, “Máu đào nước lã”, “Vượt đêm dài”, “Về thăm thầy cũ”… tưởng chừng như là hư cấu nhưng đều là những câu chuyện có thật. Có lẽ vì vậy, truyện của mẹ tôi không ly kỳ, hấp dẫn, ướt át, nhưng tôi đọc với sự thích thú vì tìm thấy được “người thật việc thật” trong đó. Đặc biệt là những tác phẩm kể chuyện gia đình. Gia đình nào cũng có những kỷ niệm vui buồn và bây giờ nhìn lại, tôi cảm ơn mẹ đã lưu lại cho chúng tôi những kỷ niệm đẹp mà dù được trực tiếp sống, tôi cũng không cảm nhận hết. Chính nhờ “con mắt nhà văn” mà chuyện bình thường cũng thành thú vị; và giờ đây, khi đọc lại, tôi càng thấm thía rằng mình đã có một cuộc sống tốt đẹp biết bao trong bầu không khí yêu thương đó. 

Các con tôi rất thích thú khi đọc tác phẩm của bà ngoại, đặc biệt là các tác phẩm có kể chuyện gia đình tôi. Chúng nó đọc với sự tò mò, thích thú, khúc khích cười khi phát hiện ra “A, mẹ là con Bé, mẹ mách lẻo! …”. Tôi tự nghĩ mình đã may mắn khi có người “vẽ chân dung” gia đình mình, và đó là “di sản” lớn của mẹ để lại cho chúng tôi. Những câu chuyện gia đình, đối với chúng tôi là vô giá, còn với các độc giả khác chắc không chỉ “mua vui cũng được một vài trống canh” vì tôi nhận ra rằng có rất nhiều bài học giáo dục trong ấy. Mẹ tôi không rao giảng đạo đức, không triết lý sâu xa vì, như bà thường tự nhận: bà ít học nhưng tôi nghiệm ra rằng mỗi tác phẩm, mỗi câu chuyện của bà đều có thông điệp giáo dục về tình người một cách chân thật, giản dị nhưng rất sống động.

Trong thực tế, có lẽ cũng giống với khá nhiều văn nghệ sĩ, mẹ tôi không “sống” (theo nghĩa có được thu nhập) bằng nghề viết văn, nhưng ở một ý nghĩa khác, mẹ đã “sống” với nghề của mình hết lòng, đau đáu với nhiệm vụ giáo dục, đặc biệt là giáo dục thiếu nhi, cho đến những ngày cuối của cuộc đời. Tôi thường nghe mẹ ngâm nga câu “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, bà thường hay nhắc đến việc “không được bẻ cong ngòi bút”, bà hay nhắc đến từ “tử tế” mỗi khi dặn dò chúng tôi. Chao ơi, càng sống, tôi càng hiểu rằng để có được hai chữ “tử tế” ấy quả thật không hề dễ dàng, nhưng tôi cũng ý thức rằng phải biết giữ mình trong hai chữ ấy, dù có lẽ chúng tôi cũng phạm không ít sai lầm, không được như mẹ mong muốn…

Và như vậy, mẹ không thể “nuôi” chúng tôi bằng thiên chức cầm bút, nhưng bà đã thực hiện thiên chức làm mẹ bằng cách “dưỡng” chúng tôi trong một bầu không khí gia đình của một nhà văn - nhà giáo dục. Hai thiên chức ấy như “2 trong 1” đã làm nên cuộc đời mẹ tôi, một cuộc đời không quá ngắn cũng không quá dài, nhưng tôi tin rằng đó là cuộc đời có ý nghĩa.

Mẹ tôi thường nói “60 chưa gọi là già, đậy nắp quan tài mới nói được đời người đúng sai con ơi”[3]. Quan tài mẹ đã đóng lại gần 10 năm, nhưng tôi có cảm giác mình vẫn chưa hiểu hết về cuộc đời mẹ. Tôi không quan tâm lẽ đúng sai, bởi vì điều đó rất tương đối. Tôi chỉ thấy rằng, cứ thỉnh thoảng tôi lại “thấm” thêm một điều gì đó từ những câu nói, từ cách sống của mẹ mình, tôi thỉnh thoảng lại nhận ra mình có một câu nói, có một suy nghĩ và một kiểu dạy con như mẹ mình ngày xưa…

Tôi hay nghĩ câu chuyện về hạt giống: những điều tốt đẹp chúng ta đã làm trong cuộc đời sẽ như những hạt giống được gieo trồng, chúng sẽ nằm đó, nảy mầm và phát triển... Vâng, mẹ tôi đã gieo các hạt giống. Những hạt giống ấy đang trong con cháu của bà và ở đâu đó trong lòng độc giả qua các tác phẩm tâm huyết của bà để tiếp tục phát triển. Và như vậy, tôi luôn cảm thấy có mẹ trong cuộc đời.

Vâng, mẹ tôi là một phụ nữ bình thường, nhưng trong mắt tôi, người phụ nữ ấy không tầm thường.


LÊ MINH VĨNH   



[1] Tôi từng thấy những trẻ nghèo vào tiệm
   Đứng đợi chờ thực khách vứt mẩu xương
   Thấy nhiều người chê mỹ vị, cao lương
 Và cũng thấy trẻ đánh nhau vì chút cặn…
Ôi! Những bát phở tô mì sao bỗng dưng hóa đắng?
Mất cả vị mùi, mất đói, mất cả ngon…
(trích bài thơ “Lá thư đô thị” , Minh Quân, 1964)

[2] Mẹ tôi rất ủng hộ việc cho con bú sữa mẹ. Trước đây, khi sinh các anh chị tôi, bà đều nuôi hoàn toàn bằng sữa mình. Nhưng khi sanh đứa con út, bà bị mất sữa. Và trong những ngày đó, mẹ tôi khổ sở, lo lắng rất nhiều. Những trăn trở được mẹ tôi thể hiện trong tác phẩm “Những ngày cạn sữa”. Tác phẩm được giải nhất Giải thưởng văn chương do trung tâm Văn bút Việt Nam trao tặng năm 1965.

[3] Cái quan luận định” (khi đậy nắp quan tài rồi thì mới luận hay hoặc dở).

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2018

Lá Thư Kỷ Niệm


Nhân Quang Võ nhắc tới tác giả Minh Quân, tôi xin chia sẻ một kỷ niệm một bút tích của Chị tôi may mắn còn giữ, được tìm thấy cùng chỗ với mấy bản film tách màu Bìa Tuổi Hoa số Giáng Sinh 229. Thời điểm này chiến sự đang sôi động, tôi dù là lính văn phòng ở Trường Sinh Ngữ Quân Đội, nhưng vẫn phải vào ứng trực ở đơn vị luôn, chỉ ghé tòa soạn nhận bài vở, thư từ mỗi chiều sau giờ tan sở. Thấy lá thư tôi vội gọi điện cho chị, ngỏ ý nhân tiện muốn được làm quen với BS Đỗ Hồng Ngọc, đang rất nổi trong giới học sinh, sinh viên bấy giờ. Bản thân tôi cũng rất ái mộ cái giọng văn hài hước, nhẹ nhàng mà rất chuyên sâu của ông thầy thuốc trẻ này Chị vui vẻ đồng ý ngay, còn thêm : " Hay lắm. Ngọc nó dễ thương lắm em " và hẹn sáng Chủ Nhật chị ghé tòa soạn rồi đi luôn. Tiếc rằng tối thứ 7 đó chúng tôi nhận được lệnh cấm trại 100%, và cuộc hẹn phải bỏ ngõ...

HÀ TĨNH          
(Nguyễn Hữu Thuần)