Thứ Tư, 11 tháng 1, 2017

Mừng "Cọp sút chuồng"


Chào các bạn,

Có vẻ như số của mình luôn "có duyên" với những gì đặc biệt : như hồi năm 1973, vừa mới ăn cái Tết Trung Thu đặc biệt với Tuổi Hoa xong thì qua năm 1974, đã có ngay một cái Tết cũng “đặc biệt” không kém, nếu không muốn nói là còn... hơn thế nữa, lần này là với Tuổi Hoa Xuân Giáp Dần!

Để mình kể các bạn nghe : lúc mới bắt đầu đọc Tuổi Hoa thì mình còn “ngố” lắm, ăn chưa no lo chưa tới biết chi chuyện văn chương! Nhưng sau khi đọc đâu được bảy tám số gì đó, thấy “con nhà người ta” viết bài đăng báo cứ dễ như là lấy đồ trong túi, tự nhiên mình cũng nổi hứng muốn trở thành "nhà văn"! Nhưng muốn là một chuyện, làm được hay không lại là chuyện khác. Còn đang băn khoăn thì cơ hội đến. Nhân dịp năm hết, tết đến, tòa soạn thông báo ngày phát hành số báo Xuân, kêu gọi độc giả gần xa đóng góp bài vở. Gì chứ Tết là mình khoái nhất! Thế là không để mất thì giờ, mình lôi giấy bút ra hăm hở bắt tay vào "việc".

Nhưng biết viết gì bây giờ? Truyện hả? Mới nghĩ tới thôi đã thấy “oải” rồi, bởi mình học văn cũng không lấy gì làm khá, nếu không muốn nói là quá tệ! Chỉ còn cách làm thơ thôi. Thơ thì mình có đỡ hơn một chút, nhất là cái "món" thơ lục bát, từ nhỏ đã nghe má mình ru quen rồi, lớn lên lại nghe má ru… cháu ngoại, nghe riết  rồi có khi buột miệng “xuất khẩu thành thơ” hồi nào không hay! Nhớ hồi năm lớp bảy thầy giáo dạy văn yêu cầu làm một bài thơ lục bát đề tài là tả một buổi họp chợ ở quê em, bài thơ của mình được thầy chấm 18 điểm, điểm tối đa luôn! Bài thơ đó như sau:

Nắng hồng rải xuống đường đi
Một bà đang gánh gánh gì trên vai
Đến nơi chợ đã lai rai
Vài người ngồi bán sớm mai rao hàng

Rất tiếc là còn bốn câu nữa mà mình quên mất rồi! Bây giờ đọc lại thấy buồn cười quá. Nhưng lúc đó thầy không cười mà chỉ góp ý tí ti là nếu như thay được chữ “lai rai” bằng chữ “lác đác” thì chính xác hơn. Nói thì nói vậy chứ làm sao mà thay được, thay như vậy thì còn gì là thơ!

Vậy là cuối cùng chốt lại : làm một bài thơ lục bát. Tất nhiên là chủ đề Xuân. Cái tựa thì mình nghĩ ra rồi, lấy tên của một bản nhạc Xuân nổi tiếng. Phần tựa xong rồi là đến nội dung. Xem nào, thơ thì cũng phải có đầu có đuôi, phần nhập đề nên tả cảnh trước. Tết thì phải có hoa mai, có chim én, đưa hai th này vào là hợp lý nhất. Xong, đến phần thân bài, cứ nghĩ gì viết nấy thôi. Trẻ con ưa nhất là được lì xì, đốt pháo (pháo bông thôi, pháo nổ bị cấm từ sau Tết Mậu Thân rồi!), ăn bánh mứt, trái cây… (có tâm hồn ăn uống dữ!) Chỉ trong chốc lát mình đã làm xong sáu câu thơ có đủ các thứ. Chết cha, quên mất vụ quần áo mới rồi! Nhưng mà sửa lại thì khó quá, thôi bỏ qua vậy. Bây giờ đến phần kết luận. Chà, khó đây! Phần kết mà không ra gì thì cả bài coi như vứt! Đang lúng túng thì mình chợt nhớ đến truyện tranh Cọp Sút Chuồng vừa mới đăng xong trên báo Thiếu Nhi. A! Năm nay là năm con cọp, vậy không phải là cọp sút chuồng thì là gì? Thế là câu thơ “Đón mừng cọp mới sút chuồng” được mình “hạ bút”, thêm một câu tám ch nữa là vừa đẹp! Cũng may là câu trước đó kết thúc bằng vần “uôn”, nếu không thì còn là mệt!

