Ảnh của Trung Võ |
Viết nhân lễ giỗ đầu bác Trường Sơn
Khoảng
1 giờ 30 chiều mình và anh Trần Ngọc Hưởng đáp xe lên SG, đến số 38 Kỳ Đồng dự
lễ giỗ đầu của bác Nguyễn Trường Sơn, một trong những “cây đại thụ” của Tuổi
Hoa. Chuyến đi này mình có “bạn đồng hành”, lại là lần “trở về chốn cũ” nên
mình không thấy hồi hộp lắm nữa. Chỉ có điều là anh Hưởng đổi ý hẹn mình sớm
quá, làm mình chỉ kịp ăn “ba hột” rồi phải vội vã đi ngay, chẳng kịp ngủ nghê
gì. Tại anh cả đấy anh Hưởng ạ!
Đến
nơi thì mới 4 giờ, còn quá sớm – ấy
là anh Hưởng đã đi giải quyết một số việc riêng rồi đó, nếu không còn sớm hơn –
Hai anh em chẳng biết làm gì để giết thì giờ, bèn rủ nhau vào nhà sách Đức Mẹ
tham quan. Thấy mấy cuốn Tuổi Hoa in lại để ngay phía trước quầy, anh Hưởng cao
hứng chọn mua hai cuốn của chị Cam Li, một là Còn dấu chân người còn cuốn kia
là tuyển tập truyện ngắn, bảo rằng hồi xưa anh rất thích truyện ngắn Lão say
của chị – May quá, truyện này có trong cuốn tuyển tập – Chị Cam Li mà đọc được
câu này chắc thích lắm đây!
Vẫn
còn quá sớm, hai anh em tìm chỗ rửa mặt cho bớt buồn ngủ rồi ra quán cà phê đối
diện nhà thờ ngồi đợi. Anh Hưởng kêu hai ly… cam vắt! Kêu xong thì bảo phải hồi
nãy kêu chanh dây uống thì tối sẽ dễ ngủ hơn. Lỡ rồi đành uống nước cam vậy.
Người ta bưng thêm hai ly trà đá, anh Hưởng hỏi mua… hai chai nước tinh khiết
bảo rằng đừng uống nước trà, khó ngủ lắm. Mình không tin, ực hết ly trà đá
luôn! Anh Hưởng vừa uống nước vừa tranh thủ lấy điện thoại đời mới ra lướt web!
Mình thì dựa vào tường, mắt lim dim. Đến khoảng 5 giờ rưỡi thì anh Quyên Di
nhắn tin qua facebook hỏi hai anh em đến đâu rồi. Mình bảo anh Hưởng cứ nhắn là
hai anh em đang cầu bơ cầu bất, lang thang lếch thếch ngoài đường, anh Hưởng
cười rồi… không nhắn. Anh Quyên Di hẹn một lát sẽ tới, hai anh em bèn trở qua
nhà thờ, kiếm chỗ ngồi đợi. Ngó quanh quất không thấy cái ghế nào, mình liền
bảo anh Hưởng là cứ ngồi đại trên bệ xi măng của bồn cỏ ngay cạnh cổng vào, vừa
đỡ mỏi chân vừa tiện việc quan sát. Anh Hưởng đồng ý, thế là hai anh em đến đó
và… ngồi.
Khoảng
gần 6 giờ thì anh Quyên Di tới. Vừa thấy bóng anh là mình nhận ra ngay, bèn gọi
lớn. Anh Quyên Di giật mình quay lại, nhận ra người quen liền vui vẻ đến gần
bắt tay chào đón, hỏi han. Xong rồi anh dẫn bọn mình vào trong tìm địa điểm.
Giữa đường thì gặp một tốp “quí bà”, trong đó mình nhận ra ngay một người quen
là bạn Lan Hoàng mà có lần mình đã nhắc đến trong bài Tuổi Hoa hội ngộ. Thú
thật lúc đó mình tả về bạn ấy là mình cũng “nói mò” thế thôi, chứ nói chuyện có
mấy câu làm sao mà biết chắc được. May thay lần này gặp lại, mình thấy quả là
mình không lầm. Sau vài câu chào hỏi, Lan Hoàng giới thiệu mình với mấy người
bạn là Kim Cương Nguyễn và Hồng Võ. Tưởng ai xa lạ, té ra đều là người quen
biết cả, có điều quen nhau trên facebook thôi chứ chưa gặp bao giờ. Khi mình
ngập ngừng nhắc lại tên hai người thì Hồng Võ vui vẻ bảo mình không chừng là bà
con với nhau từ kiếp nào hổng biết đấy. Còn Kim Cương Nguyễn thì “sửa lưng”
mình về “tội” đọc sai tên. Mình gật gù xin lỗi bụng bảo dạ, chưa gì mà mình đã
có vẻ bị “uy hiếp” rồi!
