 |
Tòa soạn 38 Kỳ Đồng trong nắng sớm (Nguồn : Trung Võ) |
Phải
bắt đầu từ cuốn vần. I, tờ, tờ i ti... Lớp năm theo học với Cô Danh ở Trường
Cấp Tiến, Bà Chiểu. Mỗi ngày đi học làm rách một cuốn vần. Tuần lễ đầu, Mẹ
Em Ti phải đưa vào gặp Cô Danh. Thì ra Em Ti ngồi gần nhóm bạn phá quá, cứ
nhè cuốn vần của Em Ti mà xé để xếp máy bay...
Nhưng
cũng nhờ cuốn vần Em Ti biết đọc sớm lắm. Biết đọc rồi, Em Ti đọc đủ
thứ. Thư viện bỏ túi của nhà có nhiều tạp chí: Phổ Thông, Bách Khoa, và
những bộ sách dầy Thuỷ Hử, Đông Châu Liệt Quốc, Tam Quốc Chí, Thuyết Đường, Văn
Đàn Bảo Giám, Kim Vân Kiều… Nhiều lắm vì Cha Em Ti muốn các con
được đọc sách. Em Ti đọc sách bỏ ngủ giấc trưa, bị rầy hoài.
Khoảng thời gian lớp ba, lớp nhì ( lớp bốn sau nầy ), mấy anh em trong nhà bắt đầu
thích đọc truyện tranh vẽ Lucky Luke, anh em nhà Dalton, báo phụ trương
Bé Ngôn Bé Luận, báo tuần Tuổi Trẻ... Chiều nào cũng chờ giúp Chị Hạnh
bán sạp báo, xếp báo cho chị để được đọc báo mà không phải mua. Lúc vô
lớp Nhất, vì phải lo học để thi Bằng Tiểu Học và thi tuyển vô Đệ Thất Lê
Văn Duyệt Em Ti ít đọc báo ké. Chừng thi đậu Lê Văn Duyệt rồi, ba tháng
hè Em Ti
được tha hồ đọc sách: Ngọc Cam Ngọc Khổ, mấy chục quyển tiểu thuyết của
ông Cậu, bà Dì, Hai Chuyến Xe Hoa, Đôi mắt người xưa... Đọc hết. Chừng
tựu trường, Em Ti được Cha đưa cho một chồng TUỔI HOA khoảng chục cuốn.
Em Ti nằm quay xuống sàn gạch những trưa Chủ Nhật mà đọc say mê. Đọc
không sót một chữ. Anh Hai của Em Ti học ở trường Đạt Đức, anh về khoe
Thầy Toán của Anh là Thầy Hoàng Đăng Cấp. Thầy của anh phụ trách mục
Khoa học trong báo Tuổi Hoa. Mấy anh em xem chung một số báo, thay
phiên nhau đọc, chờ nhau đọc nóng ruột. Anh Hai lớn nhất lại là người bỏ
tiền
quà mua báo nên được đọc trước nhất. Tuần tự sau đó các em cùng châu đầu
đọc thiệt hết. Từng truyện, từng đoạn, từng chữ thấm vào đem theo biết
bao điều hay, lẽ phải. Em Ti nhớ những cách trả lời thật hay, thật lễ
phép,
chính xác, có lý, có tình. Anh Hai của Em Ti nhớ hoài bài văn thật hay
của Thầy Hoàng Đăng Cấp nhắc về bài ca Những Ngày xưa Thân Ái của Nhạc
Sĩ Phạm Thế Mỹ để khóc thương một người bạn của Thầy hy sinh trong cuộc
chiến. Mấy anh em nhớ mãi câu “Uống nước dừa hay nước mắt quê hương...”
Tờ Tuổi Hoa trở thành ngàn trang ước mơ, ngàn chương vàng ngọc của
quyển sách mang tên Thời Gian Thần Kỳ. Bên cạnh Tuổi Hoa, mấy anh em sau
nầy được Anh Hai mua cho đọc biết bao truyện vừa của Tủ Sách Tuổi Hoa. Tuổi Hoa
Đỏ, Tuổi Hoa Xanh, Tuổi Hoa Tím: Tiếng Chuông dưới đáy Biển, Chiếc Xe Thổ Mộ,
Chiếc Lá Thuộc bài, Khi về dưới bóng cây...