Làm xong rồi, đọc tới đọc lui thấy đã hoàn hảo (?), mình hân hoan chép lại vào tờ giấy trắng sạch s, ghi họ tên và địa chỉ dưới cuối bài đàng hoàng theo lời dặn của tòa soạn rồi mới bỏ vào bao thư, đề địa chỉ tòa soạn, không quên kèm thêm câu gởi mục “Khu Vườn Hạnh Phúc” do anh Nguyễn Thái Hải phụ trách, sau đó chạy ra bưu điện bỏ tót vào thùng thư rồi về nhà hồi hộp chờ đợi. Đến ngày báo phát hành, mình "rinh" ngay một cuốn về nhà. Sau khi lấy dao rọc phần trên cẩn thận, mình lật ngay trang Khu Vườn Hạnh Phúc ra coi: Ý trời đất quỉ thần ơi! Bài thơ của mình được chọn đăng rồi! Sướng quá! Lúc đó mình chỉ muốn hét lên cho đã, nhưng mà phải ôm ngực để dằn bớt cảm xúc, sợ “người ta” tưởng thần kinh mình có "vấn đề"! Sau này bình tĩnh hơn, mình nhận ra “tác phẩm” của mình có quá nhiều sai sót, nhất là khi nhận được “phản hồi” không mấy tích cực của người trong nhà: người thì xem với lòng hờ hững, người thì chê ỏng chê eo! Nhưng mà thôi kệ, mình thấy sướng là được rồi!

Nhưng niềm vui chưa dừng lại ở đó. Hai ngày sau, nhân viên bưu điện đến nhà trao cho mình tờ báo biếu do tòa soạn gởi theo đúng địa chỉ mình ghi dưới bài thơ. Đây quả là một bất ngờ nữa lớn không kém chuyện mình được đăng bài, vì mình nghĩ là phải truyện mới có báo biếu chớ, còn thơ thì lắt nhắt quá, lại quá nhiều biếu làm sao cho xuể! Nhưng cũng nhờ vậy mà năm đó mình có không phải một mà tới hai tờ báo Xuân để làm kỷ niệm. Khỏi nói cũng biết là năm đó mình đã đón một cái tết “huy hoàng” như thế nào!

Hai tờ báo đó đến bây giờ mình vẫn còn giữ, như là một kỷ niệm đẹp của mình với Tuổi Hoa. Tờ thứ nhất do được "chiếu cố" quá "tận tình" nên hình bìa có bị ng màu hơi tối, còn tờ thứ hai thì vẫn còn khá mới. Mình xin chụp cả hai tờ các bạn xem chơi. Có thể nhận  thấy tờ thứ hai nhỏ hơn tờ thứ nhất, do đã được tòa soạn xén cạnh phần trên cho đẹp, và chính giữa có một nếp gấp do tờ báo bị xếp làm đôi khi gởi. Hai tờ báo quí hơn vàng đó nghe các bạn!

Nhân đây mình cũng xin gởi lời cảm ơn chân thành đến anh Nguyễn Thái Hải, người đã chọn đăng bài thơ "tếu nhất trên đời" của mình. Anh như chiếc cầu nối cho mình đến gn với Tuổi Hoa. Nhờ có anh mà mối giao tình của mình với Tuổi Hoa, dù chỉ "mỏng manh như tơ nhện", vẫn bền chặt cho đến tận bây giờ. (Có một chuyện mà nói ra sợ anh phật ý, nhưng thú thực là mình cứ thắc mắc mãi, không biết vì sao anh lại chọn bài thơ này. Sau này mình mới biết là anh tuổi... con Cọp. Hèn gì... hi hi!) 

Hôm nay, nhân dịp xuân về, mình viết bài hồi ức về bài thơ Xuân năm cũ mi các bạn đọc cho vui. Về phần nội dung bài thơ thì các bạn chỉ cần biết một câu “đáng đồng tiền” nhất ở trên là đủ. Riêng mình, cứ mỗi lần nhớ đến câu thơ “mừng cọp sút chuồng” mình lại không thể nào nhịn được cười…