Thứ Hai, 8 tháng 8, 2016

Tuổi Hoa - Tuổi Học Trò

Bìa Tuổi Hoa số 147 (Nguồn : Đèn Biển)


Cô bé học trò ngập ngừng bước nhỏ.
Áo trắng nhẹ nhàng vướng bước em đi…
.*
                                                     (Khuyết danh)

Đó là hình ảnh của tôi. Của những cô bé học trò với tâm hồn còn trinh nguyên như tờ giấy trắng. Mỗi sáng ngoan ngoãn, hồn nhiên cắp sách đến trường, không hề vướng bận một chút ưu tư. Tuổi học trò của tôi đã gắn liền với Tuổi Hoa qua những bài văn, bài thơ xanh mướt tình yêu thương của cha mẹ, của thầy cô rất kính và anh chị, bạn bè thân thương. Để những khi hồi tưởng lại những năm tháng nhỏ dại hồn nhiên, những chuỗi ngày hoa bướm đẹp tuyệt vời ấy – tôi vẫn thường ví von: “Tuổi Hoa một bên và em (học trò) một bên….”

Trước năm 75 Tuổi Hoa là một trong những tờ báo thiếu nhi nổi tiếng nhất ở miền Nam Việt Nam. Nổi tiếng vì ngoài hình thức xinh đẹp với những bìa báo của họa sĩ Vi Vi, Tuổi Hoa còn có một nội dung phong phú với tính giáo dục cao. Cái thuở mà đám học trò nhỏ chúng tôi say mê theo dõi Tiếng Chuông Dưới Đáy Biển của bác Trường Sơn, Chiếc xe Thổ Mộ của cô Bích Thủy… Có đứa còn dám “hy sinh” cả tiền ăn sáng, tiền quà vặt chờ đến ngày đầu tháng và giữa tháng đ̉ể “rinh ” cho được… em Tuổi Hoa yêu dấu của mình về nhà hay hãnh diện khoe với bạn bè.

Phong phú vì ngoài những truyện dài, truyện ngắn của các nhà văn nổi tiếng Tuổi Hoa còn những mục đặc biệt, hợp với từng lứa tuổi của học trò:

Tuổi Hoa Lai Rai do anh Hoàng Đăng Cấp phụ trách, giải đáp tất cả mọi chuyện trên trời dưới biển cho những cô cậu học trò ưa “théc méc”.

Thích mơ mộng, thả hồn ra khỏi lớp, hay diễn đạt tình yêu quê hương, gia đình, trường lớp, bạn bè… xin mời bước vào Vườn Thơ Tuổi Hoa do anh Quyên Di phụ trách.

Phe kẹp tóc chúng tôi thích… điệu điệu thì chúi mũi vào mục “Trang Tóc Dài” của chị Hồng Hạnh và Mỹ Thanh để “nghiên cứu” về những mẹo vặt làm đẹp, làm bánh, bếp núc, v.v…

Phe húi cua có lẽ thích mục Dzíc Dzắc của anh Hà Tĩnh (sau này là anh Trang Vy rồi chị Tạ thị Hoàng Mai phụ trách) hơn.

Em út của gia đình Tuổi Hoa là mục Đồng Cỏ Non của anh Trinh Chí. Tôi thích mục này nhất vì rất hợp với một “mầm non văn nghệ” như tôi thuở ấy – cái thuở ngô nghê, vụng về – Mơ làm thi sĩ. Sau này khi anh Trinh Chí không còn cộng tác với Tuổi Hoa thì Đồng Cỏ Non trở thành Khu Vườn Hạnh Phúc do anh Nguyễn Thái Hải chăm sóc mà cô bạn Thương Nga của tôi thường thích tham gia với các mục Ô chữ.

Tuổi Hoa cùng chúng tôi lớn dần theo năm tháng…

Theo nhu cầu của độc giả, bên cạnh bán nguyệt san Tuổi Hoa chúng tôi bắt đầu thấy xuất hiện Tủ Sách Tuổi Hoa với các loại sách Hoa Xanh, Hoa Đỏ và đặc biệt là Hoa Tím – dành cho Tuổi Học Trò mới lớn với những tình cảm mộng mơ như… Thoáng Mây Bay

Lúc này anh Quyên Di lên làm Thư ký tòa soạn thay bác Trường Sơn – giữ chức Chủ bút – để bác có thời gian chăm sóc Tủ Sách Tuổi Hoa.

Số lượng độc giả của Tuổi Hoa ngày một tăng. Mỗi chiều thứ bảy tòa soạn báo đông đúc, nhộn nhịp hơn, rộn rã tiếng cười nói của các anh chị ban biên tập, chen lẫn tiếng cười đùa hồn nhiên của các Hoa Học Trò. Thế là tòa báo quyết định xây lầu. Phòng sinh hoạt Tuổi Hoa dời lên trên – rộng rãi, thoáng mát hơn.