Cùng với Kim Văn, Cổ Văn, tiểu thuyết Luận Đề Tự Lực Văn Đoàn, Việt Nam Thi
văn Hợp Tuyển, truyện Kiều... Rồi đến Triết học, Tâm lý học, Luận lý học,
chương trình Văn Học Sử của Trung Học Việt Nam với bài thơ Nam Quốc Sơn Hà, Nam
Đế Cư của Ngài Lý Thường Kiệt dưới mái trường, Tuổi Hoa và Tủ Sách Tuổi Hoa là
những trang Văn Chương ngọt ngào, hào hùng, đầy dưỡng trấp cho trí tuệ của Anh
Chị Em nhà Em Ti. Rất thực mà mộng ngọt vô cùng.
Và Em Ti yêu mến Tuổi Hoa đến độ mơ thành Thi Sĩ. Em Ti mơ viết những
bài
thơ nho nhỏ, gởi lên tòa soạn và được chọn đăng. Em Ti tưởng tượng khi
bài mình được đăng, em sẽ lên thăm Tác giả Nguyễn Trường Sơn, Bích Thủy,
Nguyễn thị Mỹ Thanh, Hoài Mỹ, Nguyễn Thái Hải, Trinh Chí, Hà Tĩnh...
Em Ti rất thích truyện tranh Sơn Tinh, Thủy Tinh của Họa Sĩ Đình.
Thường
ước ao phải chi Họa Sĩ Đình làm phim hoạt họa Việt Nam... Đình tài, Đình
giỏi, Đình lại rất tốt bụng, chu đáo. Em Ti đã rất may mắn được học
chung với Họa Sĩ Đình mấy cours Hóa Lý I và Hóa Lý II của Thầy Chu Phạm
Ngọc Sơn. Tập ghi nốt của Họa Sĩ Đình còn đẹp hơn sách in. Không biết
bây giờ
Đình ở đâu và vẫn được bình yên sống vui, sống khỏe ??
Năm 1971, Anh Hai đi lính. Anh Hai giao lại cho Em Ti tiếp tục lưu giữ
và
làm giàu thêm Tủ Sách Tuổi Hoa của Gia Đình. Anh Hai cho tiền thì em mua
chứ kệ
sách thư viện bỏ túi của nhà ngày càng đầy. Anh Hai dặn bao bìa sách để
khi cho bạn mượn đọc thì bìa không bị dính dơ, sách dù cũ phải giữ sạch.
Ngắm sách đứng ngay hàng trên kệ, chị em ở nhà nhớ Anh Hai xa tít ngoài
đơn vị ở Đà Nẵng.
Tú tài, Em Ti vượt qua nhẹ nhàng. Em hứa sẽ nhớ hoài ngôi trường Nguyễn
Bá Tòng, Sài Gòn vì đó là trường thi Tú tài I của em mà Em Ti đã đậu.
Mùa hè 1971 thật đẹp. Em Ti thích mặc áo dài hơn rồi. Em không còn
bực
bội chê tà áo lượt phượt, phải buộc lên bên hông khi chạy đuổi các bạn,
nhất là em Hậu chân dài. Em Ti cắt tóc kiểu ba tầng, có mái trước trán,
có vệt tóc chấm má, và phía lưng tóc được thả dài, in hệt một mẫu hình
của Họa Sĩ ViVi. Quần trắng, tà áo ngắn chỉ quá gối, cặp táp đen, nữ
sinh Sài
Gòn sao mà xinh !!!
Thi thoảng, Em Ti cũng diện áo dài màu, cũng đội nón vải rộng vành. Em Ti
thích mặc áo màu phấn hồng đi học thêm Sinh ngữ ở Trung Tâm Văn Hóa Pháp.