Cả
bọn cứ thế mà đi theo anh Quyên Di, vừa đi vừa nói chuyện vui như Tết! Đủ thứ
chuyện trên trời dưới biển, cả chuyện bị tin tặc trên facebook tấn công! Nhưng
nhiều nhất vẫn là chuyện Tuổi Hoa. Mà ngộ thiệt, tưởng anh Quyên Di biết rõ địa
điểm không ngờ anh cũng lơ mơ làm mọi người cứ phải theo anh lượn qua lượn lại
không khác gì một đoàn tàu, lâu lâu hình như lại có thêm một “hành khách” nhập
bọn. Lượn tới lượn lui một hồi thì lên đến… lầu hai. Lúc này thì chị Kim Hài
cũng vừa tới, có cả chị Hoàng Mai, vợ anh Trinh Chí đi cùng. Lại tiếp tục những
màn giới thiệu, những câu chuyện vui tưởng chừng không dứt. Chị Kim Hài hỏi
mình sao, có vui không, mình bảo quá vui! Hình như mình nói khá nhiều làm chị
Kim Hài phải thốt lên: năm nay Quang nó chịu “mở khẩu”! Mình cũng tranh thủ gởi
lời hỏi thăm của họa sĩ Đình cho chị Kim Hài và mọi người. Nói chuyện được một
lát thì anh Quyên Di từ dưới đất nhắn vói lên bảo chỗ làm lễ ở tòa nhà bên kia,
thế là cả bọn lại nối đuôi nhau xuống lầu, nhưng lần này thì được đi thang máy,
không phải lượn lờ gì nữa!
Thang
máy đưa mọi người đến một căn phòng được bố trí giống như một hội trường nhưng
nhỏ hơn và được trang hoàng rất ấm cúng với đủ cả nến và đèn. Mọi người được
hướng dẫn tìm chỗ ngồi. Được một lát thì có một anh đến ngồi bên cạnh, anh
Quyên Di hỏi mình có nhớ không. Thấy mình ngơ ngác, anh mới giới thiệu là anh
Dũng Đặng, năm ngoái cũng có đến dự lễ tưởng niệm bác Trường Sơn. Lúc này mình
mới chợt nhớ ra là có nghe anh nhắc đến cái tên Dũng Đặng nhưng do lần trước
thời gian eo hẹp quá nên mình chưa có dịp làm quen. Anh Dũng Đặng lớn hơn mình
hai tuổi nhưng xem ra có vẻ từng trải hơn mình nhiều. Được cái là anh cũng rất
mê Tuổi Hoa nên mình thấy rất hợp. Trò chuyện một hồi thì anh tiết lộ là anh
khá thân với Trung Võ, con trai anh Vi Vi. Lúc này mình mới chợt nhớ ra là
Trung Võ, nhân vật quan trọng của buổi lễ, mà mình có dịp làm quen hồi năm
ngoái, vẫn chưa tới.
Khoảng
bảy giờ thì buổi lễ bắt đầu. Người chủ trì buổi lễ là linh mục Lê Quang Uy,
cũng là người quen cũ. Nội dung buổi lễ ra sao thì anh Quyên Di đã tường thuật
đầy đủ cả rồi, nên mình xin phép không kể lại nữa, chỉ xin nói vắn tắt vài cảm
nhận riêng. Cha Uy, theo ý mình, là người vui tính. Tuy cha lớn hơn mình một
tuổi nhưng trông lại trẻ trung hơn nhiều. Cha có gương mặt tròn, phúc hậu, có
vẻ hơi nghiêm nghị, hơi hơi thôi, nhưng trong cái nghiêm nghị đó lại thấp
thoáng nét tinh nghịch trẻ thơ. Từ khi được biết Cha ngày xưa cũng đã từng viết
cho mục Đồng Cỏ Non của anh Trinh Chí, tự nhiên mình thấy có cảm tình với Cha
nhiều hơn. Ngoài ra, cách xưng hô của Cha với mình chẳng khác gì người trong
nhà khiến mình thấy thật thoải mái, chỉ có mình là nhiều lúc bối rối không biết
phải xưng hô với Cha thế nào cho phải! Bài giảng hôm đó của Cha cũng thật ngắn
gọn, giống như một lời tâm tình hơn – lại thêm một điểm nữa khiến mình thích.