Bây giờ mỗi lần đến tòa soạn, tôi không còn phải đi ngang phòng Cha Chân Tín và bác Trường Sơn nữa mà đi vòng ra phía sau – một khoảng sân nhỏ đậu xe, cạnh đó là chiếc cầu thang đi thẳng lên phòng sinh hoạt của Tuổi Hoa. Ở đây chúng tôi thoải mái trò chuyện, đùa nghịch. Lúc này tôi không còn sợ bác Trường Sơn nữa. Nhưng khoảng cách giữa bác và tôi vẫn không gần gũi, thân mật hơn, có lẽ vì vẻ nghiêm nghị, đạo mạo, ít nói của bác làm tôi ngại ngùng. Sau này những lần gặp tôi đang lăng xăng giúp các anh chị trong tòa soạn chuẩn bị cho các công tác xã hội, cứu trợ… bác chỉ đưa mắt nhìn tôi trìu mến. Không còn cái gõ nhẹ vào đầu, không còn “cái con bé này…” nữa. Tôi thầm hiểu “con bé Tuổi Hoa” rụt rè, ngớ ngẩn ngày nào nay đã… lớn – chả là tôi cũng đã thành “cô tú ” rồi.

Người ta thường cho rằng Tuổi Học Trò là tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Tuy sống trong thành phố yên bình, hạnh phúc không tiếng súng, đạn bom nhưng chúng tôi không phải chỉ biết học hành, mộng mơ. Đêm đêm trong tiếng kinh cầu của mẹ cho những người thân, đồng bào ở những vùng khói lửa, những buổi đi ủy lạo chiến sĩ, cứu trợ nạn nhân chiến cuộc, cô nhi… ở nhà trường. Chúng tôi cảm nhận được chiến tranh đang hiện hữu trên quê hương mình. Rồi chiến tranh cũng tràn tới Tuổi Hoa – những người lính thi sĩ của Tuổi Hoa như Vũ Chinh, Đỗ Tư Long (Trần Miên Trường), Trang Vy… đã sớm từ giã cõi đời, từ giã tuổi hoa niên diễm tuyệt khi còn rất trẻ.

Trong mối duyên văn nghệ tôi không thân thiết với anh Quyên Di – người giữ mục Vườn Thơ Tuổi Hoa. Nhưng khi sinh hoạt trong các công tác xã hội của Tuổi Hoa anh là người tôi gần gũi và khâm phục nhất. Chúng tôi thường thân mật gọi anh là “anh Quyên”.

Anh Quyên Di lúc ấy dạy học ở trường Nguyễn Bá Tòng, sinh hoạt thường xuyên trong các đoàn thể, tổ chức công tác xã hội của trường với tất cả nhiệt tâm, cởi mở, chân thành và tín nhiệm nên ở anh, tôi tìm thấy sự cảm thông của những người trẻ phục vụ.

Ngày anh từ giã Tuổi Hoa, từ giã chúng tôi để ra làm báo Ngàn Thông tôi rất buồn và hụt hẫng. Tuy không còn gặp gỡ anh thường xuyên nhưng tôi tin rằng anh sẽ là người suốt đời thực hiện lý tưởng Phục Vụ, như câu nói của văn hào Tagore mà anh đã ghi trong Lưu bút Tuổi Hoa của tôi: “Tôi nằm mơ và thấy cuộc đời là sung sướng. Tôi thức dậy và tôi thấy cuộc đời là Phục Vụ. Tôi đã Phục Vụ và tôi đã thấy sung sướng“.

Tuổ̉i Hoa – Tuổ̉i Học Trò của tôi bây giờ chỉ còn là dĩ vãng vàng son. Khi tôi đang trở về với khu vườn quá khứ ngát hương kỷ niệm này thì được tin anh Quyên Di từ Mỹ đã trở về Việt Nam để cùng các anh chị Tuổi Hoa ở đây tổ chức ngày giỗ đầu của bác Trường Sơn – người sáng lập và là cây “đại thụ” của Tuổi Hoa, ngay tại địa chỉ quen thuộc: số 38 Đường Kỳ Đồng, Quận 3, Saigon.

Bác Trường Sơn đã mất đúng một năm nhưng tôi chưa bao giờ có cảm giác xa bác như từ sau biến cố 75, Tuổi Hoa tan tác và tôi chưa một lần gặp lại bác.

Nhìn di ảnh bác lòng tôi như được thắp sáng một niềm vui – Thưa bác, con cám ơn bác – Tuổi Học Trò của chúng con có bác, có Tuổi Hoa…

Trần Thị Hậu 
Tháng 8 / 2016

* Ghi khuyết danh vì, rất tiếc, tôi không nhớ tên tác giả (TTH)