Tình cờ gặp cô bạn cùng tuổi, chuyển về Lê Văn Duyệt học chung lớp 12A5. Cô
rủ Em Ti đi cùng đến Tòa Soạn Tuổi Hoa, đường Kỳ Đồng. Không chút ngại Ngùng,
Em Ti đi theo, ngác ngơ, ngơ ngác. Em Ti im lặng làm sò hến. Tòa Soạn
Tuổi Hoa không phải chỗ dễ vào và cũng chưa phải lúc.
Còn nữa... Còn phải học nữa... Nợ sách đèn còn nặng lắm với Tú Tài II,
Em Ti phải lo dồn sức, khuya sớm gạo bài, làm thật hết các bài tập Toán,
Lý, Hóa. Em Ti không thuộc vào hạng thông minh, chỉ số IQ chỉ thường
thường bậc trung. Phải học nhiều lắm mới mong đậu đạt.
Em Ti học gạo quá trời và đậu Tú Tài II. Mừng rơn thấy tên mình trên
bảng kết quả ở Trường Bồ Đề. Thế là Đại Học Sinh Lý, Sinh Hóa Thủ Đức Em
Ti theo trọn năm Dự Bị...
Vậy mà giấc mơ làm Thi Sĩ , dù chập chững, dù cà nhắc nhưng mấy bài thơ
nho nhỏ cũng bắt đầu được Ban Biên Tập Tuổi Hoa, Ngàn Thông, trang Mai
Bê Bi, Chính Luận chiếu cố. Những bài thơ toàn về hoa bướm, về triết
lý chuồn chuồn, khi vui đậu lại, khi buồn bay đi... Cái tên hiệu Nhã Đảo
được chọn một cách rất ngẫu nhiên, nghe có vẻ Phù Tang Tam Đảo, chắc lúc
đó đang đọc tập sách du lịch Mùa Đông Hokkaido. Cùng với cô bạn láu lỉnh tên
Bạch Mai, Lê Nguyễn Mai Trắng, Em Ti nhập vào sinh hoạt Tuổi Hoa rất
nhanh, rất gọn. Nhóm Thân Ái, được sự hỗ trợ của Thầy Huỳnh Kim Cương,
Giáo sư Sinh Hoạt Học Đường Trường Lê Văn Duyệt; Anh Vân Sơn, chị Thùy
Hương của trang Mai Bê Bi; Bác Phạm Kim Vinh, Chú Văn Chi, Bác
Tô Vân của báo Chính Luận; anh Hà Tĩnh, anh Quyên Di, Anh Thái Bắc, Anh
ViVi của Tuổi Hoa, Ngàn Thông... không quản ngại bao bận rộn hỗ trợ cho
Mai Trắng, Nhã Đảo tổ chức nhiều buổi sinh hoạt với Tòa Soạn: Sinh hoạt
ngoài trời, cắm trại, biểu diễn Văn Nghệ, thăm các Cô Nhi Viện,xa nhất
là Cô Nhi Viện Vũng Tàu của các Sơ dòng thương khó, nhận dạy
kèm tư gia để có tiền gây Quỹ Học Bổng, hợp với các bạn sinh viên trẻ
Bách Khoa, Khoa Học lập lớp dạy thêm miễn phí tại trường đêm Hàn Thuyên,
Phú Nhuận kèm Toán Lý Hóa Sinh cho các em học sinh nghèo. Những người
bạn Trần Ngọc Khôi, Lâm Du Sơn, Ngọc Hoa... mà Em Ti đã luôn nghĩ đến và
cầu nguyện bình an.
Em Ti có đôi lần gặp được Cha Chân Tín. Cha hỏi thăm chuyện học hành,
chuyện về sinh hoạt. Cha hứa sẽ giúp phòng ốc cho chương trình dạy hè
miễn phí của nhóm. Chưa kịp thì đã 75. Tất cả đã lắng chìm...
Vẫn ở đó, đường Kỳ Đồng, trong khuôn viên nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế,
có một tòa soạn nho nhỏ của Ban Biên Tập Tuổi Hoa, được nhớ về, được thương
mến. Con đường qua ngõ chợ Nguyễn Thông nhiều kỷ niệm thời Tuổi Hoa.
Em
Ti làm sao quên được!!!