Sau
bài giảng của Cha Uy, là phần phát biểu của anh Quyên Di, nhắc lại mục đích của
buổi gặp gỡ, nhân tiện cùng nhau tưởng nhớ những người từng rất gắn bó với Tuổi
Hoa, nay đã đi xa như cha Chân Tín, bác Minh Quân, anh Trinh Chí… Anh Quyên Di
làm mọi người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi đọc lại bài thơ của bác
Trường Sơn tặng vợ, cùng là thư của cô Bích Thủy và Đỗ Phương Khanh gởi cho
những người có mặt. Bài thơ của bác Trường Sơn thật nồng nàn, còn hai bức thư
còn lại thì thật ân cần khiến cử tọa vô cùng cảm động! Anh Quyên Di vừa dứt lời
thì phía dưới hội trường bỗng vang lên bài hát “Gọi người yêu dấu” mà anh Quyên
Di mới vừa nhắc đến, bảo là bác Trường Sơn rất thích. Mọi người cùng ngạc nhiên
quay lại nhìn: thì ra, một ban “tứ ca” đầy ngẫu hứng do anh Dũng Dalat “cầm
đầu” đang biểu diễn thật say sưa. Lại thêm một bất ngờ thú vị nữa!
Buổi
lễ kết thúc bằng nghi thức thắp nhang tưởng niệm do Cha Uy, anh Quyên Di và
Trung Võ đồng phụ trách hướng dẫn (À mình quên nói, Trung Võ đến từ nãy giờ,
ngồi ở ngay lối đi, vẻ nghiêm trang. Một lát thì hình như có ai đó nhắc đến
mình, anh chàng nhìn qua mình cười cười, ra vẻ có quen). Mình nhận nhang từ tay
Trung Võ, nói thật nhỏ hai tiếng cám ơn, sợ làm kinh động bác Trường Sơn đang
ngồi trước mặt. Thắp nhang xong thì vẫn còn khá sớm, mới hơn 8 giờ, mọi người
có thời gian hàn huyên tâm sự. Mình tranh thủ làm quen chị Hoàng Mai và nói
chuyện với chị Kim Hài ngồi ở phía trên. Chị Hoàng Mai trông chẳng khác gì bao
nhiêu so với hình trong ảnh cách nay 26 năm mà mình đã post trên facebook, cả
chiếc áo chị mặc cũng giống nữa. Chị Kim Hài tiết lộ với mình là nhà chị Hoàng
Mai có đầy đủ các số Tuổi Hoa, còn chị Hoàng Mai thì cho mình cả địa chỉ nhà và danh tính của con
trai, hứa sẽ nói với con trai chị cung cấp “tài liệu” cho mình khi mình có yêu
cầu. Mình khấp khởi mừng, cố gắng ghi nhớ mọi thứ trong đầu, chờ cơ hội.
Thoáng
cái đã đến giờ “chiêu đãi”, Cha Uy mời tất cả qua phòng ăn. Đến lúc này mình
mới nhận ra sự có mặt của Thanh Trúc, cô bạn Tuổi Hoa “rất là quen” mà năm
ngoái đã vô cùng tiếc rẻ vì đã không tham dự được buổi lễ tưởng niệm bác Trường
Sơn, do “sếp” không cho nghỉ! Mình hỏi sao giờ này mới đến, Trúc trả lời em có
nhắn với chú Quyên Di là em đến trễ rồi mà. Qua tới phòng ăn, cô nàng lại tiếp
tục câu chuyện bằng câu hỏi quen thuộc: anh có mua được cuốn Tuổi Hoa nào mới
không. Mình bảo có mấy cuốn mà cũ xì. Rồi Thanh Trúc hỏi một câu mà mình biết
chắc là ai cũng nhận ra mà không tiện hỏi: Sao dạo này thấy anh hốc hác quá
vậy. Mình mới trả lời mình bị bệnh mới khỏi. Thanh Trúc không chịu buông tha, vặn
vẹo tiếp: cứ mỗi lần gặp anh là lại nghe anh bịnh. Cô nàng thẳng tính thật, cứ
nghĩ gì là nói nấy chẳng sợ mất lòng, nhưng mình lại thích người như vậy mới
chết chứ! Mình bảo cảm sơ thôi, rồi một lát sực nhớ, mình thêm: biết tại sao
không, cả ngày nay cứ đi suốt, có được nghỉ ngơi chút nào đâu.
Sau
khi đã an tọa, mọi người bắt đầu “nhập tiệc”. Nói tiệc cho vui chứ thật ra chỉ
là những món ăn bình thường thôi nhưng được trình bày rất đẹp và khéo léo Tổng
cộng có hai bàn bên nam bên nữ. Đặc biệt lần này không có ai ra về sớm, có lẽ
một phần cũng nhờ trời đang mưa! Tới đây mình lại có dịp bắt chuyện với anh
Dũng Dalat, là người mình mới kết bạn trên facebook hôm trước thôi, qua “môi
giới” của anh Trần Văn Nghĩa, một cây bút rất quen thuộc của báo Tuổi Ngọc xưa.
Anh Dũng chắc lớn tuổi hơn mình, nhìn có vẻ rất phong trần, lãng tử. Qua câu
chuyện, mình thấy anh không chỉ rất am hiểu Tuổi Hoa mà còn… hơn thế nữa, am
hiểu rất nhiều vấn đề, đặc biệt là khoản văn nghệ văn gừng! Nói chuyện với anh
được một chút thì có hai người bên bàn nữ chuyển qua do bên đó hơi đông. Một
trong hai cô kéo ghế ngồi xuống ngay kế bên mình, thế là mình lại có dịp bắt
chuyện làm quen. Cô mặc chiếc áo dài màu xanh ngọc, trông nổi bật ngay từ khi
mới bước vào. Mình hỏi thì được biết tên cô là Hoàng Lan, còn khá trẻ mà đã đọc
rất nhiều Tuổi Hoa và nhớ vanh vách nội dung các truyện. Cô nhắc lại các yêu
cầu về Tuổi Hoa đã nêu trên mạng, mình hứa sẽ đáp ứng nếu không ngoài khả năng.
Trong bữa ăn, những câu chuyện có liên quan đến Tuổi Hoa được gợi lại với nhiều
hứng khởi. Cha Uy kể vài câu chuyện có liên quan đến anh Vi Vi rất vui, rất
tiếc là mình không nhớ được chi tiết, chỉ cảm nhận được rất rõ một điều là mọi
thứ diễn ra thân mật, ấm áp như một gia đình!
Mãn
tiệc là một màn xin chữ ký cực kỳ vui! Mở màn là Thanh Trúc với cuốn Thoáng Mây
Bay đã mang theo sẵn mời anh Quyên Di ký. Hôm trước khi đi Trúc có nhắn mình,
mình hỏi có màn xin chữ ký không, cô nàng giả đò ngây thơ nói: em không biết!
Nhưng mà mình biết tỏng cô nàng không bao giờ bỏ qua vụ này. Quả đúng như mình
dự đoán, thế là thỏa ước mơ rồi nhé! Mình cũng không bỏ lỡ cơ hội lấy ra cuốn
Người Dưng Khác Họ bìa rất đẹp, nói chị Kim Hài là chị ký cho em thật là bay
bướm đấy nhé! Xong rồi mình bảo cuốn sách này giá một trăm, có chữ ký của chị
là giá tăng gấp đôi. Hồng Võ đứng bên cạnh bảo gì mà gấp đôi, phải gấp mười lần
ấy chứ. Mình cười lớn bảo có ai mua cuốn này giá gấp mười không mình bán luôn,
mọi người lảng đi hết! Chỉ có Hoàng Lan là thích thú mượn ngay cuốn truyện của
mình để ngay trước ngực, “trang trí” cho tấm ảnh chụp chung với chị Kim Hài.
Mình bảo cẩn thận đấy nhé, kẻo hư hết cuốn sách quý của mình.
Lưu
luyến mấy rồi cũng phải đến lúc chia tay. Khi ai nấy chuẩn bị ra về thì trời
bỗng đổ mưa lớn hơn khiến mọi người phải ra mái hiên đứng chờ, nhờ đó mà lại có
thêm thì giờ hàn huyên tâm sự. Đến tận lúc này mình mới có dịp bắt chuyện với
Trung Võ, lúc này đang đứng đợi tạnh mưa. Năm nay anh chàng có vẻ gầy hơn năm
ngoái, nhưng vẫn thân thiện như xưa, mà không, hơn xưa nhiều chứ, “quen biết”
nhau cả năm rồi còn gì! Mình có lời xin lỗi vì đã đăng một tấm hình của anh
chàng mà không xin phép. Trung Võ cười bảo có gì đâu anh, hình em post lên coi
như là của chung rồi, anh cứ xài thoải mái, chẳng cần phép tắc gì đâu. Mình bảo
thì cũng phải xin phép cho lịch sự chớ, mặc dù thật ra là mình chẳng lịch sự
chút nào! Thấy anh chàng cho số điện thoại chị Phương Mai, nghe nói cũng là một
cây bút nổi tiếng, mình không bỏ lỡ cơ hội “ăn theo”. Trung Võ ngạc nhiên hỏi
anh vẫn chưa có số của em à. Mình bảo năm ngoái có cho Trung số của anh, về nhà
thấy có một số lưu lại, tưởng là của Trung mà sao bây giờ thấy khác hẳn, chắc
là không phải rồi. Trung Võ liền cho mình số của anh chàng, lại còn phải mất
công bấm vào máy cho mình vì mắt mình kém quá, lại không quen xài di động. Xong
rồi mình mới “quảng cáo” cho Trung Võ biết là mình dự định đăng truyện tranh
đầu tay của anh Vi Vi trên báo Tuổi Hoa, dặn anh chàng nhớ đón coi, nhưng lại
thêm một câu “chết người”: mà nói trước nghe, truyện không hay lắm đâu. Mình
đúng là có cái tật đùa dai không bỏ được! Trước khi chia tay, mình hẹn Trung Võ
khi nào có dịp sẽ ghé thăm nếu anh chàng cho phép, Trung Võ đồng ý ngay. Rồi
Trung Võ tạm biệt ra về vì mưa đã ngớt, còn mình thì cảm thấy rất vui, có cảm
giác như vừa được trò chuyện với anh Vi Vi, thần tượng của mình vậy (nhưng là
anh Vi Vi hồi còn trẻ thôi, hi hi!). Thật tiếc là lần này anh chàng không dẫn
bé Na theo!
Ngó
tới ngó lui thì mọi người đã ra về hết, chỉ còn lại bốn người là anh Hưởng, chị
Phương Mai, anh Quyên Di và mình. Lúc này chắc đã hơn 9 giờ tối. À, mình quên
chưa kể là anh Quyên Di, khi biết anh Hưởng và mình không thể về nhà vào giờ đó
vì không còn xe, đã chu đáo đặt trước phòng khách sạn cho hai anh em, tất nhiên
là chi phí anh lo hết. Cũng may là anh Quyên Di và chị Phương Mai có dù, thế là
bốn người che chung nhau hai chiếc dù, dắt díu nhau ra cổng. Bàn tán một hồi,
một người gọi hai chiếc
tắc xi. Được một lát thì tắc xi đến, chị Phương Mai lên chiếc đầu tiên. Đến lúc
này mình mới tận mắt chứng kiến phong thái “ga-lăng” của anh Quyên Di, anh cầm
dù che cho chị Phương Mai, đưa chị ra tận nơi, mở cửa cho chị lên rồi trả dù
cho chị, chẳng "thèm" quan tâm gì đến chuyện mưa rơi không ngớt trên đầu. Xong rồi anh
tỉnh bơ quay vào, không hề biểu lộ bất kỳ hành động hay cử chỉ nào cho thấy là
mình bị ướt!
Rồi
chiếc tắc xi thứ hai cũng đến, ba anh em lần lượt leo lên. Khách sạn anh Quyên
Di đặt phòng nằm ở đường Phạm Ngũ Lão, cũng là nơi anh Quyên Di trọ, khá gần mà
xe chạy mãi không thấy tới. Trong khi chờ đợi ba anh em lại tiếp tục hàn huyên.
Anh Quyên Di vui miệng kể nhiều câu chuyện về Tuổi Hoa, về những ngày làm báo
xa xưa, đủ chuyện vui buồn mà không phải ai cũng có may mắn được biết. Cuối
cùng thì xe cũng đến. Từ trước đến giờ đường Phạm Ngũ Lão vẫn nổi tiếng là khu
phố dành cho người nước ngoài, nay mình mới có dịp vào tận nơi, nhưng mà cũng
như không vì lúc đó đã khuya, lại chỉ ngó phớt qua một chút là phải chui vào
khách sạn. Khách sạn này là nơi anh Quyên Di thường xuyên lui tới mỗi khi anh
về nước nên có vẻ rất quen thuộc với anh. Anh Quyên Di ở tầng hai, còn mình và
anh Hưởng ở tầng bốn. Nhận phòng xong, anh Quyên Di chào tạm biệt, hẹn ngày mai
sẽ dẫn hai anh em đi ăn sáng một chầu “hoành tráng” trước khi chia tay.
Phòng
hai anh em ở có cửa kính nhìn xuống đường, có hai giường, có tủ lạnh, ti vi,
máy lạnh… nói chung là khá tươm tất. Vào phòng một lát thấy nóng quá, hai anh
em thay phiên nhau đi tắm cho mát. Tắm xong thì vẫn còn nóng, thấy phòng có máy
lạnh, mình và anh Hưởng tìm cách mở lên cho nó sang! Kể cũng hơi tức cười, từ
trước tới giờ mình có xài máy lạnh bao giờ đâu, thành ra loay hoay mãi mới mở
được. Mình nhớ là dự báo thời tiết trên ti vi nửa đêm 25 độ thì cũng khá nóng
nên mình bấm số 22, cũng không thấy mát gì, nhưng anh Hưởng bảo là một lát sẽ
lạnh đấy. Rồi cả hai lên giường, lúc đó đã hơn 10 giờ đêm. Mình nhường cho anh
Hưởng cái giường to, nói đùa một câu rất cải lương là phận thấp hèn em xin nhận
lấy phần nhỏ mọn! Được một lát thì nghe tiếng anh Hưởng ngáy đều, biết là tâm
anh đã an lạc lắm rồi. Riêng mình thì vẫn trằn trọc không ngủ được, không biết
vì lạ chỗ, vì những sự kiện đáng nhớ hồi hôm, hay là vì ly trà đá hồi chiều. Có
lẽ là vì cả ba. Đến nửa đêm thì bắt đầu thấy lạnh, nhưng mình cứ kệ, nằm trùm
mền lan man nghĩ ngợi vẩn vơ, bên ngoài vẫn còn nghe thấy tiếng rao hàng lanh
lảnh của ai đó vọng vào. Gần sáng thì nghe có tiếng gì tong tóc như tiếng giọt
nước rơi, mình ngóc đầu dậy xem, thì ra anh Hưởng đã thức dậy tự hồi nào, đang “đi dạo” trên facebook! Hình
như mình cũng có chợp mắt được chút xíu, nhưng mà cũng như không vì gần đến
sáng rồi mà mắt mình vẫn ráo hoảnh, biết là lát nữa thế nào cũng “trình diện”
anh Quyên Di với bộ mặt của thằng “tù sút xiềng” – chữ của má mình khi còn sống
hay dùng – nhưng mình cũng không quan tâm lắm, vì mình đang vui!
Khoảng
5 giờ sáng, hai anh em đánh răng, rửa mặt qua loa, anh Hưởng làm vài động tác thể dục cho
giãn gân cốt. Xong xuôi thì anh Quyên Di gọi lên bảo chuẩn bị đi ăn sáng, nói
thêm là có cả một vị khách quý cùng đi. Hai anh em đi thang máy xuống tầng trệt
thì thấy anh Quyên Di đang đứng chờ, cùng với bạn Hạnh Ngô. Tưởng ai chứ Hạnh
Ngô thì mình cũng có làm quen hôm qua, cũng là một người rất mê Tuổi Hoa, nhưng
mà mình quên mất không nhắc đến. Anh Quyên Di hỏi quầy tiếp tân chỗ ăn sáng,
rồi cả bọn kéo nhau đi, sau khi gởi lại chìa khóa phòng. Bốn người vừa đi vừa
nói chuyện râm ran. Thật buồn cười, Hạnh Ngô cứ tưởng mình cũng là cây bút “gồ
ghề” của Tuổi Hoa! Chắc là thấy mình đi với một nhà thơ nổi tiếng, lại thấy mặt
mình lúc đó chắc cũng “không đến nỗi” trẻ! Mình phải giải thích là lúc đó mình
còn nhỏ lắm, cũng có “uống thuốc liều” viết bài gởi cho trang Khu vườn Hạnh
Phúc của Tuổi Hoa và được đăng đúng một bài! Vì bài đó “quá hay” nên không dám
phổ biến. Nói đùa thôi mà Hạnh Ngô vẫn ngây thơ, nói sao hay mà lại không phổ
biến. Mình lại phải một lần nữa giải thích rằng thì là đó là thơ con nít, đọc
rất buồn cười, chẳng đáng đưa lên đâu.
Đi
lòng vòng một hồi thì tới một tiệm mì, tên tiệm là gì mình không nhớ nhưng nghe
nói là rất ngon. Sau khi an tọa rồi anh Quyên Di thay mặt mọi người gọi món.
Trong khi chờ đợi mình tranh thủ xin chữ ký anh Quyên Di. Nhìn thấy cuốn Thoáng
Mây Bay mới toanh của mình, anh Quyên Di trầm trồ không ngớt, ngắm nghía một
hồi lâu mới chịu lưu nét bút “bay bướm” của anh vào. Sau đó bốn người vừa ăn
vừa nói chuyện thật là rôm rả. Mình vui miệng tiết lộ một sự thật là từ nhỏ
mình đã không có thói quen ăn sáng vì có bao nhiêu tiền quà sáng đều phải để
dành mua Tuổi Hoa. Anh Quyên Di cười vui vẻ, còn anh Hưởng thì bảo hèn gì mà ốm
nhom đến tận bây giờ. Anh Quyên Di còn thêm, anh em mình đều xứng đáng đại diện
cho hãng tăm tre! Trong câu chuyện, tình cờ anh nhắc đến một bài hát rồi cao
hứng cất giọng hát luôn tại chỗ! Nói về giọng “oanh vàng” của anh thì mình đã
có dịp thưởng thức hồi năm ngoái rồi, nhưng lần đó anh đứng hơi xa, còn bây giờ
anh ngồi ngay trước mặt mình, nên mình nghe rất rõ, phải công nhận là anh hát
hay thật. Anh còn kể nhiều chuyện lắm
nhưng mình chịu, không tài nào nhớ nổi, chỉ nhớ câu kết luận của anh: Hôm nay
thật là vui. Sau đó Hạnh Ngô đề nghị chụp một tấm hình làm kỷ niệm, anh Quyên
Di nhờ một nhân viên trong quán giúp. Mình rụt cổ, úp mặt vào tay nói rằng hình
mà có em thì hỏng hết tấm hình. Nhưng mà cuối cùng cũng đành phải để cho anh
bạn kia chụp. Chụp xong anh Quyên Di đưa cho mình coi, bảo là hình đẹp đấy chứ
xấu chỗ nào. Mình thì khỏi nhìn cũng biết là anh nói phỉnh, vì mình có nhiều
kinh nghiệm về chuyện này lắm rồi.
Cuối
cùng thì giờ chia tay cũng đến, hai bên nói lời tạm biệt nhau, anh Quyên Di và
Hạnh Ngô về lại khách sạn, còn anh Hưởng và mình đi đến trạm xe buýt đứng chờ. Anh
Hưởng sau một đêm ngủ ngon có vẻ rất tươi tắn, còn mình thì cả đêm mất ngủ nên
người cứ lơ mơ, định bụng lên xe sẽ chợp mắt một chút cho đỡ mệt. Nhưng sau khi đã yên vị trên xe rồi, thì
lại không tài nào “nhắm mắt” được. Hai anh em lại bàn tán sôi nổi về chuyện
ngày hôm qua. Anh Hưởng có vẻ hài lòng về chuyến đi này lắm. Chứ sao! Mấy chục
năm mới được trở lại chốn xưa, gặp lại bạn hiền thuở còn đầu xanh tuổi trẻ, đâu
phải chuyện thường. Một lát cao hứng anh còn mua cả vé số tặng mình! Đến lúc
ngồi viết bài này, tờ vé số mình vẫn chưa dò, nhưng chắc là trật rồi vì nếu
trúng thì anh Hưởng đã báo mình biết, vì "số" của hai anh em giống hệt nhau. Trò
chuyện vui quên cả thời gian, xe đến nơi lúc nào không hay, hai anh em chia
tay, ai về nhà nấy sau khi hẹn nhau sẽ ghé Tây Ninh thăm một người bạn cũ của
anh vào một ngày nào đó đẹp trời!
Về
đến nhà, mình cũng định viết ngay một bài tường thuật lại chuyến đi cho “sốt
dẻo”, nhưng vì quá mệt lại còn phải giải quyết một số công việc còn bỏ dở hai
ngày qua nên ý định vẫn chưa thực hiện được. Đến hôm nay, sau khi cảm xúc đã
lắng lại rồi, mình có thời gian bình tâm ngồi nhớ lại những chuyện đã qua. Có
ba người vắng mặt lần này là anh Hà Tĩnh, anh Nguyễn Thái Hải và con gái bác
Minh Quân khiến cho niềm vui của mình không trọn vẹn. Mình định hỏi anh Hà Tĩnh
một vài việc riêng, xin phép anh Hải cho mình đăng lại một đoạn trong bài Con
ếch ngắm trăng của anh và hỏi con gái bác Minh Quân về cuốn Tên tài xế… mà bạn
ấy hứa tìm giúp. Nhìn bạn ấy mình lại nhớ đến bác Minh Quân, chắc bác cũng
không ngờ là con Bé Út “già xọm” mà bác mô tả trên báo ngày xưa nay đã thành
một “quý bà” xinh đẹp! Mình cũng định xin cả chữ ký của anh Hà và anh Hải nữa,
vì các anh luôn là thần tượng của mình mà. Nhưng đó không phải là tất cả. Điều
quan trọng nhất là mình rất mong gặp lại những người trong gia đình Tuổi Hoa,
mà mình đã trót coi là thân thiết! (mặc kệ ai nói là mình cứ thấy người sang là
bắt quàng làm họ!) Bù lại, mình được làm quen với chị Hoàng Mai, vợ anh Trinh
Chí và nhiều bạn mới. “Thành quả” của mình sau chuyến đi thật là khiêm tốn, chỉ
có hai chữ ký của chị Kim Hài và anh Quyên Di làm kỷ niệm. Nhưng mà thôi, bao nhiêu đó cũng đủ rồi, còn
đòi hỏi chi hơn!
Còn
một điều nữa mà đã làm mình áy náy không ít là suốt chuyến đi, mình đã không
cảm ơn anh Quyên Di được lấy một câu, trong khi anh đã lo lắng cho mình và anh
Hưởng thật chu đáo, không thiếu thứ gì! Nên nhân đây, mình cũng xin gởi lời cảm
ơn muộn đến anh Quyên Di vì tất cả những gì anh đã làm cho anh Hưởng và mình,
cho bác Trường Sơn và cho tất cả thế hệ Tuổi Hoa nữa, anh thật là người chu toàn
hiếm có! Mình cũng xin cáo lỗi tất cả các bạn mà mình đã nhắc đến trong bài này
nếu có gì làm các bạn không hài lòng, những
bạn nào mình đã tiếp xúc mà mình không nhắc đến, vì mình không thể nào
nhớ hết. Các bạn thông cảm cho mình nhé. Mình sẽ không quên các bạn đâu!
Viết đến đây, bất giác, mình nhớ lại bốn câu thơ của Tôn Nữ Hỷ Khương mà tối
hôm ở khách sạn mình đã đọc cho anh Hưởng nghe:
Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
Cuộc đời như nước chảy mây trôi
Lợi danh như bóng mây chìm nổi
Chỉ có tình thương để lại đời…